Tiền Giang giữ đà tăng trưởng xuất khẩu

Trong 6 tháng cuối năm, Tiền Giang đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ xuất khẩu thời kỳ hậu dịch bệnh COVID-19 để giữ đà tăng trưởng xuất khẩu.

Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đoàn Văn Phương cho biết, do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19 trên phạm vi toàn cầu nên hoạt động xuất khẩu trong 6 tháng đầu nay chỉ đạt 1,25 tỷ USD, giảm 13,4% so với cùng kỳ và đạt 36,8% kế hoạch năm.

Tuy nhiên, tỉnh Tiền Giang vẫn phấn đấu trong nửa cuối năm 2020 đạt kim ngạch xuất khẩu dự kiến 2,15 tỷ USD, nâng cả năm đạt kim ngạch xuất khẩu 3,4 tỷ USD, hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch đề ra cả năm và tăng 11,3% so với cùng kỳ.
 
Nhận định từ lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang, trong những tháng còn lại của năm, hoạt động của các doanh nghiệp vẫn còn chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19 đưa đến thiếu nguyên phụ liệu đầu vào, chưa có đơn hàng.

Chú thích ảnh
Chế biến thủy sản xuất khẩu tại Khu công nghiệp Mỹ Tho.

Đáng lưu ý, ngành chế biến thủy sản, tuy lượng hàng tồn kho còn cao nhưng cũng có nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu để sản xuất do tình hình ngập mặn tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đang ảnh hưởng đến việc nuôi trồng thủy sản, nông sản nguyên liệu.

Riêng với ngành dệt may, da giày, các thị trường xuất khẩu chính như châu Âu, Hoa Kỳ tiếp tục siết chặt quy định kiểm soát biên giới do dịch bệnh, một số nhà nhập khẩu đã thông báo tạm dừng nhập khẩu các đơn hàng đã ký kết, gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất, tăng nguy cơ mất việc của người lao động.

Do vậy, các doanh nghiệp cần phải nỗ lực vượt khó, tích cực đảm bảo nguyên liệu đầu vào kết hợp những biện pháp quản lý tốt về chất lượng sản phẩm, kiện toàn trang thiết bị phục vụ sản xuất gắn với tăng cường xúc tiến thương mại, năng động tìm kiếm đối tác, mở rộng thị trường xuất khẩu, thu hút lao động việc làm…

Ngoài ra, ngành công thương tỉnh Tiền Giang cam kết tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là trên lĩnh vực thu hút đầu tư và xúc tiến thương mại xuất khẩu; trong đó, chú trọng tạo mọi thuận lợi cho doanh nghiệp chuẩn bị sẵn sàng các điều kiện cần thiết, hàng hóa, nhất là các hàng hóa có lợi thế và tiềm năng xuất khẩu để triển khai ngay sau khi các nước dỡ bỏ phong tỏa, mở cửa trở lại.

Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch thực hiện Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA). Thường xuyên theo dõi, nắm tình hình các Sở Công Thương phía Bắc về việc thông quan tại các cửa khẩu để kịp thời thông tin đến doanh nghiệp. Đồng thời, theo dõi sát sao về tình hình xuất khẩu gạo cũng như tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong việc cấp C/O.

Hơn nữa, để thuận lợi cho doanh nghiệp trong mở rộng quan hệ thương mại, tiếp cận thị trường, trong 6 tháng cuối năm, địa phương xây dựng và ra mắt sàn giao dịch điện tử tỉnh Tiền Giang. Từ đó, góp phần phấn đấu hoàn thành mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu năm 2020 theo nghị quyết đề ra.
 
Thời gian qua, mặc dù dịch COVID-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh nhưng tỉnh Tiền Giang vẫn nỗ lực phấn đấu, vượt lên khó khăn nhằm giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu.
 
Theo ông Đoàn Văn Phương, tỉnh có thế mạnh về xuất khẩu các nông sản hàng hóa, thủy hải sản chế biến, sản phẩm may mặc, các mặt hàng công nghiệp khác.
 
Các doanh nghiệp của tỉnh đã tiếp tục khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới. Nhờ vậy, hàng hóa xuất khẩu sang nhiều thị trường đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết FTA.
 
Đánh giá từ các chuyên gia cho thấy, hoạt động xuất khẩu Tiền Giang trong thời gian qua chịu tác động từ  hoạt động trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc, nhất là với nhóm hàng nông, thủy sản cùng với dịch bệnh lan nhanh qua các khu vực châu Âu, Hoa Kỳ, ASEAN, Trung Đông… đưa đến những biện pháp kiểm soát dịch bệnh của các quốc gia siết chặt làm khó khăn cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Nhiều đối tác nhập khẩu nước ngoài thông báo hoãn đơn hàng xuất khẩu trong tháng 4, 5 và tháng 6.
 
Đáng mừng là một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh trong nửa đầu năm 2020 vẫn tăng khá nhờ các doanh nghiệp chủ động kết nối đầu ra, đa dạng hóa mặt hàng, chất lượng sản phẩm đảm bảo và mở rộng đối tác, khách hàng, ký kết được nhiều đơn hàng ổn định.
 
Đơn cử như về xuất khẩu gạo, các doanh nghiệp xuất được 83.330 tấn, trị giá 41,7 triệu USD, tăng 55,8% về lượng và tăng 60,3% về trị giá so với cùng kỳ. Gạo xuất khẩu tăng nhờ xuất sang Philippines, chiếm 50% tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của tỉnh. Đây là thị trường mới, tiềm năng lớn.
 
Tương tự, mặt hàng rau quả đã xuất được gần 4.700 tấn với kim ngạch 9,25 triệu USD, tăng 49,8% về lượng và tăng 27,8% về trị giá so với cùng kỳ.
 
Đặc biệt, việc xuất khẩu hàng rau quả có hướng chuyển biến nhờ nhiều doanh nghiệp đã tích cực khai thác các mặt hàng theo mùa vụ của tỉnh như xoài, thanh long, chôm chôm… vào các thị trường châu Âu.

Tin, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Kỳ vọng sức bật xuất khẩu
Kỳ vọng sức bật xuất khẩu

Mặc dù chịu nhiều khó khăn từ đại dịch COVID-19, nhưng tính đến hết tháng 6/2020, Việt Nam vẫn xuất siêu 4 tỷ USD.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN