Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) mở rộng ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN
Sự kiện này không chỉ mang ý nghĩa hành chính đơn thuần mà còn là biểu tượng sống động cho quá trình hội nhập, phát triển bền vững và khát vọng vươn mình của một Việt Nam hiện đại, thịnh vượng trong tương lai. Từ một vùng đất nông nghiệp khiêm tốn, Bình Dương đã vươn mình trở thành một hình mẫu công nghiệp hóa thành công. Giờ đây, khi thực hiện hợp nhất sẽ cùng TP Hồ Chí Minh tạo nên một cực tăng trưởng mới, mạnh mẽ hơn bao giờ hết.
"Miệt vườn" công nghiệp hóa
Ba mươi năm về trước, nhắc đến Bình Dương, người ta thường hình dung về một vùng đất thuần nông với những miệt vườn trù phú, dân cư thưa thớt và nền kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp truyền thống. Tuy nhiên, với tầm nhìn chiến lược “dám nghĩ, dám làm” và sự đổi mới mạnh mẽ từ sau năm 1997, Bình Dương đã xác định hướng đi đột phá theo mô hình công nghiệp - đô thị - dịch vụ.
Sự ra đời và phát triển thần tốc của các khu công nghiệp quy mô quốc tế như VSIP (Việt Nam - Singapore Industrial Park), Sóng Thần, Mỹ Phước, Bàu Bàng… đã trở thành nam châm thu hút hàng chục tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI). Những khu công nghiệp này không chỉ tạo ra hàng trăm nghìn việc làm ổn định cho người lao động, mà còn biến Bình Dương thành một trong những điểm sáng nhất trên bản đồ công nghiệp Việt Nam. Tính đến giữa năm 2025, Bình Dương tự hào với hơn gần 80.000 doanh nghiệp vốn đầu tư trong nước và hơn 4.300 dự án vốn FDI đang hoạt động, vươn lên vị trí thứ hai cả nước về thu hút FDI, chỉ sau TP Hồ Chí Minh là một minh chứng rõ nét cho sức hấp dẫn và tiềm năng phát triển vượt trội của địa phương.
Giữa làn sóng hiện đại hóa và công nghiệp hóa mạnh mẽ, Bình Dương đã thể hiện một bản lĩnh đáng nể khi kiên định gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa, bản sắc truyền thống. Đây là một điểm khác biệt then chốt, giúp Bình Dương tạo nên dấu ấn riêng, tránh được nguy cơ "hoà tan" trong sự phát triển đồng loạt của các địa phương công nghiệp khác.
Các làng nghề truyền thống nổi tiếng như gốm sứ Lái Thiêu với những sản phẩm gốm sứ tinh xảo, hay làng sơn mài Tương Bình Hiệp với những tác phẩm sơn mài độc đáo, không những được bảo tồn mà còn được nâng tầm, trở thành những sản phẩm du lịch đặc trưng, mang đậm "hồn cốt" dân tộc. Bên cạnh đó, các lễ hội dân gian lớn như Lễ hội chùa Bà Thiên Hậu ở TP Thủ Dầu Một không chỉ là nơi sinh hoạt tín ngưỡng mà còn là điểm nhấn văn hóa thu hút hàng vạn du khách và người dân địa phương tham gia mỗi năm. Những hoạt động này không chỉ thể hiện sự trân trọng quá khứ mà còn góp phần quan trọng vào việc xây dựng một Bình Dương đa diện, vừa hiện đại vừa giàu bản sắc.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng - Hội khoa học lịch sử Bình Dương nhận định: "Bình Dương đã cho thấy một mô hình phát triển bền vững hiếm có. Họ không chỉ tập trung vào tăng trưởng kinh tế mà còn chú trọng bảo tồn giá trị văn hóa. Đây là yếu tố then chốt để một đô thị phát triển hài hòa, tạo nên sức hút lâu dài cho cả người dân và nhà đầu tư. Việc giữ 'hồn cốt' dân tộc giữa lòng một thành phố công nghiệp hiện đại là một thành công đáng ngưỡng mộ".
Vị trí chiến lược cả vùng
Đường Mỹ Phước - Tân Vạn (Bình Dương) kết nối và thông với cảng tập kết container đoạn qua thành phố Dĩ An và Thành phố Hồ Chí Minh. Ảnh: Chí Tưởng/TTXVN
Nằm ngay cửa ngõ Tây Bắc của TP Hồ Chí Minh, Bình Dương sở hữu một vị trí địa lý chiến lược, đóng vai trò bản lề trong chiến lược phát triển vùng đô thị TP Hồ Chí Minh mở rộng. Vị trí này giúp Bình Dương trở thành điểm kết nối quan trọng, thúc đẩy giao thương và lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ giữa TP Hồ Chí Minh và các tỉnh lân cận trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Hệ thống logistics của Bình Dương đang phát triển mạnh mẽ, được hỗ trợ bởi mạng lưới giao thông huyết mạch. Quốc lộ 13, Đại lộ Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến Vành đai 3 đang được hoàn thiện, cùng với cảng cạn ICD (Internal Container Depot) hiện đại, đã và đang tái định hình không gian đô thị của tỉnh. Bình Dương đang dần trở thành một trung tâm sản xuất và đổi mới sáng tạo năng động, không chỉ của vùng mà còn của cả nước.
Đáng chú ý, Thành phố thông minh - Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF) vinh danh giải thưởng cao nhất của năm 2023 là Cộng đồng có chiến lược phát triển thông minh tiêu biểu của năm 2023. Đây là minh chứng cho những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bình Dương trong việc ứng dụng công nghệ, xây dựng hạ tầng thông minh và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh cho biết, trong bối cảnh hội nhập và phát triển, tầm nhìn về hạ tầng giao thông là yếu tố then chốt. Trong đó, Bình Dương cửa ngõ TP Hồ Chí Minh luôn xem việc đầu tư vào hạ tầng giao thông là nhiệm vụ trọng tâm về kết nối vùng. Các tuyến đường huyết mạch như Vành đai 3, Vành đai 4, cao tốc TP Hồ Chí Minh - Thủ Dầu Một - Chơn Thành, cùng với việc nâng cấp Quốc lộ 13 và hệ thống cảng cạn, không chỉ giúp giảm ùn tắc mà còn tạo ra hành lang kinh tế thông suốt, kết nối các khu công nghiệp, khu đô thị và trung tâm dịch vụ. Khi Bình Dương hợp nhất vào TP Hồ Chí Minh, những dự án này sẽ phát huy tối đa hiệu quả, biến khu vực này thành một nút giao thông chiến lược, tối ưu hóa chuỗi cung ứng và logistics cho toàn vùng phía Nam. Sự kết nối đồng bộ này sẽ là nền tảng vững chắc cho sự phát triển của một siêu đô thị hiện đại và năng động".
Phối cảnh đường Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh có chiều dài 48 km đoạn qua tỉnh Bình Dương. Ảnh: TTXVN phát
Một sáp nhập - ngàn khát vọng
Thành công của Bình Dương không thể không nhắc đến vai trò cốt lõi của nguồn nhân lực. Là điểm đến của hơn gần 2 triệu lao động nhập cư, Bình Dương sở hữu một lực lượng lao động trẻ, năng động, có tay nghề và tinh thần cầu tiến. Chính họ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy nền kinh tế và văn hóa địa phương cùng phát triển.
Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng, Hội khoa học lịch sử Bình Dương nhận định, Bình Dương nhận thức rõ tầm quan trọng của yếu tố con người, chính quyền tỉnh luôn đặt người dân vào trung tâm của mọi chính sách. Các chương trình phát triển giáo dục phổ cập, hệ thống y tế công chất lượng cao, chính sách nhà ở xã hội dành cho người lao động, cùng với việc thiết lập môi trường sống xanh, an toàn đã tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mọi cư dân an cư lạc nghiệp. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn xây dựng một cộng đồng gắn kết, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.
"Điều đặc biệt tôi luôn ấn tượng là con người Bình Dương, từ gốc gác miệt vườn chân chất bước vào công nghiệp hóa, rồi tiến lên đô thị hiện đại vẫn giữ được cốt cách nghĩa tình, thật thà và chịu thương chịu khó" - Tiến sĩ Huỳnh Ngọc Đáng đã nói trong buổi họp mặt báo chí vừa qua.
Sống và làm việc ở Bình Dương gần 20 năm, chị Nguyễn Thị Lan - một công nhân may tại Khu công nghiệp Sóng Thần chia sẻ: "Những năm qua Bình Dương thay đổi đến chóng mặt, đường sá khang trang, con cái được học hành đầy đủ. Giờ hợp nhất với TP Hồ Chí Minh, tôi tin cuộc sống sẽ còn tốt đẹp hơn nữa. Con cái tôi sau này có thêm nhiều cơ hội việc làm, phát triển hơn".
Ông Trần Quang Hùng, chủ một cửa hàng vật liệu xây dựng tại TP Thủ Dầu Một cũng bày tỏ sự lạc quan: "Việc hợp nhất chắc chắn sẽ mở ra nhiều dự án lớn hơn, thu hút thêm dân cư và doanh nghiệp. Điều đó sẽ tạo ra nhiều cơ hội kinh doanh mới cho người dân. Hy vọng các thủ tục hành chính sẽ được đơn giản hóa, giúp doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn".
Còn với chị Lê Thị Mai, một giáo viên trẻ mới chuyển về Thuận An, sự kiện này mang ý nghĩa lớn về mặt xã hội. Khi hai địa phương gần gũi hơn về mặt hành chính, việc giao lưu văn hóa, học thuật cũng sẽ được đẩy mạnh. "Điều này rất tốt cho sự phát triển của giáo dục và nâng cao dân trí chung. Tôi tin vào tương lai của một siêu đô thị văn minh, hiện đại" - chị Mai bày tỏ.
Hợp nhất giữa Bình Dương với TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu không đơn thuần là việc "nối liền địa giới hành chính" mà còn là một sự cộng hưởng mạnh mẽ giữa hạ tầng đồng bộ, nguồn nhân lực dồi dào và các chính sách phát triển chiến lược, nhằm kiến tạo một "siêu đô thị đáng sống" mang tầm vóc quốc tế.
Bình Dương từ một vùng đất khiêm tốn đã khẳng định vị trí là "trái tim công nghệ" - nơi kết nối nguồn lực sản xuất, trí tuệ nhân tạo và đổi mới sáng tạo cho cả khu vực phía Nam. Sau hợp nhất, vai trò này sẽ càng được củng cố và mở rộng. Bình Dương sẽ tiếp tục là hạt nhân thu hút đầu tư, trung tâm R&D (nghiên cứu và phát triển) và đổi mới sáng tạo, cung cấp động lực cho sự phát triển của TP Hồ Chí Minh mới và toàn bộ khu vực phía Nam.
Từ một vùng miệt vườn hiền hòa, Bình Dương đã dũng cảm bước vào cuộc cách mạng công nghiệp, giữ vững bản sắc trong đổi mới và nay đang hòa nhịp cùng một TP Hồ Chí Minh năng động để trở thành trái tim của một siêu đô thị thông minh, bao trùm tầm nhìn khu vực.
Hợp nhất là bước ngoặt hùng hồn cho hành trình "hóa rồng" từ khát vọng, tầm nhìn và sự đồng lòng của chính quyền và nhân dân. Bình Dương không chỉ là vùng “ đất lửa” với khí thế hào hùng giàu truyền thống cách mạng mà còn là một điểm tựa đầy hứa hẹn cho tương lai phát triển vượt bậc sau khi “hợp lực” cùng TP Hồ Chí Minh và Bà Rịa - Vũng Tàu sẽ tạo ra cực tăng trưởng mới của Việt Nam tiến lên giàu mạnh, văn minh trong kỷ nguyên mới.