Tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng đánh giá cao công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long thời gian qua. Nổi bật là tỉnh đã chủ động xây dựng các phương án ứng phó phù hợp với từng loại thiên tai và cấp độ rủi ro thiên tai thường xảy ra trên địa bàn; thực hiện tốt phương châm “4 tại chỗ” trong phòng, chống thiên tai và triển khai khẩn trương, hiệu quả công tác khắc phục hậu quả; quan tâm tổ chức công tác diễn tập phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các cấp.
Ngoài ra, tỉnh còn đẩy mạnh ứng dụng tốt việc ứng dụng công nghệ thông tin trong phòng, chống thiên tai như: Hệ thống tin nhắn SMS truyền thông tin dự báo, cảnh báo, báo cáo thiệt hại về thiên tai; cung cấp thông tin kịp thời trên trang web, mạng xã hội để phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành về phòng, chống, ứng phó với thiên tai trên địa bàn.
Thời gian tới, Vĩnh Long cần chủ động xây dựng kế hoạch phòng, chống thiên tai của tỉnh giai đoạn 2021- 2025 và lồng ghép nội dung phòng chống thiên tai vào quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bên cạnh việc chủ động ứng phó với các loại thiên tai thường xuất hiện trên địa bàn, tỉnh quan tâm xây dựng, bổ sung phương án ứng phó với các loại thiên tai bất thường; chú trọng tuyên truyền, phổ biến kiến thức, biện pháp, kinh nghiệm phòng, chống thiên tai kịp thời đến người dân, tránh tâm lý chủ quan trong cộng đồng.
Đối với ngành chuyên môn cần tập trung theo dõi tình hình thời tiết, khí tượng thủy văn để kịp thời thông báo, cảnh báo cho các địa phương, người dân triển khai các biện pháp phòng, chống, ứng phó, hạn chế thấp nhất thiệt hại khi thiên tai xảy ra.
Mặt khác, tỉnh quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương tiện phục vụ hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; kiện toàn Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp và nâng cao năng lực cán bộ làm công tác phòng, chống thiên tai.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Thị Quyên Thanh, để đảm bảo công tác ứng phó với biến đổi khí hậu trong thời gian tới, tỉnh Vĩnh Long kiến nghị Trung ương hỗ trợ đầu tư 3 dự án thủy lợi cấp bách phòng, chống hạn, xâm nhập mặn trên địa bàn tỉnh, gồm: Dự án hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt dọc sông Cổ Chiên, khu vực huyện Mang Thít; Dự án nạo vét Hệ thống thủy lợi kênh Trà Ngoa và dự án Hệ thống cống ngăn mặn, trữ ngọt khu vực các xã cù lao huyện Long Hồ, với tổng kinh phí 535 tỷ đồng, từ nguồn vốn khắc phục hậu quả hạn hán, xâm nhập mặn.
Đồng thời, tỉnh cũng kiến nghị Trung ương hỗ trợ thực hiện 2 dự án nạo vét kênh trục tạo nguồn phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn trên địa bàn, gồm: Dự án nạo vét kênh La Ghì - Trà Côn (huyện Trà Ôn) và dự án nạo vét kênh Cái Cá - Mây Tức (huyện Vũng Liêm) với tổng mức đầu tư 452 tỷ đồng.
Ngoài ra, tỉnh kiến nghị Chính phủ điều chỉnh nâng mức hỗ trợ thiệt hại, nhất là hỗ trợ thiệt hại do thiên tai gây ra đối với cây trồng. Hiện mức hỗ trợ này thấp so với mặt bằng chung của địa phương và chưa đủ bù đắp tương đối chi phí sản xuất của người dân để khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống sau thiên tai.
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long Lưu Nhuận cho biết, trong 8 tháng của năm 2020, Vĩnh Long chịu ảnh hưởng của nhiều dạng thiên tai khá phức tạp như hạn hán, xâm nhập mặn, dông, lốc, mưa lớn, sạt lở bờ sông, gây thiệt hại trên 314 tỷ đồng. Cụ thể, thiên tai đã khiến 185 căn nhà, trên 1.850 ha lúa và 11,3 ha cây trồng lâu năm bị hư hại.
Trên địa bàn cũng xảy ra 78 điểm sạt lở bờ sông và trong nội đồng với tổng chiều dài trên 2.615 m...
Xâm nhập mặn sớm và duy trì ở mức độ cao đã làm thiệt hại, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp của tỉnh, trong đó trên 2.233 ha cây trồng bị nhiễm mặn, 18.868 ha cây trồng bị thiếu nước tưới. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 89.743 hộ dân phải sử dụng nguồn nước bị nhiễm mặn trong thời gian độ mặn sông, rạch lên cao; gần 26.300 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt.
Bằng nhiều nguồn kinh phí, tỉnh đã hỗ trợ hơn 29,6 tỷ đồng nhằm khắc phục thiệt hại do thiên tai trên địa bàn, giúp người dân ổn định cuộc sống, sản xuất.