Thiếu thể chế liên kết vùng trong phát triển kinh tế - xã hội vùng Đông Nam Bộ

Ngày 22/6, Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu đã tổ chức Hội nghị tổng kết thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW ngày 29/8/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về “phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020” và Kết luận số 27-KL/TW ngày 2/8/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 53-NQ/TW.            

Chú thích ảnh
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Thị Yến phát biểu tại Hội nghị. 

Bên cạnh những kết quả đạt được, qua tổng kết thực tiễn 15 năm thực hiện Nghị quyết số 53 và Kết luận số 27 của Bộ Chính trị, tại Hội nghị, các đại biểu thống nhất nhận định vai trò dẫn dắt tăng trưởng và tốc độ tăng trưởng của vùng đang suy giảm so với chính mình, với các vùng khác và với cả nước do những hạn chế trong thực hiện liên kết vùng thời gian qua là: Hạ tầng giao thông kết nối chưa được đầu tư một cách đồng bộ, hiệu quả và thông suốt; lợi thế cửa ngõ vươn ra thế giới chưa được phát huy đầy đủ; hệ thống cảng biển được quy hoạch nhưng thực hiện chưa tốt, nhất là quy hoạch vùng kinh tế, cơ chế hợp tác vùng và giao thông kết nối; Cái Mép - Thị Vải chưa trở thành cảng trung chuyển quốc tế và tập đoàn kinh tế mạnh về biển có khả năng cạnh tranh trong khu vực và thế giới.
           
Bí thư Tỉnh ủy Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho rằng, nguyên nhân dẫn đến những hạn chế trên là do thiếu tổ chức bộ máy hay phân công đảm bảo đủ quyền lực thực hiện; việc phân cấp, phân quyền còn mang tính đồng đều giữa các địa phương, tỉnh, thành phố trong vùng; chưa tạo được động lực phát triển liên kết vùng, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế, nguồn lực, tính chủ động, sáng tạo của các địa phương, đặc biệt là các địa phương tự đảm bảo ngân sách và có vị trí, vai trò động lực trong phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Ngoài ra, Trung ương cũng chưa phân bổ đủ các nguồn vốn đầu tư, nuôi dưỡng tốc độ tăng trưởng, nuôi dưỡng các nguồn thu. 
           
Hiện nay, Trung ương đã quyết định đầu tư xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành và Nhóm cảng biển số 4 trong đó, cảng Bà Rịa-Vũng Tàu là cảng đặc biệt quốc gia. Cùng với đó là hàng loạt các dự án hạ tầng giao thông đã, đang và sẽ được triển khai như đường Vành đai 3, Vành đai 4 Thành phố Hồ Chí Minh, các dự án đường bộ cao tốc: Bến Lức - Long Thành, Biên Hòa - Vũng Tàu, Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường sắt Biên Hòa - Vũng Tàu,... sẽ tạo chuỗi kết nối với hệ thống cảng biển, các cửa khẩu quốc tế, các trung tâm tài chính, các đầu mối vận tải lớn trong khu vực Đông Nam Bộ và lớn hơn là châu Á - Thái Bình Dương và toàn thế giới.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội nghị.

Các đại biểu đánh giá đây là cơ hội, động lực phát triển quan trọng cho các địa phương vùng Đông Nam Bộ, trong đó, Bà Rịa Vũng Tàu sau năm 2025 là địa phương có đủ 5 phương thức vận tải mà rất ít địa phương, tỉnh, thành phố ở Việt Nam và thế giới có được (đường biển, đường thủy, đường bộ, đường sắt, đường hàng không).
           
Trước bối cảnh, thời cơ và thách thức trên, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu thống nhất đề nghị nêu trong Báo cáo và đề nghị Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết mới về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030 và tầm nhìn đến 2045; trong đó tập trung vào 5 nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, với 3 đột phá chiến lược gồm: Đẩy mạnh và đổi mới phân cấp cho các địa phương trong liên kết, điều hành vùng; đến năm 2030 đưa Cái Mép - Thị Vải trở thành Khu thương mại tự do với 3 chức năng (Cảng nước sâu trung chuyển quốc tế - Logistics - Hệ sinh thái công nghiệp công nghệ cao của cả vùng) và tiếp tục đầu tư cho Sân bay quốc tế Long Thành để trở thành cảng hàng không tầm cỡ thế giới, đạt công suất đến 100 triệu khách/năm; đẩy nhanh quá trình chuyển đối số; hình thành liên kết đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao giữa các địa phương trong vùng.
           
Vùng Đông Nam Bộ hiện là trung tâm dịch vụ tài chính, thương mại và công nghiệp lớn nhất của cả nước với hạt nhân là Thành phố Hồ Chí Minh và mạng lưới dày đặc các khu công nghiệp, tập trung ở khu vực tứ giác động lực Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai và Bà Rịa-Vùng Tàu. Đông Nam Bộ là vùng đứng đầu cả nước về quy mô GRDP và thu ngân sách nhà nước. Cụ thể, năm 2020, GRDP của vùng chiếm khoảng 33% GDP cả nước và tổng thu ngân sách của vùng chiếm khoảng 36% tổng thu ngân sách của quốc gia. Trình độ phát triển kinh tế của vùng Đông Nam Bộ nhìn chung cao hơn cả nước ở hầu hết các ngành, các lĩnh vực.
           
Những năm qua, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã khẳng định được vai trò, vị thế và trách nhiệm trong việc chủ động triển khai các hoạt động hợp tác, liên kết với các địa phương trong vùng Đông Nam Bộ và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là địa phương liền kề như tỉnh Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh để phát huy những nguồn lực, lợi thế so sánh của vùng và của từng địa phương trong vùng; cùng nhau thống nhất giải quyết nhiều khó khăn, vướng mắc, thách thức trong quá trình phát triển.
           
Năm 2020, quy mô kinh tế của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đạt 309.730 tỷ đồng, gấp 3 lần so với năm 2005 (nằm trong số 4 địa phương đứng đầu của vùng); quy mô GRDP trên địa bàn tỉnh năm 2021 xếp top đầu của 63 tỉnh, thành phố.

Tin, ảnh: Đoàn Mạnh Dương (TTXVN)
Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023
Xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết đang xây dựng dự thảo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2023.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN