Tiền Giang khẩn trương xử lý các điểm sạt lở, bảo vệ sản xuất

Hiện nay, tình hình sạt lở bờ sông, rạch và trên các tuyến đê bao tại huyện Cai Lậy, địa phương nằm trong vùng kiểm soát lũ phía Tây tỉnh Tiền Giang vẫn đang diễn biến phức tạp gây những thiệt hại không nhỏ.

Trên các tuyến sông ngòi chính như: sông Ba Rài, sông Phú An, sông Trà Tân, các kênh mương nội đồng đều ghi nhận tình trạng sạt lở bờ sông, bờ kênh rạch và các tuyến đê bao mà nặng nhất là tuyến sông Ba Rày.

Chỉ riêng đoạn sông Ba Rày chảy qua địa phận xã Cầm Sơn, huyện Cai Lậy đã ghi nhận 15 đoạn sạt lở, tổng chiều dài trên 500 m; trong đó, có 2 đoạn sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở thứ nhất cắt đứt đường huyện 54C tại khu vực nhà của ông Truyện Văn Mì, Ấp 1, xã Cẩm Sơn.

Đoạn sạt lở thứ hai làm gián đoạn giao thông đường huyện 54B, khu vực nhà đất của ông Trần Văn Mỹ Thuận, Ấp 4, xã Cẩm Sơn. Hai đoạn sạt lở nghiêm trọng này đang được ngành chức năng khẩn trương khắc phục, đảm bảo an toàn giao thông và tính mạng, tài sản nhân dân.

Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, trước tình hình trên, địa phương huy động các nguồn lực, khẩn trương xử lý các điểm sạt lở nhằm bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân. Đặc biệt, ưu tiên tập trung nguồn vốn đầu tư cho các điểm sạt lở nghiêm trọng cần phải xử lý khẩn cấp.

Theo đó, địa phương triển khai 52 công trình xử lý sạt lở trong năm 2021 chuyển sang với các công trình có tổng chiều dài gần 2.400 m, kinh phí thực hiện trên 42,3 tỷ đồng. Trước mắt, huyện đã hoàn thành đưa vào sử dụng 10 công trình, đang thi công 7 công trình và lập hồ sơ khảo sát thiết kế, tiếp tục chuẩn bị triển khai thi công thêm 35 công trình xử lý sạt lở còn lại trên địa bàn.

Đầu năm 2022 đến nay, trên địa bàn huyện có thêm 2 vụ sạt lở mới cần phải xử lý khẩn cấp với tổng chiều dài gần 90 m và kinh phí xử lý khoảng 1,47 tỷ đồng. Do sạt lở phức tạp và kinh phí lớn nên cần có sự hỗ trợ kịp thời của tỉnh; chưa kể các điểm sạt lở quy mô nhỏ do địa phương đầu tư khắc phục.

Ngoài ra, qua khảo sát trên hai tuyến đê bao Đông – Tây sông Ba Rài và đê bao Ba Rài – Phú An, ngành chức năng cũng ghi nhận thêm 38 điểm có nguy cơ sạt lở mới với tổng chiều dài trên 900 m. Ước tính tổng kinh phí cần phải đầu tư xử lý, khắc phục lên đến trên 10,3 tỷ đồng.

Trước tình hình trên, UBND huyện Cai Lậy tiếp tục kiến nghị tỉnh hỗ trợ địa phương triển khai xử lý rốt ráo ngay từ đầu, khi điểm sạt lở còn nhỏ và việc xử lý không quá phức tạp, đòi hỏi kinh phí xử lý không lớn trong nỗ lực chủ động bảo vệ sản xuất và đời sống nhân dân.

Mặt khác, huyện cũng tuyên truyền, vận động nhân dân địa phương chù động có biện pháp phòng, chống sạt lở đê bao khu vực đất gia đình mình, tích cực hưởng ứng trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió, ngăn chận hiệu quả sạt lở.

Đồng thời, UBND huyện Cai Lậy phân cấp quản lý, nâng cao trách nhiệm của chính quyền cơ sở trong việc thường xuyên tuyên truyền phòng, chống sạt lở, khảo sát và nắm chắc thực trạng sạt lở trên địa bàn để có biện pháp xử lý, khắc phục một cách hữu hiệu.

Minh Trí (TTXVN)
Sạt lở bờ sông Ô Môn làm 4 căn nhà chìm xuống sông
Sạt lở bờ sông Ô Môn làm 4 căn nhà chìm xuống sông

Ngày 28/3, tại khu vực 5, phường Châu Văn Liêm, quận Ô Môn (thành phố Cần Thơ), bờ sông Ô Môn bị sạt lở, làm ảnh hưởng 5 căn nhà, trong đó 4 căn bị nhấn chìm xuống sông.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN