Dồn sức đầu tư kết cấu hạ tầng đô thị Một góc thành phố Việt Trì nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN |
Từ một thị xã nhỏ bé, sau 55 năm hình thành và phát triển, trải qua nhiều giai đoạn kiến tạo, quy hoạch và xây dựng, đến nay thành phố Việt Trì đã có một tầm vóc mới, trở thành một địa điểm nổi tiếng về du lịch tâm linh về với cội nguồn của dân tộc Viêt Nam. Trong tương lai, đây sẽ là thành phố du lịch của Việt Nam và thế giới, mang đậm bản sắc dân tộc, đẹp, hiện đại.
Những năm gần đây, thành phố Việt Trì đã tập trung mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng tạo nên bộ mặt khang trang, xanh sạch, đẹp. Hàng chục tuyến đường nội thị như đường Nguyệt Cừ, Tô Vĩnh Diện, Vũ Duệ, Thạch Khanh, Nguyễn Tất Thành, Thụy Vân, Vũ Thê Lang, Phù Đổng, Tiên Sơn… và trên 130 km đường giao thông nông thôn tạo bứt phá mới cho thành phố.
Đặc biệt, nhiều tuyến đường quốc lộ, cầu và đường đối ngoại như đường cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Quốc lộ 2, Quốc lộ 32c, cầu Hạc Trì, cầu Văn Lang… được đầu tư nâng cấp và xây dựng mới đã giúp kết nối giao thông thúc đẩy kinh tế phát triển tạo thành điểm nhấn cho thành phố.
Thành phố cũng quan tâm đến các dự án chỉnh trang làm đẹp đô thị. Việc khớp nối các tuyến đường, hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng được đầu tư khá nhiều, góp phần làm cho bức tranh đô thị ngày càng xanh, sạch, đẹp và văn minh hơn.
Cùng với đó, hạ tầng văn hóa xã hội được chú trọng đầu tư tương xứng với những điểm nhấn đáng chú ý như Khu di tích văn hóa lịch sử Đền Hùng được quy hoạch mở rộng gần nghìn ha để xây dựng các công trình phục vụ lễ hội Đền Hùng. Nhiều khu vui chơi giải trí, dịch vụ thương mại, công trình văn hóa như: Công viên Văn Lang và Bảo Đà, quảng trường Hùng Vương, các trung tâm thương mại, hệ thống chợ đầu mối, siêu thị, phố ẩm thực, nhà hát lớn đã và đang hoàn thành cho thấy sự phát triển nhanh chóng của thành phố…
Cùng với kết cấu hạ tầng đô thị, hạ tầng kinh tế cũng có sự chuyển biến mạnh mẽ, đồng bộ nhờ sự quan tâm chỉ đạo của thành phố. Các khu công nghiệp Thụy Vân, Cụm công nghiệp Đồng Mạ, Bạch Hạc, Phượng Lâu, Nam Việt Trì… được đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng sạch tạo điều kiện thuận lợi thu hút một số doanh nghiệp lớn trong và ngoài nước.
Ông Lễ Sỹ Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, những năm gần đây thành phố đã dồn sức huy động các nguồn lực để đầu tư kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội. Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, thành phố đã huy động tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 28.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn nguồn kinh phí đã được đầu tư cho phát triển hạ tầng đô thị, giao thông, thương mại, cấp thoát nước và vệ sinh môi trường… giúp nâng cao chất lượng đô thị của thành phố.
Nguồn vốn đầu tư phát triển tăng khá đã giúp kinh tế, xã hội của thành phố luôn giữ được mức tăng trưởng hợp lý; tốc độ tăng trưởng kinh tế được duy trì. Sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp tiếp tục đạt được mức tăng trưởng khá và giữ vững vai trò chủ lực và quyết định đến tăng trưởng kinh tế trên địa bàn.
Các ngành dịch vụ phát triển dưới nhiều hình thức phong phú. Sản xuất nông nghiệp phát triển theo hướng hàng hóa cận đô thị. Đặc biệt, Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới được triển khai tích cực, đã huy động cả hệ thống chính trị và nhân dân cùng tham gia. Đến hết năm 2017, toàn thành phố có 6/10 xã đạt chuẩn nông thôn mới.
Tiến tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại Một góc thành phố Việt Trì nhìn từ trên cao. Ảnh: Trung Kiên/TTXVN |
Ông Lê Hồng Vân, Chủ tịch UBND thành phố Việt Trì cho biết, để tiến tới xây dựng đô thị văn minh, hiện đại, từ nay đến 2020 thành phố sẽ tập trung thực hiện hiệu quả ba khâu đột phá về đầu tư kết cấu hạ tầng, phát triển dịch vụ, nhất là dịch vụ du lịch và xây dựng đô thị văn minh, văn hóa mà Đại hội đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra.
Hiện tại, thành phố đang tập trung thu hút mọi nguồn lực xây dựng thành phố theo quy hoạch; thu hút các chuyên gia giỏi, lao động có tay nghề cao từ bên ngoài làm việc tại Việt Trì. Đồng thời, tăng cường hợp tác quảng bá hình ảnh lễ hội trong nước và quốc tế... Thành phố cũng tập trung phát triển mạnh ngành công nghiệp có lợi thế và ngành công nghiệp truyền thông có sức cạnh tranh; đẩy nhanh tái cớ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững…
Bên cạnh đó, thành phố khuyến khích phát triển mô hình hợp tác theo hướng nông nghiệp cận đô thị với công nghệ cao gắn với phát triển nhanh hệ thống thương mại-dịch vụ, hình thành chợ đầu mối, trung tâm bán buôn và một số siêu thị chất lượng cao. Đồng thời, mở rộng quy mô, phát triển mạnh các loại hình dịch vụ, tạo cơ chế thu hút các nhà đầu tư phát triển thị trường vốn, thị trường bất động sản và thị trường chứng khoán…
Dự kiến từ nay đến năm 2020, thành phố đảm bảo thu thu hút vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 33.000 - 34.000 tỷ đồng. Trong đó, phần lớn nguồn vốn sẽ được ưu tiên xây dựng mới và tải tạo đường đối nội, đối ngoại trong thành phố, hình thành hệ thống đường vành đai và các trục chính, trục ngang trong đô thị…
Theo ông Lê Hồng Vân, để kêu gọi nguồn đầu tư, địa phương đã có các cơ chế chính sách, giải pháp khá cụ thể, minh bạch. Chẳng hạn như: huy động tổng thể nguồn vốn đầu tư kết cấu hạ tầng (vốn từ Trung ương, tỉnh; vốn vay nhàn rỗi kho bạc; vốn xã hội hóa đầu tư theo hình thức PPP, BT, BOT; vốn nhân dân đóng góp, tài trợ và vốn ODA).
Ngoài ra, đề xuất ban hành cơ chế tài chính đặc thù đầu tư xây dựng và phát triển đô thị. Thành phố cũng tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi đẩy mạnh thu hút nguồn vốn tư nhân nước ngoài; tiếp tục cải cách các thủ tục hành chính theo cơ chế "một cửa", "một đầu mối" tại các cơ quan chức năng.
Với những tiềm năng, lợi thế sẵn có, cùng với sự vào cuộc tích cực của cấp ủy, chính quyền thành phố, mục tiêu xây dựng Việt Trì trở thành Thành phố lễ hội về với cội nguồn dân tộc Việt Nam vào năm 2020 và phấn đấu đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2050, Việt Trì sẽ trở thành một trong 12 đô thị trung tâm vùng của cả nước sẽ đạt kế hoạch đề ra.