Sạt lở đê bao Đông – Tây Ba Rày ảnh hưởng đến đời sống và sản xuất

Hiện nay, tình hình sạt lở trên tuyến đê bao Đông – Tây sông Ba Rày, sông Phú An qua địa bàn huyện Cai Lậy nằm trong vùng kiểm soát lũ (Tiền Giang) diễn biến rất phức tạp, ảnh hưởng nặng nề đến sản xuất và đời sống nhân dân địa phương.

Chú thích ảnh
Hiện trạng đoạn sạt lở bờ Đông sông Ba Rày làm gián đoạn giao thông huyện lộ 54C.

Theo lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cai Lậy, trên hai tuyến sông Ba Rày, Phú An hiện thống kê được 38 điểm sạt lở, tổng chiều dài 903 m. Để khắc phục, ước tính cần phải có nguồn vốn đầu tư lên đến trên 10,8 tỷ đồng.

Tính chung, trên toàn địa bàn huyện Cai Lậy hiện đã ghi nhận còn 44 điểm sạt lở với tổng chiều dải 2.184 m, ước tính phải đầu tư trên 35,53 tỷ đồng để xử lý, khắc phục. Sạt lở diễn biến phức tạp trên hầu hết các tuyến kênh rạch trên địa bàn huyện, trong đó nặng nhất là các tuyến sông Ba Rày, Phú An, Bà Tồn, Trà Tân… Hiện nay, địa phương đang kiến nghị tỉnh hỗ trợ kinh phí đầu tư xử lý rốt ráo các điểm sạt lở nhằm bảo vệ an toàn về tính mạng và tài sản nhân dân.

Theo Ủy ban nhân dân xã Cẩm Sơn (huyện Cai Lậy), qua thống kê, trên hai ô bao Đông và Tây Ba Rày có tuyến sông này chảy qua địa bàn xã hiện ghi nhận được 15 đoạn sạt lở, tổng chiều dài trên 500 m. Trong đó, có 2 đoạn sạt lở nghiêm trọng. Đoạn thứ nhất ở phía bờ Tây sông Ba Rày, cắt đứt hoàn toàn đường huyện 54C tại khu vực nhà của ông Truyện Văn Mì, Ấp 1, xã Cẩm Sơn: ghi nhận hiện trường sạt lở, đoạn đường dài hàng trăm mét đã sụp đổ hoàn toàn xuống sông. Đoạn thứ hai ở phía bờ Đông sông Ba Rày dài trên 50m, làm mất gần phân nửa mặt đường, làm gián đoạn giao thông đường huyện 54B, khu vực nhà đất của ông Trần Văn Mỹ Thuận, Ấp 4, xã Cẩm Sơn.

Đến nay, đoạn sạt lở bờ Tây sông Ba Rày đã cơ bản khắc phục xong. Còn đoạn sạt lở bờ Đông sông Ba Rày chưa khắc phục xong, hiện trường còn rất ngổn ngang. Trước mắt, để đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản nhân dân, địa phương đã phải cắm biển báo tạm ngưng lưu thông đối với xe 3, 4 bánh qua đoạn sạt lở.

Giao thông ngừng trệ đã gây nhiều thiệt hại cho các xã trong khu vực chuyên trồng sầu riêng đặc sản của huyện Cai Lậy. Thị xã Cai Lậy bị ảnh hưởng nặng nề chưa kể nguy cơ sạt lở còn tiếp tục diễn ra nếu không có biện pháp xử lý, khắc phục kịp thời.

Theo ông Nguyễn Văn Út, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Cẩm Sơn, sạt lở tại hai ô bao bờ Đông và Tây sông Ba Rày trong thời gian qua diễn biến phức tạp, khó lường, đòi hỏi kinh phí lớn, giải pháp phù hợp để khắc phục. Do vậy, cần có sự hỗ trợ một cách căn cơ của các đơn vị hữu quan, nhất là tỉnh và huyện.

Trước mắt, UBND xã Cẩm Sơn đầu tư gần 70 triệu đồng xử lý những điểm sạt lở nhỏ, làm kè chống sạt lở, nuôi lục bình gây bồi, tạo bãi. Mặt khác, địa phương tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc trồng cây xanh chắn sóng, chắn gió; tích cực nuôi giữ lục bình hạn chế sóng vừa tạo thêm bãi bồi cũng như thực hiện các giải pháp hữu hiệu phòng, chống sạt lở, bảo vệ sản xuất và đời sống.

Hai ô bao Đông và Tây sông Ba Rày đóng vai trò quan trọng trong việc ngăn mặn, ngăn lũ, triều cường; đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, bảo vệ trên 8.000 ha vườn cây ăn quả chuyên canh, chủ yếu là sầu riêng của huyện Cai Lậy và thị xã Cai Lậy. Trong đó, riêng xã Cẩm Sơn có khoảng 1.000 ha vườn chuyên canh được bảo vệ bởi hai ô bao Đông và Tây sông Ba Rày.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
TP Hồ Chí Minh có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm
TP Hồ Chí Minh có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm

Theo UBND Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn Thành phố có 32 vị trí sạt lở bờ sông, kênh, rạch nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Cụ thể, tại Thành phố Thủ Đức, huyện Nhà Bè cùng có 8 vị trí; huyện Cần Giờ có 6 vị trí; huyện Bình Chánh, Quận Bình Thạnh cùng có 4 vị trí...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN