Theo đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản của tỉnh Tuyên Quang tăng 5,21%; trong đó ngành nông nghiệp tăng 5,16%, ngành lâm nghiệp tăng 5,17%, ngành thủy sản tăng 6,54%. Đối với khu vực công nghiệp, xây dựng tiếp tục có nhiều tín hiệu khởi sắc với mức tăng 13,54%.
Đáng chú ý, một số sản phẩm chủ yếu tăng khá so với cùng kỳ như thép cây, thép cuộn tăng 10,9%; xi măng tăng 11,4%; điện sản xuất tăng 38,7%, đặc biệt đường kính tăng tới 54,4%. Khu vực dịch vụ, tổng giá trị tăng 8,4%, một số ngành có tỷ trọng tăng cao như vận tải kho bãi tăng 16,07%; lưu trú và ăn uống tăng 19,18%…
Có được kết quả này là do ngay từ đầu năm, cấp ủy, chính quyền tỉnh Tuyên Quang đã tập trung chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp của Chính phủ về chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2024. Đồng thời, triển khai quyết liệt các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, duy trì và củng cố ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định hệ thống tài chính. Bên cạnh đó, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tập trung tháo gỡ các khó khăn, điểm nghẽn, khơi thông mọi nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư thông thoáng...
Theo Phó Cục trưởng Cục Thống kê Lê Thị Thu Nga, đối với khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tỉnh Tuyên Quang đã triển khai các giải pháp chuyển đổi tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và bền vững, đáp ứng nhu cầu của thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu... Qua đó, nâng cao thu nhập và đời sống cho dân cư nông thôn, xây dựng nông nghiệp, nông thôn phát triển.
Cùng đó, ngành xây dựng với mục tiêu "Lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư", phát huy vai trò "vốn mồi" của đầu tư công để kích thích sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Tỉnh Tuyên Quang cũng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các dự án trọng điểm như: dự án Đường cao tốc Tuyên Quang – Hà Giang (giai đoạn 1); đường từ Thành phố Tuyên Quang đi Khu du lịch suối khoáng Mỹ Lâm; xây dựng cầu và đường tránh thị trấn Sơn Dương; các dự án thuộc 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội... nhằm kết nối liên vùng, tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
Đặc biệt, từ đầu năm đến nay, tỉnh cũng đã tổ chức nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch; tổ chức thành công các hoạt động Năm du lịch và Lễ hội Khinh khí cầu quốc tế năm 2024; trưng bày, giới thiệu sản phẩm du lịch, làng nghề Tuyên Quang 2024; hội nghị kết nối đầu tư, thương mại, du lịch và làng nghề vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Tuyên Quang…
Năm 2024, tỉnh Tuyên Quang phấn đấu GRDP tăng 9% so với cùng kỳ năm 2023; trong đó nông, lâm nghiệp, thủy sản tăng 4,78%; công nghiệp và xây dựng tăng 15,52%; dịch vụ tăng 8%; thuế và các khoản trợ cấp sản phẩm tăng 5,21%...
Để thực hiện mục tiêu này, tỉnh Tuyên Quang sẽ tập trung tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh; tăng cường giải ngân vốn đầu tư công; đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh. Cùng đó, chú trọng chuyển đổi số; kịp thời hỗ trợ người dân và doanh nghiệp phục hồi sản xuất kinh doanh; thực hiện đồng bộ các giải pháp phát triển công nghiệp, xây dựng với trọng tâm vào các ngành có tiềm năng, lợi thế như công nghiệp chế biến gỗ, sản xuất vật liệu xây dựng, công nghiệp dệt may, da giày, điện tử…