Trước đây, gia đình ông Dương Thanh Tám canh tác 9.000 m2 đất trồng lúa năng suất cao, mỗi năm 2 đến 3 vụ. Nhận thấy trồng lúa độc canh thu nhập thấp, kinh tế gia đình khó khăn, đồng thời được sự khuyến khích của Nhà nước về việc chuyển đổi sản xuất những địa bàn khó khăn theo hướng bền vững, năm 2013, ông quyết định cải tạo lại toàn bộ diện tích đất, chuyển sang chuyên canh thanh long ruột đỏ.
Cây thanh long thích hợp với thổ nhưỡng xã Tân Thuận Bình lại dễ trồng, năng suất cao và đầu ra thuận lợi. Sau khoảng ba năm, thanh long đã cho thu hoạch ổn định với năng suất đạt từ 20 tấn/ha trở lên. Hàng năm, thu nhập của gia đình ông Tám từ thu hoạch vườn thanh long cao gấp 3–4 lần so với trồng lúa năng suất cao.
Nhận thấy xu hướng của thị trường thời kỳ đổi mới và hội nhập là những mặt hàng nông, thủy sản, muốn xuất khẩu ổn định thì phải đạt tiêu chí GAP (VietGAP hoặc GlobalGAP), phải liên kết sản xuất theo mô hình kinh tế hợp tác, được sự hỗ trợ, chuyển giao kỹ thuật canh tác của cán bộ nông nghiệp cùng các ngành chức năng địa phương, ông Tám áp dụng quy trình sản xuất VietGAP trên cây thanh long và tham gia Hợp tác sản xuất nông nghiệp Đông Thắng (xã Tân Thuận Bình, Chợ Gạo) chuyên canh thanh long theo tiêu chí VietGAP.
Theo ông Dương Thanh Tám, để áp dụng quy trình canh tác thanh long VietGAP cho ra nông sản sạch, an toàn cho sức khỏe và môi trường, nông dân cần tuân thủ những quy định như: Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc sinh học, không sử dụng thuốc ngoài danh mục cho phép hoặc thuốc bị cấm, đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch, phải ghi sổ sách nhật ký sản xuất rõ ràng, trung thực... Vườn thanh long của ông cũng như của xã viên Hợp tác xã nông nghiệp Đông Thắng từ năm 2017 đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chí VietGAP. Đây là tấm giấy thông hành đáng giá để sản phẩm thanh long nơi đây thâm nhập vào thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Đáng chú ý, sản xuất theo quy trình VietGAP và tham gia hợp tác xã, gia đình ông Dương Thanh Tám cũng như bà con xã viên có nhiều lợi ích. Đó là nông sản hàng hóa ổn định đầu ra, không phải lo điệp khúc “được mùa, mất giá”, chi phí sản xuất giảm, lợi nhuận tăng, thu nhập cao và chất lượng cuộc sống nâng lên, sức khỏe và môi trường nông thôn được đảm bảo.
Gần đây, nhận thấy vai trò ngày càng lớn của khoa học công nghệ trong thâm canh cây trồng, năm qua, ông Dương Thanh Tám tiếp tục đầu tư trên 200 triệu đồng cải tạo 3.000 m2 thanh long ruột đỏ chuyển từ trồng bằng trụ xi măng truyền thống sang trồng theo kỹ thuật leo giàn. Đây là mô hình mới, công nghệ tiên tiến trong thâm canh thanh long, giúp nông dân giảm công lao động, giảm bớt chi phí chăm sóc, tiết kiệm điện năng và nâng cao hiệu quả kinh tế từ vườn chuyên canh. Tương lai, ông sẽ chuyển toàn bộ diện tích thanh long VietGAP sang trồng theo kỹ thuật leo giàn.
Nói về hiệu quả kinh tế của mô hình, ông Dương Thanh Tám cho biết, với 9.000 m2 đất canh tác, trung bình mỗi năm, sau khi trừ chi phí sản xuất, gia đình ông thu lãi gần 600 triệu đồng. Nhờ vườn cây thanh long, gia đình ông không còn đối mặt khó khăn, thu nhập ngày càng cao. Lãnh đạo Hội Nông dân huyện Chợ Gạo đánh giá cao mô hình và cách làm của ông Dương Thanh Tám.
Với vai trò là hội viên nông dân, xã viên hợp tác xã, ông Dương Thanh Tám còn tích cực tuyên truyền, cổ động rộng rãi việc trồng thanh long sạch theo tiêu chí VietGAP nhằm nâng chất lượng vùng chuyên canh, tạo nguồn nông sản hàng hóa dồi dào, chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, góp phần đổi mới nông nghiệp – nông thôn – nông dân, cũng như thành công của Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Năm 2020, ông Dương Thanh Tám được Chủ tịch UBND tỉnh Tiền Giang tuyên dương là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tiêu biểu của tỉnh.