Triển khai công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020

Trước tác động của biến đổi khí hậu, thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, dị thường, trái quy luật, gay gắt và nhanh hơn kịch bản do các chuyên gia quốc tế và Việt Nam công bố. Ngày 18/7, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành văn bản số 4793/BNN-PCTT về việc triển khai công tác phòng chống thiên tai khu vực miền núi phía Bắc năm 2020.

Nội dung công văn yêu cầu các tỉnh khu vực miền núi phía Bắc tập trung chỉ đạo, xây dựng kế hoạch, ưu tiên bố trí nguồn lực thực hiện hiệu quả Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi; Chỉ thị số 42-CT/TW ngày 24/3/2020 của Ban Bí thư; tham mưu đưa nội dung phòng chống thiên tai vào Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các cấp. Đối với các tỉnh chưa ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư, khẩn trương xây dựng kế hoạch hành động bám sát nội dung và cụ thể hóa thành các nhiệm vụ, có phân công đối với các thành viên Ban Chỉ huy, hoàn thành và gửi về Ban Chỉ đạo Trung ương phòng chống thiên tai trước ngày 25/7/2020.

Chú thích ảnh
Ảnh minh họa: Quý Trung/TTXVN

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo xây dựng kế hoạch công tác của Ban Chỉ huy các cấp, phân công nhiệm vụ, địa bàn cụ thể gắn với trách nhiệm của người đứng đầu; kiểm tra, rà soát công tác đảm bảo an toàn khu dân cư ven sông, suối; Kiên quyết xử lý, ngăn chặn tình trạng khai thác khoáng sản trái phép tránh để xảy ra sạt lở, sập hầm cũng như việc người dân vớt củi trên sông, suối khi mưa lũ dẫn đến các sự cố đáng tiếc như đã xảy ra trong một số năm vừa qua.

Cùng với rà soát kịch bản, phương án ứng phó, sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, đảm bảo kịp thời tiếp cận ứng cứu khi có tình huống xảy ra, cần chỉ đạo triển khai lực lượng xung kích cấp xã trong việc kiểm tra các công trình công cộng, nơi ở, các ao hồ, đập không an toàn, kiểm soát, hướng dẫn giao thông. Các chủ hồ thủy điện cùng cơ quan chức năng, chính quyền trên địa bàn rà soát, kiểm tra; phương án, vật tư trang thiết bị đảm bảo an toàn công trình, đồng thời thường xuyên theo dõi giám sát, bố trí lực lượng thường trực tại hồ để xử kịp thời các tình huống xảy ra. Bên cạnh đó, ưu tiên bố trí ngân sách địa phương, trích quỹ  phòng, chống thiên tai và các nguồn kinh phí hợp pháp khác đảm bảo các hoạt động phòng, chống thiên tai.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp tham mưu xây dựng kế hoạch, kịch bản những tháng còn lại, theo dõi giám sát chặt chẽ diễn biến thiên tai trên địa bàn, tham mưu kịp thời việc kiện toàn Văn phòng thường trực chuyên trách, bổ sung nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, cơ sở dữ liệu, công cụ hỗ trợ, ứng dụng khoa học công nghệ để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra; cung cấp thông tin cho các cơ quan báo chí tại địa phương và Trung ương để kịp thời truyền tải, nâng cao năng lực, nhận thức của người dân và các cấp chính quyền trong ứng phó thiên tai...

Các địa phương sẵn sàng lực lượng xung kích cấp xã, vật tư, trang thiết bị, hậu cần tại các cơ sở và hộ dân đảm bảo sẵn sàng ứng phó thiên tai trên địa bàn theo phương châm 4 tại chỗ. Đặc biệt, rà soát và phát hiện nơi mất an toàn, các vị trí có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất, khơi thông các vị trí tắc nghẽn dòng chảy; bố trí nguồn lực để thực hiện; trường hợp vượt quá khả năng báo cáo về Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai tỉnh để xử lý kịp thời.

Thắng Trung (TTXVN)
Làm tốt công tác phòng chống thiên tai nhằm hạn chế thiệt hại cho nhân dân
Làm tốt công tác phòng chống thiên tai nhằm hạn chế thiệt hại cho nhân dân

Ngày 9/1, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai Trịnh Đình Dũng đã gửi thư chúc mừng tập thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động đang công tác trong lĩnh vực phòng chống thiên tai nhân dịp Xuân Canh Tý 2020.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN