Gia đình ông Trần Của bảo quản hành tím giống sau mỗi mùa vụ.
Với phương châm “trao cần câu, không trao con cá”, thời gian qua, chính quyền, cơ quan chức năng đặc khu Lý Sơn đã tăng cường giúp người dân trên đảo tiếp cận các nguồn vốn vay, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, hỗ trợ giống cây trồng, để hộ nghèo, hộ khó khăn có cơ hội cải thiện cuộc sống, vươn lên thoát nghèo.
Trong hai năm 2023-2024, Lý Sơn đã thực hiện mô hình hỗ trợ giống hành tím cho hộ nghèo, cận nghèo, người dân bãi ngang gặp nhiều khó khăn. Mô hình được thực hiện trên diện tích gần 13ha với số lượng giống hành tím được cấp là 38.400 kg, cho 256 hộ gia đình. Trong đó, có 209 hộ thuộc hải đảo, khó khăn, 22 hộ nghèo, 6 hộ cận nghèo, 8 hộ thoát nghèo, 8 hộ thu nhập thấp, 3 hộ gia đình chính sách.
Mô hình giống hành tím là cây trồng phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Lý Sơn được người dân đồng thuận cao.
Ông Trần Của, khu dân cư 3, thôn Đông An Vĩnh, là hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Năm 2023, gia đình ông được hỗ trợ 100kg hành giống (trị giá 8 triệu đồng) để sản xuất. Sau 3 tháng chăm sóc, ông đã đã thu về hơn 5 tạ hành củ, với giá bán 35.000 đến 40.000 đồng/kg, trừ chi phí, mỗi vụ hành, gia đình ông thu về 17 triệu đồng. Ông Của cho biết, sống ở đảo ngoài nỗi lo về thời tiết, người nông dân còn nỗi lo không có hành giống mỗi mùa vụ.
“Mỗi năm gia đình tôi trồng 3 đợt hành tím, mỗi đợt đều để lại giống sau thu hoạch và dần mở rộng diện tích sản xuất nâng cao thu nhập, cuộc sống của gia đình tôi giờ đây được cải thiện hơn nhiều. “Cần câu” mà Nhà nước hỗ trợ ban đầu vợ chồng tôi luôn trân quý và luôn nổ lực để sản xuất vươn lên”, ông Của chia sẻ.
Nguồn vốn tín dụng ưu đãi giúp người dân Lý Sơn đa dạng hóa, phát triển sản xuất gắn với bảo vệ chủ quyền trên biển.
Ngoài hỗ trợ mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp, người dân là hộ nghèo, gia đình chính sách ở Lý Sơn còn được tiếp cận nguồn vốn tín dụng ưu đãi. Từ đầu năm 2025, từ nguồn vốn ủy thác, Ngân hàng Chính sách Xã hội Lý Sơn đang quản lý và triển khai cho vay 10 chương trình tín dụng chính sách xã hội, với tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn đạt 163 tỉ đồng, tăng 7 tỉ đồng so với năm 2024. Số hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác đang vay vốn trên 2.200 hộ, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lượt lao động.
Bà Mai Thị Thanh Nga, ở thôn Đông An Vĩnh, cho biết, năm 2023, gia đình bà được vay 50 triệu đồng từ vốn giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, để góp vốn đóng tàu thu mua hải sản trên biển gần bờ. Bà Nga cho biết: “Phần lớn các hộ gia đình ở đảo làm nghề ngư nghiệp, hiện nay nguồn thủy sản dần cạn kiệt, nhiều tàu khai thác trên biển sẽ không cập bến bán cá do lo ngại phí hao tổn. Tàu cá của chúng tôi sẽ thu mua cá cho các tàu trên biển đưa vào đất liền nhập cho thương lái. Nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội với lãi suất ưu đãi đã tạo việc làm ổn định cho các lao động trong gia đình, tăng thu nhập, góp phần giúp ngư dân bám biển, bám ngư trường”.
Theo đại diện Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội Lý Sơn, nguồn vốn tín dụng ưu đãi đã phát huy hiệu quả tích cực, với lãi suất thấp đã giúp cho 1.200 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác của đặc khu Lý Sơn được tiếp cận nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh, xuất khẩu lao động, xây dựng nhà ở cho đối tượng thu nhập thấp. Nguồn vốn tín dụng đã góp phần cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, giải quyết việc làm, xây dựng nông thôn mới trên đảo.
Với nhiều chương trình, chính sách giảm nghèo đang được thực hiện, đã góp phần giúp đời sống người dân Lý Sơn ngày càng được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo từng bước được kéo giảm. Năm 2023, Lý Sơn còn 404 hộ nghèo (chiếm 6,55%), 263 hộ cận nghèo, đến năm 2024, còn 311 hộ nghèo (chiếm 5,02%), 208 hộ cận nghèo (chiếm 3,3602%).