Xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh, hiện đại

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ thành phố (TP) Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã định hướng: Xây dựng TP. Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh là một nhiệm vụ trọng yếu, là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Thành phố trong giai đoạn 2021 – 2025 và tầm nhìn đến năm 2030, nhằm tạo động lực thúc đẩy sự phát triển nhanh, bền vững của Thành phố và hướng tới phục vụ nhân dân.

 Trong giai đoạn 2016-2020, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và tập trung nguồn lực đầu tư của tỉnh; sự nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao của cấp ủy, chính quyền, hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và toàn thể Nhân dân; thành phố Thanh Hóa đã đạt được những kết quả quan trọng: có 31/32 chỉ tiêu chủ yếu đạt và vượt kế hoạch đề ra; kết cấu hạ tầng được tập trung đầu tư theo hướng đồng bộ, mở rộng và có tính kết nối cao; nhiều dự án lớn làm thay đổi bộ mặt thành phố được triển khai và đi vào hoạt động; hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới và thành lập 10 phường trên cơ sở 10 xã hiện có, đưa tỷ lệ đô thị hoá đạt 96,3%. Tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 1,75 tỷ USD, chiếm 43,75% của cả tỉnh; tổng vốn đầu tư phát triển thời kỳ 2016-2020 ước đạt 143.000 tỷ đồng, chiếm 23,44%; thu ngân sách nhà nước trên địa bàn ước đạt 22.500 tỷ đồng, chiếm 18,4%; thành lập mới 6.200 doanh nghiệp, chiếm 44% của cả tỉnh; thu nhập bình quân đầu người/năm đến năm 2020 ước đạt 73,4 triệu đồng, gấp 1,69 lần trung bình cả tỉnh…

Tuy nhiên, kinh tế thành phố phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và sự quan tâm đầu tư của tỉnh. Vai trò là trung tâm, là động lực lan toả của thành phố đối với sự phát triển của cả tỉnh chưa rõ nét. Thời gian tới, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản; thì đối với thành phố Thanh Hóa ngoài khó khăn thách thức chung của cả tỉnh; còn có những khó khăn, thách thức riêng đó là: Là 1 trong những đô thị loại I trực thuộc tỉnh có dân số, diện tích lớn nhất cả nước; tốc độ đô thị hóa và gia tăng dân số cơ học tăng nhanh, dẫn đến rất nhiều vấn đề đặt ra cần giải quyết, như về áp lực quá tải hạ tầng kỹ thuật đô thị, hạ tầng xã hội, ùn tắc giao thông, an ninh trật tự, y tế, giáo dục, năng lượng, phát triển nhà ở, xử lý ô nhiễm môi trường... các dịch vụ cho người dân và xã hội.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng thì xu thế xây dựng và phát triển thành phố thông minh là tất yếu. Thành phố thông minh là giải pháp quan trọng để thành phố giải quyết các khó khăn, thách thức, bứt phá lên một tầm cao mới, nâng cao tính cạnh tranh của thành phố; giúp thành phố tận dụng được những cơ hội về phát triển kinh tế - xã hội, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên; sẽ làm cho chất lượng sống của người dân được nâng cao, các dịch vụ được tối ưu hóa, môi trường sống trong sạch; tiết kiệm chi phí, công sức, thời gian trong sử dụng các dịch vụ xã hội; an ninh, trật tự được đảm bảo và tăng cường, thành phố thông minh sẽ đưa thành phố phát triển bền vững.

Chú thích ảnh
Một góc TP. Thanh Hóa hôm nay (ảnh tư liệu)

Thành phố Thanh Hoá là địa phương có những lợi thế so sánh để xây dựng Đô thị thông minh đó là: Hạ tầng CNTT viễn thông tương đối hoàn chỉnh; Trình độ dân trí cao, trên 70% dân số sử dụng Internet; Các thiết bị thông minh được sử dụng rộng rãi; chương trình xây dựng chính quyền điện tử được triển khai đồng bộ và có chất lượng; công tác chỉ đạo, điều hành, cải cách hành chính và cung cấp các dịch vụ công trực tuyến được triển khai đồng bộ và tích cực như: Dịch vụ hành chính công, phần mềm tương tác trực tuyến tiếp nhận phản ánh kiến nghị trực tuyến của người dân; phòng họp không giấy tờ E-CabinNet, phòng họp trực tuyến; hệ thống camera giám sát tại các tuyến phố và khu dân cư, các phần mềm quản lý y tế, giáo dục, dân cư được áp dụng… Hiện nay các hệ thống này đang hoạt động và phát huy hiệu quả tích cực. Trên cơ sở đó, thành phố Thanh Hóa đang tiến hành xây dựng đề án Thành phố thông minh.

Tuy nhiên, để xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành đô thị thông minh thì cần có lộ trình, bước đi phù hợp; cần có sự chỉ đạo, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh và sự nỗ lực, cố gắng của thành phố. Theo đó, Thành phố Thanh Hóa cần tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
  Một là: Khẩn trương hoàn thành Quy hoạch chung thành phố Thanh Hóa đến năm 2040 phù hợp với phát triển đô thị thông minh; trong quy hoạch phải lưu ý việc kết nối với các vùng phụ cận và các trung tâm kinh tế động lực của tỉnh; khu vực Nam đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ 
Hai là, xây dựng và ban hành "Đề án xây dựng thành phố Thanh Hóa trở thành thành phố thông minh"; mục tiêu của đề án là xây dựng được một kiến trúc tổng thể của đô thị thông minh; trong đó, cần xác định rõ các nội dung, thứ tự ưu tiên các công việc, các dự án cần làm;   trước hết là cần tập trung nguồn lực để hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử; lựa chọn thực hiện một số nội dung phù hợp với điều kiện thực tế của thành phố trên các lĩnh vực giao thông, môi trường, an ninh - trật tự, y tế, giáo dục, các dịch vụ thiết yếu cho người dân, thực hiện tốt công tác tuyên truyền, hướng dẫn để hình thành một bộ phận cư dân thông minh, tiến tới toàn dân thông minh.  

Ba là, các cấp có thẩm quyền cần ban hành thể chế, hệ thống các văn bản quy định về tiêu chí, tiêu chuẩn đô thị thông minh phù hợp với điều kiện phát triển của Việt Nam, ban hành cơ chế chính sách và các hướng dẫn về xây dựng, phát triển đô thị thông minh bền vững, nhằm tạo môi trường pháp lý và điều kiện hỗ trợ nguồn lực để phát triển đô thị thông minh.

Bốn là, tập trung hoàn thành việc xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới chính quyền số. Phấn đấu giai đoạn 2020- 2025, hoàn thành việc xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung và chuyên ngành, trước mắt là cơ sở dữ liệu dân cư, đất đai và các cơ sở dữ liệu cần thiết khác phục vụ công tác quản lý của thành phố; 100% thông tin dữ liệu đô thị được số hóa; hình thành hệ thống dữ liệu tích hợp, chia sẻ để cung cấp dịch vụ công trực tuyến ở mức độ cao theo hướng tự động hoá nhiều tiện ích trong toàn bộ khu vực công. Thực hiện tốt việc thiết lập các hệ thống ứng dụng phục vụ người dân, doanh nghiệp và phục vụ quản lý điều hành của thành phố. Rà soát, sắp xếp lại và huy động các nguồn lực để triển khai các nhiệm vụ ưu tiên phát triển chính quyền điện tử.

Để thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố lần thứ 21, trong đó có mục tiêu xây dựng thành phố thông minh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân thành phố quyết tâm, đoàn kết, nhất trí, huy động sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Không ngừng nâng cao đời sống Nhân dân, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, xây dựng thành phố đến năm 2025 trong nhóm đô thị loại 1 trực thuộc tỉnh đứng đầu cả nước, đến năm 2030 cơ bản trở thành đô thị thông minh, văn minh, hiện đại.         

Trịnh Huy Triều      (Tỉnh Ủy viên, Phó Bí thư Thành ủy – Chủ tịch UBND TP. Thanh Hóa)
Đảng bộ thành phố Thanh Hóa tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu
Đảng bộ thành phố Thanh Hóa tiếp tục nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu

Trong 2 ngày 11 và 12/6, đã diễn ra Đại hội đại biểu Đảng bộ thành phố Thanh Hóa lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2020-2025.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN