Thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ dân tộc thiểu số

Việc đổi mới nội dung, hình thức truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm để nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động tích cực về bình đẳng giới giữ vai trò quan trọng.

Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 14/10/2021 với 10 Dự án thành phần, nhằm hỗ trợ phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, trong đó có Dự án 8 “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em”. Chính phủ giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, thành phố tổ chức thực hiện Dự án 8.

Chú thích ảnh
Ban tổ chức trao giải thưởng cho các đội tham gia cuộc thi tìm hiểu kiến thức, xử lý tình huống trong Ngày hội bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số năm 2023 tại huyện Ba Vì (Hà Nội).
Ảnh: TTXVN phát

Bám sát chỉ đạo của Trung ương, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 257/KH-UBND ngày 3/10/2022 về triển khai Dự án 8 trên địa bàn Thủ đô, trong đó giao cho Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai, Mỹ Đức, Chương Mỹ tham mưu cho UBND thành phố triển khai thực hiện Dự án 8.

Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội đã cùng các sở, ngành, UBND 5 huyện chủ động, tích cực xây dựng kế hoạch, bố trí nguồn lực triển khai thực hiện các nội dung Dự án 8; trong đó tập trung tập huấn, hướng dẫn, triển khai mô hình điểm, huy động được sự tham gia tích cực của hệ thống chính trị và cộng đồng vào việc xây dựng các mô hình thúc đẩy bình đẳng giới vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó huyện Ba Vì (địa bàn chiếm 50% tổng số các xã thực hiện dự án 8) đã vào cuộc thực hiện Dự án 8 với quyết tâm cao và cách làm phù hợp.

Dự án 8 được thiết kế với 8 chỉ tiêu cốt lõi và nhiều hoạt động can thiệp, tập trung vào: Tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm, xóa bỏ các định kiến, khuôn mẫu giới trong gia đình và cộng đồng; hỗ trợ phụ nữ chăm sóc sức khỏe sinh sản, làm mẹ an toàn, giải quyết những vấn đề cấp thiết với phụ nữ vùng dân tộc thiểu số và miền núi; xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ; các hoạt động đảm bảo tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội; giám sát và phản biện xã hội; nâng cao năng lực cho cán bộ nữ dân tộc thiểu số, năng lực thực hiện lồng ghép giới cho cán bộ trong hệ thống chính trị và già làng, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng; giám sát, đánh giá thực hiện bình đẳng giới trong Chương trình Mục tiêu quốc gia. 

Đầu tháng 10/2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội tổ chức Ngày hội bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số năm 2023 tại huyện Ba Vì. Ngày hội nhằm tôn vinh, giới thiệu những đóng góp tích cực của phụ nữ dân tộc thiểu số trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội, những mô hình, cách làm hay của các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi huyện Ba Vì trong việc nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới, phát huy vai trò của phụ nữ trong giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

Tại Ngày hội Bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số năm 2023, các đại biểu đã được tham quan các gian hàng trưng bày sản phẩm sáng tạo, sản phẩm nghề truyền thống của phụ nữ dân tộc thiểu số huyện Ba Vì; lắng nghe các kiến thức tuyên truyền thông qua cuộc thi truyền thông “Thay đổi nếp nghĩ, cách làm vì bình đẳng giới với phụ nữ dân tộc thiểu số” với sự tham gia của 7 đội tuyển đại diện cho 7 xã dân tộc thiểu số huyện Ba Vì.

Qua 3 phần thi tìm hiểu kiến thức, xử lý tình huống và thi nét đẹp văn hóa dân tộc, đội ngũ tuyên truyền viên có cơ hội giao lưu, học hỏi chia sẻ kinh nghiệm trong công tác tuyên truyền, vận động thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương.

Theo bà Lê Kim Anh, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Hà Nội, để các chỉ tiêu của Dự án 8 được thực hiện hiệu quả, phấn đấu hoàn thành sớm so với tiến độ đề ra, trong thời gian tới cần có sự vào cuộc tích cực, sự phối hợp chặt chẽ của sở, ban, ngành thành phố; đặc biệt là cấp ủy chính quyền, các ban, ngành đoàn thể địa phương và toàn thể nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi của Hà Nội. Trong đó việc đổi mới nội dung, hình thức truyền thông thay đổi nếp nghĩ, cách làm để nâng cao nhận thức, thúc đẩy hành động tích cực về bình đẳng giới giữ vai trò quan trọng.

PV
Tín dụng chính sách xã hội - Bệ đỡ cho phụ nữ hướng tới bình đẳng giới
Tín dụng chính sách xã hội - Bệ đỡ cho phụ nữ hướng tới bình đẳng giới

Với 22 chương trình tín dụng chính sách hiện đang phục vụ nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác, 20 năm qua, Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) đã và đang trở thành điểm tựa vững chắc cho phụ nữ nghèo vươn lên tự hóa giải hai vấn đề lớn trong bất bình đẳng giới đó là tạo việc làm và phát triển kinh tế. Hàng triệu phụ nữ nghèo được tiếp cận nguồn vốn chính sách đã chèo chống cùng gia đình vượt qua nghèo khó, làm giàu cho chính mình và đóng góp vào thành quả phát triển chung của kinh tế đất nước.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN