Trong 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của tỉnh đạt khoảng 3 tỷ USD, tăng hơn 26,9% so cùng kỳ năm trước và đạt 89,6% chỉ tiêu cả năm; trong đó, riêng doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 82,1% tổng kim ngạch xuất khẩu của địa phương. Tiền Giang đang đặt mục tiêu phấn đấu đạt kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả năm 2022 đạt 3,6 tỷ USD, tăng hơn 15,9% so năm 2021 và vượt 7,46% kế hoạch năm 2022.
Lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang cho biết, tỉnh tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2030. Song song đó, tăng cường tuyên truyền, phổ biến, thông tin về các hiệp định thương mại tự do (FTA) để hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc khai thác và tận dụng các ưu đãi, đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định về rào cản thương mại nhằm giúp doanh nghiệp chủ động xây dựng kế hoạch sản xuất, xuất khẩu và mở rộng thị trường, tìm kiếm đối tác phù hợp…
Đặc biệt, tỉnh khuyến khích các doanh nghiệp rà soát, lựa chọn các thị trường thay thế có khả năng bổ sung khi kim ngạch xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc bị sụt giảm do dịch bệnh hoặc những nguyên nhân khách quan khác.
Ngoài ra, Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang thường xuyên liên hệ, nắm bắt và cập nhật tình hình xuất khẩu hàng hóa của địa phương tại các cửa khẩu qua Trung Quốc như: Quảng Ninh, Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang …thông tin và hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu trên địa bàn những biện pháp tăng cường quản lý tại cửa khẩu của Trung Quốc để phòng chống dịch bệnh; khuyến khích doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch nhằm giảm thiểu rủi ro pháp lý cũng như xây dựng thương hiệu.
Bên cạnh đó, Sở Công Thương còn phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh hướng dẫn nông dân, các hợp tác xã, doanh nghiệp hiểu rõ những qui định về hàng rào kỹ thuật để tổ chức lại sản xuất nông sản theo tiêu chí VietGAP, GlobalGAP nhằm nâng cao sức cạnh tranh nông sản hàng hóa trên thị trường và mở rộng thị trường xuất khẩu cho hàng hóa chủ lực.
Quyền Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Tiền Giang Đặng Văn Tuấn chia sẻ, những năm tới, xuất khẩu vẫn tiếp tục là động lực chính thúc đẩy tăng trưởng của tỉnh Tiền Giang; trong đó, nông sản hàng hóa chủ lực vẫn chiếm tỷ trọng lớn và đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu xuất khẩu.
Do vậy, Tiền Giang đang hướng tới mục tiêu mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản trên cơ sở khai thác triệt để lợi thế so sánh và lợi thế cạnh tranh, đảm bảo mục tiêu tăng trưởng cao, góp phần tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững khi tỉnh trở lại trạng thái bình thường mới, thích ứng linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch bệnh khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, ổn định đời sống nhân dân năm 2022 và các năm tiếp theo.
Đặc biệt, trong mở rộng thị trường xuất khẩu chú trọng cả thị trường xuất khẩu nông sản tươi và nông sản qua chế biến, phù hợp vời yêu cầu của từng thị trường và gia tăng giá trị của hàng hóa xuất khẩu.
Hơn nữa, để đảm bảo tăng trưởng xuất khẩu một cách bền vững, Tiền Giang tiếp tục đổi mới xúc tiến đầu tư, hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ doanh nghiệp cả trong và ngoài hàng rào các khu, cụm công nghiệp. Việc này nhằm mời gọi đầu tư kết hợp với vận dụng tốt các cơ chế, chính sách ưu đãi thu hút đầu tư, huy động tối đa các mọi nguồn lực về vốn, hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư làm ăn, xây dựng và kết nối các vùng nguyên liệu, đào tạo cung ứng lao động, xúc tiến thị trường để tiêu thụ và xuất khầu sản phẩm…
Ông Đặng Văn Tuấn khẳng định, với hiệu quả thu hút đầu tư, đón làn sóng đầu tư của doanh nghiệp vào các khu – cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh Tiền Giang và hàng loạt nhà máy, xí nghiệp ra đời, đi vào hoạt động hiệu quả, tạo thêm công ăn việc làm cho người lao động, tích cực tham gia xuất khẩu nông sản hàng hóa đảm bảo cho lĩnh vực xuất khẩu địa phương trong các năm qua luôn đạt mức tăng trưởng mạnh, ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong giai đoạn 2015 – 2020, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu Tiền Giang đạt mức 17,14%/ năm.
Chỉ tính trong 9 tháng năm 2022, Tiền Giang thu hút thêm 13 dự án đầu tư với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 4.163 tỷ đồng, thành lập mới thêm 676 doanh nghiệp, 5.300 hộ kinh doanh. Mới đây, UBND tỉnh Tiền Giang cũng đã tổ chức Hội nghị giới thiệu 59 dự án ưu tiên mời gọi đầu tư đến các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước với tổng nguồn vốn đầu tư gần 23.000 tỷ đồng.
Trước mắt, đã trao 16 chủ trương nghiên cứu, chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư cho các doanh nghiệp ngay tại hội nghị. Đây sẽ là bước chuẩn bị tích cực nhằm thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu bền vững giai đoạn 2021 – 2025 theo Nghị quyết đề ra.