Thừa Thiên - Huế: Ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch phát huy giá trị di sản, văn hóa

Ngày 8/12, Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khóa VIII, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã khai mạc kỳ họp thứ 5 nhằm thảo luận, thông qua nhiều nghị quyết quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong năm 2023.

Chú thích ảnh
Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế Lê Trường Lưu phát biểu khai mạc kỳ họp. 

Năm 2023, Thừa Thiên - Huế đẩy mạnh mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu trên cơ sở khai thác thế mạnh, đặc thù của địa phương; ưu tiên phát triển các ngành dịch vụ, du lịch dựa trên nền tảng phát huy giá trị di sản, văn hóa; phát triển ngành công nghiệp công nghệ thông tin tạo giá trị gia tăng, giá trị xuất khẩu lớn; phát triển đô thị thông minh và bền vững. Đồng thời, địa phương sẽ huy động tối đa các nguồn lực, trong đó ưu tiên đầu tư hạ tầng phát triển đô thị, hạ tầng phục vụ sản xuất và phát triển kinh tế; đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đổi mới sáng tạo, xây dựng chính quyền điện tử.

Tỉnh đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về các lĩnh vực kinh tế - xã hội, môi trường trong năm 2023; trong đó tốc độ tăng trưởng GRDP từ 9-10%, thu ngân sách trên địa bàn tăng 12% so với thực hiện năm 2022, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12% trở lên… Địa phương xác định 6 chương trình trọng điểm thực hiện gồm: chương trình phát triển đô thị; chương trình phát triển hạ tầng kinh tế - kỹ thuật và phát triển công nghiệp; chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ; chương trình cải cách hành chính gắn với phát triển chính quyền điện tử, dịch vụ đô thị thông minh; chương trình phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; chương trình xây dựng nông thôn mới gắn với giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp thứ 5 Hội đồng nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế khoá VIII. 

Đáng chú ý, năm 2022, tỉnh có 14/14 chỉ tiêu chủ yếu thực hiện đạt và vượt kế hoạch đề ra; thu ngân sách đạt hơn 12.700 tỷ đồng, vượt dự toán. Kinh tế địa phương phục hồi tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,56% (kế hoạch là từ 6,5 - 7,5%); trong đó, khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 10%, khu vực dịch vụ tăng 11%. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) ước đạt 65.700 tỷ đồng, GRDP bình quân đầu người ước đạt hơn 56 triệu đồng, năng suất lao động ước đạt 116 triệu đồng/lao động. Đến cuối tháng 11/2022, tỉnh có 745 doanh nghiệp thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 5.847 tỷ đồng, tăng 35% về lượng và tăng 47% về vốn so với cùng kỳ năm 2021. Địa phương đã cấp phép cho 28 dự án với vốn đầu tư đăng ký đạt 14.002 tỷ đồng; trong đó, 5 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI với vốn đăng ký hơn 231 triệu USD.

Ngành du lịch tỉnh duy trì với đà phục hồi tốt. Tổng lượt khách du lịch ước đạt hơn 2 triệu lượt, tổng thu từ du lịch ước đạt khoảng 4.500 tỷ đồng. Địa phương tập trung thực hiện chương trình phát triển văn hóa, du lịch - dịch vụ là một trong sáu chương trình trọng điểm của tỉnh. Từ giữa 3/2022, Thừa Thiên - Huế đã thực hiện việc mở cửa hoàn toàn đón khách quốc tế; tổ chức đón khách du lịch Thái Lan bằng các chuyến bay thuê nguyên chuyến. Đồng thời, tổ chức nhiều hoạt động du lịch lễ hội, văn hóa đặc sắc; trong đó có các hoạt động trong chuỗi sự kiện, chương trình Festival Huế 2022 tạo điểm nhấn kích cầu, phục hồi phát triển du lịch.

Bài, ảnh: Đỗ Trưởng (TTXVN)
HĐND tỉnh Quảng Ngãi: Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề an sinh xã hội
HĐND tỉnh Quảng Ngãi: Chất vấn và trả lời chất vấn nhiều vấn đề an sinh xã hội

Ngày 7/12, tại Kỳ họp thứ 12, Hội đồng nhân dân (HĐND) tỉnh Quảng Ngãi khóa XIII đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn về các nhóm vấn đề: Quản lý, bảo vệ các di tích lịch sử, thu hút phát triển du lịch; tình trạng quản lý xe quá khổ, quá tải tại Khu kinh tế Dung Quất; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm xã hội, vệ sinh an toàn lao động; đào tạo nghề.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN