Phát biểu khai mạc, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh Vương Quốc Tuấn cho biết, đến nay, tỉnh Bắc Ninh có 1.767 dự án FDI (còn hiệu lực) được cấp phép với tổng vốn đầu tư gần 23 tỷ USD, đến từ 39 quốc gia, vùng lãnh thổ; xếp thứ 7/63 tỉnh, thành phố về số vốn đăng ký .
Tỷ trọng sản phẩm công nghiệp công nghệ cao ước đạt 86%; công nghiệp điện tử chiếm hơn 80% giá trị sản xuất toàn ngành công nghiệp. Công nghiệp hỗ trợ của tỉnh từng bước phát triển, hình thành các cụm liên kết. Nhiều doanh nghiệp trên địa bàn trở thành nhà cung ứng cho các doanh nghiệp FDI, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu...
Nhấn mạnh phát triển nguồn nhân lực là một yếu tố quan trọng, là khâu đột phá chiến lược, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bắc Ninh khẳng định, tọa đàm được tổ chức nhằm tạo tiền đề cho Bắc Ninh nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc nói chung, nâng cao hơn nữa nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phát triển ngành công nghiệp điện tử.
Tại buổi tọa đàm, các đại biểu, các nhà khoa học trình bày, thảo luận về kết quả nghiên cứu kỹ năng nghề nghiệp của lao động trong ngành điện tử ở Việt Nam và thế giới; nhận định về thực trạng kỹ năng nghề, công tác đào tạo kỹ năng nghề tại doanh nghiệp và hợp tác đào tạo giữa doanh nghiệp và cơ sở đào tạo; thảo luận các vấn đề liên quan đến các mô hình hợp tác. Từ đó, đề xuất giải pháp để phát triển kỹ năng của người lao động, đáp ứng nhu cầu phát triển của ngành điện tử Việt Nam trong tương lai; chia sẻ thực trạng trình độ kỹ thuật của người lao động, nhất là đội ngũ kỹ sư và quản lý tại doanh nghiệp và các mô hình hợp tác với các trường học trong công việc đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ...
Trình bày về thực trạng tay nghề của lao động ngành điện tử Việt Nam, bà Đỗ Thị Thúy Hương, đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp điện tử Việt Nam chia sẻ, tỷ lệ lao động có tay nghề của Việt Nam chiếm 11% tổng số lao động. Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp phổ thông, 57% doanh nghiệp đang gặp khó khăn trong tuyển dụng. 73% doanh nghiệp gặp khó khăn khi tuyển dụng lao động có kỹ năng phù hợp. Các doanh nghiệp có xu hướng đưa công nghệ vào sản xuất, tuy nhiên, khả năng thích ứng của lao động Việt Nam còn thấp… Vì vậy, ảnh hưởng của việc thiếu lao động tay nghề đến sự phục hồi và phát triển của doanh nghiệp sau đại dịch COVID-19 là rất lớn.
Bà Đỗ Thị Thúy Hương cũng đưa ra các giải pháp và đề xuất kiến nghị nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong vấn đề lao động và việc làm như đổi mới đào tạo theo mô hình trường học thông minh; đẩy mạnh truyền thông tuyển sinh, nâng cao chất lượng, số lượng đầu vào; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong giáo dục nghề nghiệp…
Đại diện Công ty TNHH Samsung Electronics Việt Nam cho rằng, để người lao động gắn bó với doanh nghiệp, Công ty không chỉ chăm lo đời sống cho người lao động mà còn quan tâm đến người thân của người lao động. Qua đó, tạo sự gắn kết, tạo mối quan hệ tốt đẹp giữa doanh nghiệp và người lao động.
Đặc biệt, việc phát triển nghề, đào tạo kỹ năng cho lao động luôn được doanh nghiệp quan tâm. Bởi vậy, Samsung luôn coi trọng đào tạo kỹ năng cho người lao động. Ở mỗi vị trí việc làm, bộ phận khác nhau, doanh nghiệp đều đưa ra các chương trình đào tạo phù hợp để phát huy khả năng của mỗi lao động...