Theo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Ninh Thuận, Lâm Sơn là xã trung du miền núi có xuất phát điểm xây dựng nông thôn mới khá thấp, điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương chủ yếu là sản xuất nông nghiệp. Đời sống của người dân còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của các địa phương khác trong tỉnh.
Thời gian qua khi địa phương bắt đầu thực hiện xây dựng nông thôn mới, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị ở cơ sở và sự đồng thuận, quyết tâm của nhân dân, toàn xã đã có nhiều cố gắng nỗ lực; tận dụng và phát huy tiềm năng, lợi thế kết hợp với huy động tốt nguồn lực đầu tư; qua đó đã thực hiện hiệu quả chương trình xây dựng nông thôn mới trong thời gian ngắn.
Ông Trương Thành Quyền, Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn cho biết, tổng kinh phí thực hiện xây dựng nông thôn mới tại địa phương là hơn 34,7 tỷ đồng; trong đó vốn ngân sách của Trung ương hỗ trợ hơn 5,7 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh hơn 6,8 tỷ đồng, vốn lồng ghép hơn 6,8 tỷ đồng, vốn đóng góp từ các doanh nghiệp hơn 2 tỷ đồng, vốn thuộc dự án Koica (Hàn Quốc) 12,6 tỷ đồng và vốn từ sự đóng góp của cộng đồng hơn 500 triệu đồng. Với nguồn vốn trên và sự đồng thuận của người dân, địa phương có điều kiện đầu tư đồng bộ trên các mặt. Nhờ đó diện mạo bộ mặt nông thôn đã khởi sắc hoàn toàn.
Lâm Sơn là địa phương chịu ảnh hưởng của khí hậu ôn đới, hội tụ điều kiện để phát triển các mô hình sản xuất có hiệu quả, có giá trị kinh tế cao; đặc biệt phải kể đến mô hình trồng cây ăn trái (cây có múi, được xem là sản phẩm đặc thù) kết hợp với phát triển du lịch sinh thái, góp phần thích ứng với biến đổi khí hậu, tăng hiệu quả sản xuất, tạo nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.
Theo báo cáo của UBND xã Lâm Sơn, hiện nay thu nhập bình quân đầu người ở xã đạt 38,2 triệu đồng/người/năm, đạt và vượt 230.000 đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo đa chiều hiện còn 4,78%.
Ông Nguyễn Ngọc Hưng (ở thôn Gòn 2, xã Lâm Sơn) phấn khởi cho biết, thực tế trước đây cuộc sống người dân cũng gặp không ít khó khăn. Thế nhưng, được sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước, của tỉnh, nhiều dự án phát triển sản xuất, chăn nuôi; đặc biệt là dự án do Tập đoàn Koica hỗ trợ (dự án trồng ớt xuất khẩu) và tài trợ địa phương xây dựng nông thôn mới đã góp phần tạo động lực cho người dân thúc đẩy sản xuất, tạo nguồn thu nhập đáng kể, góp phần cải thiện và nâng cao chất lượng cuộc sống.
Bên cạnh đó, những năm gần đây, được sự hỗ trợ của ngành nông nghiệp, nhiều mô hình sản xuất thích ứng với biến đổi khí hậu cũng đã được triển khai nhân rộng, nhất là mô hình trồng cây ăn trái kết hợp với làm du lịch phát triển rất mạnh. Nhờ đó, cuộc sống và thu nhập của người dân đã có bước thay đổi đáng kể.
Nhận thấy được sự đổi thay từ xây dựng nông thôn mới, người dân xã Lâm Sơn đã đồng lòng ra sức thi đua, hăng hái tăng gia lao động sản xuất, chung tay cống hiến sức người, sức của cùng với chính quyền, Mặt trận, đoàn thể xây dựng địa phương ngày một tốt đẹp hơn.
Có thể nói, phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới của người dân xã Lâm Sơn đã có sức lan tỏa rộng khắp như: Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào dân vân khéo; phong trào nhân dân góp sức, trí tuệ, hiến đất xây dựng công trình hạ tầng; phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và xây dựng gia đình “5 không, 3 sạch”; phong trào “3 giảm, tức giảm tội phạm, giảm tệ nạn xã hội, giảm tai nạn giao thông”; mô hình “tổ an ninh xung kích”…
Tại lễ công nhận, lãnh đạo Ban Chỉ đạo các Chương trình mục tiêu Quốc gia tỉnh Ninh Thuận đánh giá cao thành quả mà Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Lâm Sơn đã đạt được, có đóng góp quan trọng vào thành tích chung của huyện và của tỉnh trong sự nghiệp phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Toàn hệ thống chính trị của xã cần tiếp tục phấn đấu, chung tay xây dựng để nâng cao hơn nữa chất lượng các tiêu chí, hướng tới xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, tiến đến xây dựng xã nông thôn mới kiểu mẫu để phát triển ổn định, bền vững, bởi việc xây dựng nông thôn mới có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc.
Để động viên, khích lệ Đảng bộ, chính quyền, nhân dân xã Lâm Sơn có động lực phát triển, UBND tỉnh Ninh Thuận quyết định hỗ trợ kinh phí 1,5 tỷ đồng để địa phương tiếp tục đầu tư, nâng cao chất lượng các công trình trên địa bàn xã trong thời gian tới.
Theo Văn phòng Điều phối xây dựng nông thôn mới (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận), tính đến đầu tháng 7/2020, Ninh Thuận có 25 xã đã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 1 xã (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) đang trình hồ sơ để công nhận. Bên cạnh đó, tỉnh cũng phấn đấu đưa một huyện (huyện Ninh Phước) đạt chuẩn nông thôn mới vào cuối năm 2020.