Từ ngày 17-20/10, triều cường nước biển dâng cao đã làm ngập cục bộ trên diện rộng; đặc biệt, nhiều đoạn đường trên tuyến Quốc lộ 1A, nước tràn qua đường khiến phương tiện giao thông qua lại gặp khó khăn. Có đoạn nước ngập sâu, người dân đi lại phải nhờ các phương tiện “cứu hộ” trợ giúp.
Theo báo cáo của chính quyền địa phương, ảnh hưởng của triều cường dâng cao tuy không gây ra thiệt hại lớn nhưng đã làm xáo trộn cuộc sống sinh hoạt, mua bán, kinh doanh của người dân.
Ông Tô Minh Đương, Chủ tịch UBND huyện Đông Hải cho biết, người dân Đông Hải đã chủ động sống chung với triều cường, đặc biệt là người dân thị trấn Gành Hào. Bởi khu vực này mỗi khi triều cường lên cao là ngập trên diện rộng, người dân đã chủ động tôn tạo nền nhà nên nước chỉ ngập cục bộ ngoài đường, ảnh hưởng đến mua bán, kinh doanh, cuộc sống sinh hoạt của người dân.
Theo Chủ tịch UBND thị xã Gia Rai Đỗ Minh Thắng, nhờ địa phương đã chủ động làm đê ngăn nước, bịt lại các cống, đập, nên gần đây khi triều cường dâng cao đã giảm được rất lớn tình trạng nước tràn dọc theo tuyến Quốc lộ 1A, không làm ảnh hưởng đến vùng sản xuất bên trong.
Tuy nhiên, theo thống kê bước đầu của Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh, tính đến ngày 20/10, mưa kèm theo lốc xoáy đã làm ngập úng, đổ ngã hơn 17.000 ha lúa Thu Đông. Trong số hơn 15.000 ha bị ngập úng có nhiều ha lúa chuẩn bị thu hoạch, lúa vừa mới gieo cấy, nên khả năng thiệt hại rất lớn. Mưa, lốc xoáy cũng làm sập 3 căn nhà và nhiều ha hoa màu chìm trong nước.
Để kịp thời khắc phục tình hình trên, Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố nhanh chống phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai phương án bảo vệ sản xuất, phương án điều tiết nước để hạn chế ngập úng đối với diện tích sản xuất nông nghiệp, đặc biệt các địa phương có diện tích lúa ngập úng lớn như các huyện, thị xã Vĩnh Lợi, Hòa Bình, Phước Long, Giá Rai…
Ngoài ra, các địa phương cần huy động lực lượng Bộ đội, Biên phòng, Dân quân tại chỗ xuống địa bàn giúp dân triển khai biện pháp chống ngập úng, thu hoạch lúa... Bên cạnh đó, các địa phương khẩn trương thống kê diện tích lúa, hoa màu, nhà cửa bị thiệt hại, để kịp thời hỗ trợ, giúp dân ổn định cuộc sống, tái sản xuất.
Tuy nhiên hiện nay, theo dự báo sẽ còn tiếp tục mưa, trong khi đó Bạc Liêu đang vào con nước triều cường dâng cao nên khả năng ngập úng, tràn bờ bao diện tích trồng lúa, nuôi trồng thủy sản là rất cao, người dân cần chủ động ửng phó kịp thời.
Theo cơ quan chức năng, liên tiếp từ ngày 10-17/10, trên địa bàn xảy ra mưa lớn, kèm theo lốc xoáy, lượng mưa đo được từ 183,7 mm- 257,7 mm, dẫn đến mực nước trên các kênh rạch vùng chuyên sản xuất lúa của tỉnh dâng cao từ + 0,75 m đến + 0,85 m.