Với diện tích trồng hàng năm luôn được duy trì ổn định từ 1.300 - 2.000 ha, năng suất bình quân 5,3 - 6 tấn/ha, sản lượng 7.000 - 11.000 tấn, huyện Tràng Định xác định đây là cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho người dân với tổng giá trị khoảng 170 - 250 tỷ đồng/năm. Việc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam và Tổng cục Hải quan Trung Quốc ký kết Nghị định thư ngày 8/12/2020 về xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc đang là cơ hội rất lớn cho thạch đen Tràng Định được xuất khẩu chính ngạch, góp phần phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới khó khăn.
Đẩy mạnh xây dựng nhãn hiệu tập thể, mã vùng trồng
Theo UBND huyện Tràng Định, năm 2020, địa phương đã trồng được trên 1.523 ha thạch đen; sản lượng đạt 8.163 tấn; ước thu trên 240 tỷ đồng.
Những năm gần đây, chính quyền các cấp từ huyện đến xã tại Tràng Định đã quan tâm định hướng cho người dân mở rộng diện tích trồng thạch đen, ứng dụng khoa học kỹ thuật, tuyên truyền sâu rộng việc không sử dụng hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật trong chăm sóc; qua đó vừa nâng cao chất lượng, vừa giữ vững uy tín và giá trị thạch đen Tràng Định với 3 loại sản phẩm chính là thạch khô, thạch bột và thạch ăn truyền thống.
Chủ tịch UBND huyện Tràng Định Vũ Đức Thiện cho biết, trước đây thạch đen Tràng Định có giá cả rất bấp bênh vì chưa có thương hiệu, người dân trồng theo hướng tự phát, chất lượng không cao; đồng thời việc tiêu thụ sản phẩm chủ yếu thông qua các tư thương và xuất khẩu qua đường tiểu ngạch sang Trung Quốc. Năm 2017, huyện Tràng Định đã triển khai xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tràng Định” cho sản phẩm thạch đen và được Cục Sở hữu trí tuệ Việt Nam bảo hộ. Khi đó, sản phẩm thạch đen Tràng Định đã được các doanh nghiệp, hợp tác xã chú trọng đầu tư chế biến, quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng trong và ngoài nước.
Để chuẩn hóa dữ liệu vùng trồng thạch đen chủ lực của địa phương, nâng cao nhận thức của người dân trong tuân thủ các quy định, tiêu chuẩn kiểm dịch. Huyện Tràng Định đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn triển khai cấp mã vùng trồng cây Thạch đen tại xã Kim Đồng với diện tích 60ha của 180 hộ gia đình, chia thành 6 mã vùng trồng.
Anh Sằm Văn Tiến, người dân xã Kim Đồng, huyện Tràng Định, tỉnh Lạng Sơn chia sẻ, thạch đen dễ trồng và ít sâu bệnh, gia đình anh đã trồng cây thạch đen được nhiều năm và loại cây này luôn cho thu nhập đều và hiệu quả. Một năm, cây thạch đen có thể trồng được 2 vụ, thu hoạch vào thời điểm tháng 6 và tháng 10 - 11 của năm. Bản thân anh cũng được huyện tập huấn, giúp đỡ chuyên môn về cách chăm sóc, sản xuất theo hướng hữu cơ mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ, hiện nay, tại huyện Tràng Định cũng đã có các cơ sở chế biến thạch ăn liền đóng hộp; chế biến dưới dạng bột thạch phục vụ xuất khẩu.
Mở rộng thương mại, mời gọi doanh nghiệp đầu tư
Với thạch đen Tràng Định, thị trường tiêu thụ chủ yếu là các tỉnh trong nước như Hà Nội, Quảng Ninh... cùng một số tỉnh miền Nam, Tây Bắc; các nước như Trung Quốc, Ấn Độ, Malaysia… cũng là thị trường tiêu thụ chủ lực. Trên thực tế, toàn huyện chỉ có 60ha thạch đen được cấp mã vùng trồng là còn ít so với diện tích hiện có, đây là trở ngại lớn để thương hiệu thạch đen có thể đến với các thị trường tiêu thụ lớn khác. Cùng với đó, không ít người dân vẫn trồng và bán tự phát cho các thương lái, dẫn đến giá cả không ổn định...
Tại cuộc làm việc gần đây với UBND tỉnh Lạng Sơn về triển khai Nghị định thư ngày 8/12/2020 về việc xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh đã nhấn mạnh, thạch đen chính là sản phẩm lợi thế có tiềm năng gắn với đặc thù của Lạng Sơn; đồng thời đề nghị Lạng Sơn tiếp tục rà soát lại quy mô diện tích vùng trồng thạch đen, chủ động tổ chức sản xuất căn cơ, bài bản hơn nữa; tiếp tục làm tốt việc phổ biến, tập huấn cho bà con về mã số vùng trồng, quy trình sản xuất, chế biến, đóng gói bảo đảm theo yêu cầu của phía Trung Quốc; xúc tiến mở rộng thương mại, phát triển và mời gọi các doanh nghiệp đến đầu tư, liên kết chế biến, xuất khẩu thạch đen.
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cũng đề nghị các cơ quan của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Lạng Sơn tổ chức tập huấn, phổ biến các nội dung cơ bản của Nghị định thư để người dân nắm được; đồng thời hướng dẫn Lạng Sơn công bố, bảo hộ giống thạch đen, hoàn thiện lại quy trình canh tác, sản xuất để nâng cao chất lượng sản phẩm.
Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn Hồ Tiến Thiệu cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ đạo các đơn vị liên quan có văn bản hướng dẫn, sớm tổ chức hội nghị tập huấn để phổ biến, tuyên truyền, hướng dẫn các ngành liên quan và người dân về việc thực hiện các nội dung của Nghị định thư; giới thiệu cho Lạng Sơn các doanh nghiệp có đủ năng lực để liên kết sản xuất, xuất khẩu thạch đen, đồng thời quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ cấp mã số vùng trồng, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đáp ứng được yêu cầu sản xuất, từ đó phát triển thạch đen thành cây trồng chủ lực của tỉnh, góp phần cải thiện đời sống của người dân.
Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định thư ngày 8/12/2020 về việc xuất khẩu thạch đen sang Trung Quốc giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam với Tổng cục Hải quan Trung Quốc sẽ là động lực bền vững để người dân trồng thạch đen tại huyện biên giới Tràng Định nói riêng và tỉnh Lạng Sơn nói chung yên tâm, gắn bó với loại cây nông nghiệp hiệu quả kinh tế cao này.