Đây là đợt triều cường rằm tháng 9 âm lịch, tuy mực nước có khả năng không cao như con nước cuối tháng 8 âm lịch nhưng vẫn có thể gây ngập cho khu vực trung tâm của Cần Thơ.
Theo bản tin dự báo của Đài Khí tượng Thủy văn thành phố Cần Thơ phát chiều 31/10, mực nước sông Hậu đã lên trở lại, đạt mức 1,91 mét, xấp xỉ báo động 2 và sẽ tiếp tục lên trong 4 ngày tới.
Tại Trạm Cần Thơ trên sông Hậu, trong đợt triều cường này, đỉnh triều cao nhất thể lên từ 2,03-2,08 m (cao hơn báo động III: 0,03-0,08m), xuất hiện trong các ngày từ 2- 4/11 (nhằm ngày 17 - 19 tháng 9 âm lịch).
Chánh Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Cần Thơ Nguyễn Quí Ninh cho biết, đợt triều cường rằm tháng 9 và đợt triều cường đầu tháng 10 âm lịch sẽ có khả năng tiếp tục gây ngập cho thành phố.
Để chủ động ứng phó với diễn biến của triều cường, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai – Tìm kiếm cứu nạn các cấp ở Cần Thơ sẽ tổ chức trực ban 24/24 giờ để kịp thời ứng cứu, giải quyết các tình huống khẩn cấp; chủ động nắm thật chắc tình hình, diễn biến của thời tiết, thủy văn, đặc biệt là về thời điểm xuất hiện và chiều cao của đỉnh triều để chủ động trong công tác ứng phó.
Ông Nguyễn Quí Ninh cũng đề nghị người dân trên địa bàn thành phố cần thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo về triều cường, thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ” trong phòng chống thiên tai để cùng chung tay với chính quyền chủ động phòng ngừa, ứng phó trong những đợt triều cường sắp tới cũng như là những năm tiếp theo.
Trong đợt triều cường của con nước cuối tháng 8 âm lịch cách đây hơn 10 ngày, hàng loạt tuyến đường ở trung tâm thành phố Cần Thơ như: Nguyễn Văn Cừ, Mậu Thân, Lý Tự Trọng, Cách Mạng Tháng Tám, khu vực hồ Xáng Thổi, hồ Búng Xáng... bị ngập rất nặng, có nơi sâu hơn 0,5 m. Nước ngập sâu khiến việc đi lại của người dân gặp nhiều khó khăn. Học sinh, sinh viên phải bì bõm lội nước đến trường…Nhiều phương tiện chết máy, ùn tắc cục bộ. Sau khi triều cường rút, một số tuyến đường đã bị hư hỏng phần mặt đường, xuất hiện nhiều ổ gà, ảnh hưởng đến giao thông.
Nguyên nhân xảy ra ngập lụt tại thành phố Cần Thơ có nhiều yếu tố như: vị trí địa lý, điều kiện địa hình, do tác động của lũ thượng nguồn, triều cường dâng cao trên sông Hậu, do mưa với cường suất lớn, hệ thống thoát nước chưa hoàn chỉnh, quá trình đô thị hóa...
Trong những năm gần đây, tình trạng ngập lụt tại thành phố Cần Thơ diễn biến khá phức tạp đã gây trở ngại lớn cho nhiều hoạt động kinh tế - xã hội, đặc biệt là hoạt động kinh doanh, giao thông, sản xuất nông nghiệp, vệ sinh môi trường và bộ mặt cảnh quan đô thị ở thành phố.
Năm 2020 là năm thứ ba liên tiếp, đỉnh triều tại Cần Thơ vượt trên 2,15 m, kể từ năm 2013.