Móng Cái có khoảng 150 người từ 90 tuổi trở lên. Chính quyền thành phố đã thành lập các tổ công tác đến từng hộ dân, vận động, tuyên truyền tới người dân, nhất là các cụ cao tuổi chưa tiêm vaccine phòng COVID-19 đi tiêm chủng. UBND phường Ka Long đã hỗ trợ phương tiện đưa hai cụ cao tuổi của phường là cụ Phạm Thị Huệ (sinh năm 1923, tại khu 3) và cụ Nguyễn Thị Gái (sinh năm 1932, tại khu 6) đi tiêm vaccine phòng dịch.
Chính quyền các địa phương khác trong thành phố phối hợp với ngành Y tế đã rà soát số người cao tuổi, người khuyết tật, có bệnh nền để chủ động bố trí phương tiện đưa đón họ từ nhà đến cơ sở tiêm chủng và ngược lại.
Ông Nguyễn Ngọc Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hải Đông, thành phố Móng Cái chia sẻ, dù các hộ dân sống cách xa nhau nhưng chính quyền xã đã tổ chức phương tiện đến đưa đón tận nơi người cao tuổi, người khuyết tật, người có bệnh nền đến địa điểm tiêm chủng. Hiện tại, các cụ sau khi tiêm về đều mạnh khỏe.
Đáng chú ý, trong nỗ lực của cả hệ thống chính trị và toàn dân tham gia tiêm chủng, một số ít người còn chưa nhận thức đầy đủ về sự cần thiết của tiêm vaccine phòng COVID-19 nên trì hoãn việc tiêm. Thành phố Móng Cái đã có những biện pháp cảnh báo nhằm giúp các trường hợp này nhận thức được rõ vấn đề, có trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch.
Thực tế đã có trường hợp người có lịch trình di chuyển nhiều nơi, mắc bệnh và trở thành nguồn lây cho chính người cao tuổi, người có bệnh nền, trẻ em trong gia đình khi chưa được tiêm chủng. Nguy cơ này sẽ gia tăng khi nhu cầu đi lại thăm thân trong dịp Tết nguyên đán rất lớn.
Bác sĩ Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Móng Cái cho biết, ngành Y tế đang tập trung rà soát những người già, người bị bệnh nền để tổ chức đưa đón họ về Trung tâm Y tế thành phố tiêm phòng dịch COVID-19 để đảm bảo an toàn. Những người chưa được tiêm phòng sẽ có nguy cơ mắc bệnh nặng nên ngành Y tế khuyến cáo mọi người dân chưa tiêm vaccine nhanh chóng đến cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, tiêm chủng vaccine đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.
Xác định vaccine là “lá chắn” hữu hiệu, mang lại thành công trong phòng, chống dịch lâu dài, tỉnh Quảng Ninh sớm triển khai chiến dịch "thần tốc" tiêm chủng toàn dân, trở thành địa phương đạt độ bao phủ tiêm vaccine cho người dân ở mức cao trong toàn quốc (gần 100% đối với người từ 12 tuổi trở lên).
Quảng Ninh đang nỗ lực, quyết liệt triển khai các giải pháp ứng phó với các tình huống có 1.000 ca, 2.000 ca và 10.000 ca nhiễm/ngày; sẵn sàng ứng phó với những diễn biến mới của đại dịch khi xuất hiện biến thể Omicron trên địa bàn và trong tình huống đạt đỉnh dịch vào ngày 25/1/2022 khi Tết Nguyên đán Nhâm Dần đã cận kề.