Triển khai hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách xã hội

Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang Dương Văn Hoàn cho biết: Tín dụng chính sách xã hội là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn tỉnh.

Tỉnh đặc biệt quan tâm tập trung nguồn lực, nhất là nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội để tổ chức triển khai thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của các đối tượng thụ hưởng trên địa bàn. 

Chú thích ảnh
Chị Huỳnh Thị Kiều, ấp Khu phố, xã Long Định, huyện Châu Thành được vay 100 triệu đồng trang bị máy dệt chiếu nên năng suất tăng lên, chất lượng sản phẩm tốt, thu nhập ổn định. Ảnh: Minh Trí/
TTXVN

Ông Trần Văn Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Tiền Giang yêu cầu năm 2023, Ban Đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội cấp tỉnh, huyện cần được tập trung củng cố, trong đó chú trọng xây dựng đội ngũ cán bộ chuyên môn sâu về nghiệp vụ, thường xuyên được đào tạo, bồi dưỡng.

Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang tỉnh và các đơn vị trực thuộc trên địa bàn tỉnh phát huy tính chủ động, trách nhiệm của người đứng đầu, đặc biệt với tinh thần công tâm, khách quan, minh bạch để cán bộ, viên chức noi theo và có sự đoàn kết nội bộ trong nhiệm vụ; củng cố tổ tín dụng, tổ tiết kiệm đảm bảo đủ điều kiện để quản trị vốn và hộ vay vốn, đối tượng vay vốn; tăng cường kiểm tra, giám sát đối với các hoạt động tín dụng chính sách, hoạt động ủy thác của các tổ chức chính trị xã hội; ứng dụng công nghệ thông tin để đơn giản hóa các thủ tục, nhằm kiểm soát các hoạt động tiêu cực...

Năm 2022, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang đã triển khai có hiệu quả hoạt động tín dụng chính sách, nhằm góp phần giảm nghèo, tạo việc làm, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội của các cấp trên địa bàn.

Từ nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi, năm 2022, hơn 7.580 hộ gia đình đã thoát nghèo và cận nghèo; 8.554 lao động có việc làm; trên 4.050 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được trợ giúp chi phí học tập; hơn 1.370 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn vay vốn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến. 24 cơ sở giáo dục mầm non, tiểu học ngoài công lập được hỗ trợ vay vốn do bị ảnh hưởng của đại dịch COVID-19; hơn 15.370 công trình nước sạch, nhà vệ sinh hợp chuẩn được hỗ trợ xây dựng…

Các chương trình tín dụng chính sách đã giúp giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Tiền Giang còn 1,27% (giảm 0,33% so với đầu năm), góp phần hoàn thành một số chỉ tiêu xây dựng nông thôn mới.

Một số điển hình về thoát nghèo từ nguồn vốn hỗ trợ từ chính sách tín dụng có thể kể đến, như: Hộ ông Phan Bá Duy ở ấp Mỹ Phú, xã Thiện Trí, huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang đã thoát diện hộ nghèo nhờ vào số vốn vay 30 triệu đồng để chăm sóc vườn sầu riêng và 20 triệu đồng cho sinh viên vay để nuôi con học đại học.

Hộ bà Phan Thị Mai ở ấp Mỹ Phú, xã Phước Thanh, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang, trước đây là hộ nghèo, kinh tế gia đình khó khăn. Từ nguồn vốn vay 100 triệu đồng để trồng khóm và thuê đất trồng sen, gia đình bà hiện đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo.

Hộ ông Châu Văn Sáu ở xã Phú Cường, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang vay chương trình hộ mới thoát nghèo với số tiền 100 triệu đồng để nuôi bò và dê sinh sản. Hiện gia đình ông đã có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững…

Bên cạnh đó, từ nguồn vốn hỗ trợ của chính sách tín dụng, nhiều mô hình, dự án làm ăn hiệu quả được phát triển trên địa bàn tỉnh như: mô hình đan lát ở xã Thân Cửu Nghĩa; dệt chiếu ở xã Long Định; cải tạo vườn cây ăn trái ở các xã Vĩnh Kim, Bàn Long, Kim Sơn (huyện Châu Thành); mô hình nuôi gà, chim cút, cá ở các xã Lương Hòa Lạc, Phú Kiết (huyện Chợ Gạo)…

Năm 2022, tổng nguồn vốn của Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tiền Giang thực hiện đạt 3.586 tỷ đồng, tăng so với đầu năm 468 tỷ đồng, tăng 15%. Trong đó, nguồn vốn cân đối từ Trung ương đạt 3.293 tỷ đồng (nguồn vốn do Trung ương chuyển về là 2.612 tỷ đồng, nguồn vốn huy động tại địa phương là 681 tỷ đồng); nguồn vốn nhận ủy thác tại địa phương là 294 tỷ đồng, tăng 43 tỷ đồng so với năm 2021.

Hữu Chí (TTXVN)
Phát huy hiệu quả phương thức quản lý tín dụng riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội
Phát huy hiệu quả phương thức quản lý tín dụng riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội

Tiếp tục nâng cao năng lực quản trị, phát huy hiệu lực, hiệu quả mô hình tổ chức, phương thức quản lý tín dụng đặc thù, đặc biệt, riêng có của Ngân hàng Chính sách xã hội để thực hiện tốt tín dụng chính sách xã hội, phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN