Tây Nguyên đối mặt với sạt lở, sụt lún đất - Bài 1: Ngày càng phức tạp, nghiêm trọng

Những năm gần đây, tình trạng sạt lở đất trong mùa mưa diễn ra ngày càng phức tạp và nghiêm trọng tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên.

Nhiều vụ sạt lở đã gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng làm nhiều người chết, gây thiệt hại tài sản hàng trăm tỷ đồng. Nguyên nhân các vụ sạt lở trên được đánh giá một phần do thiên nhiên, nhưng cũng một phần do "nhân tai”. Trước thực trạng trên, TTXVN có loạt 2 bài viết nhằm phản ánh, phân tích nguyên nhân, đưa ra giải pháp trong bối cảnh vùng Tây Nguyên đang “đối mặt” với sạt lở, sụt lún đất ngày càng nghiêm trọng.

Chú thích ảnh
Sạt lở xảy ra tại Km194+990 đường Trường Sơn Đông (đoạn qua xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum), ngày 16/11. Ảnh: Khoa Chương/TTXVN

Bài 1: Ngày càng phức tạp, nghiêm trọng

Dường như chưa năm nào khu vực Tây Nguyên lại xảy ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng như mùa mưa năm 2023. Tình trạng sạt lở, sụt lún đất không chỉ xảy ra tại các khu vực đường giao thông, công trình thủy lợi, mà còn diễn ra ngay trong khu dân cư và trải đều từ Bắc đến Nam Tây Nguyên.

Bắc Tây Nguyên nằm trong trục đứt gãy

Tỉnh Kon Tum nằm ở phía Bắc Tây Nguyên, thuộc khu vực có trục đứt gãy Đông – Tây (kéo dài từ Kon Tum đến Quảng Nam, Quảng Ngãi). Nằm trên dải địa hình dễ đứt gãy, cộng với điều kiện thổ nhưỡng ít kết dính, địa hình đồi núi cao, sườn dốc khiến sạt lở đất thường xảy ra tại một số khu vực của Kon Tum. Trong đó, địa bàn các huyện Kon Plông, Đăk Glei, Tu Mơ Rông… được xem là “trọng tâm” của sạt lở, sụt lún địa hình.

Thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum cho thấy, vào mùa mưa, trên địa bàn tỉnh có hàng trăm điểm sạt lở, có nguy cơ sạt lở cao tại các khu vực dân cư, vườn rẫy tại nhiều xã thuộc các huyện Tu Mơ Rông, Kon Plông, Đăk Glei. Ngoài ra, các tuyến Tỉnh lộ 673 (huyện Đăk Glei), 676 (huyện Kon Plông); 672, 678 (huyện Tu Mơ Rông), các tuyến Quốc lộ 24, 40B cũng thường xuyên xảy ra sạt lở.

Theo ông Phạm Thanh Bình, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Kon Plông (Kon Tum), trong những năm gần đây, tình trạng sạt lở tại địa phương đang có chiều hướng gia tăng cả về cường độ, số lượng, mức độ nguy hiểm. Tuy chưa gây thiệt hại về người, song đã xuất hiện một số điểm dòng suối lấn sâu vào khu dân cư như khu dân cư thôn Kon Plinh, xã Hiếu…

“Ma trận” sạt lở ở Nam Tây Nguyên 

Trong khi đó, ở phía Nam Tây Nguyên cũng đang đối mặt với tình trạng sạt lở, sụt lún đất nhiều chưa từng có. Tại địa bàn Lâm Đồng, sạt lở là tình trạng thường thấy khi mùa mưa đến, đặc biệt tại các tuyến đường đèo, vùng đồi núi có độ dốc lớn. Trong mùa mưa năm 2023, số vụ sạt lở đất gây hậu quả nghiêm trọng có xu hướng gia tăng so với những năm trước đây. Trong đó có thể kể đến vụ sạt lở đất trên đèo Bảo Lộc làm 4 người thiệt mạng vào cuối tháng 7 vừa qua. Đáng chú ý, trong dịp cao điểm mưa lũ cuối tháng 6/2023, toàn thành phố Đà Lạt có 13 điểm sạt lở chỉ trong 1 ngày khiến 2 người thiệt mạng, 3 người bị thương và nhiều tài sản bị thiệt hại.

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Lâm Đồng, trên địa bàn tỉnh hiện có 163 vị trí bị sạt lở và có nguy cơ sạt lở. Trong đó, riêng thành phố Đà Lạt có đến 60 điểm sạt lở và nguy cơ sạt lở, huyện Đam Rông có 33 vị trí, huyện Đạ Huoai có 22 vị trí, Di Linh có 21 vị trí... Các địa phương đã và đang tiếp tục tổ chức rà soát các vị trí đã bị sạt lở và các vị trí có nguy cơ xảy ra sạt lở, kiên quyết di dời người dân ở những vị trí có nguy cơ cao trong cao điểm mùa mưa lũ. 

Cùng chung cảnh ngộ, năm nay tần suất sạt lở, sụt lún đất trên địa bàn tỉnh Đắk Nông xuất hiện dày đặc. Ngay từ đầu mùa mưa, sạt lở xảy ra tại nhiều công trình đang thi công xây dựng và cả công trình đã sử dụng ổn định nhiều năm. Điển hình như sạt lở trên đường Đạo Nghĩa - Quảng Khê (giai đoạn 2), hồ chứa nước Đắk N’ting (đang đợi bàn giao, đưa vào sử dụng); đường Hồ Chí Minh đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa, tuyến tránh thành phố Gia Nghĩa, trên Tỉnh lộ 1 đoạn qua xã Quảng Tân, huyện Tuy Đức…

Không dừng lại ở đó, trong thời gian từ cuối tháng 8 đến nay, trên địa bàn tỉnh Đắk Nông tiếp tục ghi nhận nhiều điểm sạt lở, sụt trượt mới. Có thể kể đến Tỉnh lộ 1, nối liền 2 huyện Đắk R’lấp - Tuy Đức tại Km25+100- Km25+950. Tại đây, mặt đường bị rạn, nứt và sụt, lún đường theo hình vòng cung. Chiều sâu sụt lún từ 5 - 30cm so với mặt đường, bề rộng vết nứt khoảng 10 - 20cm.

Liên quan tới tình trạng sạt lở, sụt lún đất bất thường tại nhiều địa phương, ngày 8/8 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai để ứng phó, khắc phục đối với ba công trình, khu vực bao gồm: Hồ chứa nước Đắk N'ting (xã Quảng Sơn, huyện Đắk G’long); đường Hồ Chí Minh tại Km1.900+350 (đoạn qua phường Nghĩa Thành, thành phố Gia Nghĩa); khu vực sạt trượt ở Bon Bu Krắc và Bon Bu Prăng 1A (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức).

Có cả nhân tai và thiên tai

Vì sao sạt lở nhiều ở Tây Nguyên? Đây là câu hỏi được các chuyên gia, nhà quản lý các địa phương đang tiếp tục tìm câu trả lời cụ thể. Theo Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kon Tum Đặng Trần Huân, nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng sạt lở đất là do Kon Tum thuộc khu vực có địa hình phức tạp, sườn dốc. Tuy nhiên, đây không phải là yếu tố tất yếu dẫn đến sạt lở mà còn do con người tác động vào sườn dốc tự nhiên, khiến sườn dốc thay đổi hình thái, thay đổi góc dốc và mất ổn định. Các hoạt động này ngày càng đóng vai trò chính trong việc gây ra trượt lở đất.

Trong khi đó, ông Dương Thái Khoa, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tu Mơ Rông (tỉnh Kon Tum) cũng thừa nhận, huyện Tu Mơ Rông là vùng có nguy cơ sạt lở đất cao khi có tác động của thiên tai và tác động của con người. Cụ thể tác động ngoại lực cũng là tác nhân gây phá vỡ mọi sức bền liên kết với nhau trên mái dốc, đỉnh đồi khiến cho đất, đá không giữ được trọng lực, rơi xuống. Đây cũng là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sạt lở gia tăng trong những năm qua.

Theo UBND tỉnh Đắk Nông, trong mùa mưa năm nay, trên địa bàn tỉnh liên tục xuất hiện những trận mưa to đến rất to và kéo dài. Lượng mưa đo được tại nhiều địa phương phổ biến ở mức 400mm, một số khu vực trên 500mm. Cá biệt những trận mưa lớn tại địa bàn thành phố Gia Nghĩa cuối tháng 7, đầu tháng 8 vừa qua có thể được coi là kỷ lục sau gần 20 năm tái lập tỉnh Đắk Nông. Tình trạng này dẫn tới mực nước trên các sông, suối, ao hồ dâng cao, gây ngập úng nhiều khu dân cư và sụt lún, sạt trượt tại nhiều khu vực, làm ảnh hưởng, thiệt hại nhà cửa, tài sản, cây trồng và cơ sở hạ tầng.

Trong buổi làm việc liên quan đến tình trạng sạt lở tại Đắk Nông đầu tháng 8 vừa qua, ông Đỗ Văn Lĩnh, Liên đoàn trưởng Liên đoàn Bản đồ địa chất miền Nam (trực thuộc Cục Địa chất Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường) nhận định, các điểm đã khảo sát đều có hiện trạng là các cung trượt, nằm ở nơi giao nhau của các vị trí đứt gãy. Các khu vực này đều có đặc điểm chung là bất ổn về mặt địa hình, địa chất. Về lâu dài, Đắk Nông cần khảo sát chi tiết để đánh giá nguyên nhân và đưa ra giải pháp phòng ngừa, khắc phục đối với tình trạng sạt lở, sụt trượt đất. 

Tương tự, theo nhận định của UBND tỉnh Lâm Đồng, hiện tượng thiên tai gây hậu quả nặng nề như thời gian qua có một số nguyên nhân chủ yếu như lượng mưa lớn khiến cho nền đất bị yếu, dễ gây sạt lở. Đồng thời, Lâm Đồng có địa hình chủ yếu là đồi núi, có độ dốc cao từ 200 – 1.500m so với mực nước biển, với các nhóm đất chủ yếu là đất đỏ bazan, đất phù sa, đất có độ dốc cao (trên 25 độ, chiếm 50% diện tích toàn tỉnh), kết cấu đất yếu nên gây nguy cơ sạt lở rất cao khi xảy ra mưa lớn kéo dài. Mặt khác, hoạt động san gạt, đào đắp tạo mặt bằng để xây dựng công trình tại khu vực sườn dốc, taluy cao càng làm tăng nguy cơ sạt trượt đất.

Theo kiến trúc sư Trần Đức Lộc, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị tỉnh Lâm Đồng, từ các vụ sạt lở tại Đà Lạt và Bảo Lộc cho thấy, đối với đất bazan của Tây Nguyên có đặc tính “khi khô thì cứng, khi thấm nước thì trơn trượt” nên khi đất bị ngậm nước với tần suất lớn, nhiều ngày, luôn tiềm ẩn nguy cơ trượt dài, sạt lở về phía trũng thấp. Trong khi đó, hình ảnh sụt lún, trượt lở tại khu vực dự án hồ Đông Thanh (huyện Lâm Hà) và đường tránh phía Nam Bảo Lộc (thành phố Bảo Lộc) có thể cho thấy hậu quả của việc con người khai thác quá mức nguồn nước ngầm. Khi nguồn nước ngầm bị hạ thấp, thậm chí khô cạn một cách mất kiểm soát, sẽ dẫn đến tầng đất mặt bị hổng chân, gây ra tình trạng sụt lún đất, đứt gãy địa hình như hai sự cố nêu trên.

Bài cuối: Nhận diện nguy cơ, sẵn sàng ứng phó

Nguyễn Dũng - Hưng Thịnh - Dư Toán (TTXVN)
Tây Nguyên đối mặt với sạt lở, sụt lún đất - Bài cuối: Nhận diện nguy cơ, sẵn sàng ứng phó
Tây Nguyên đối mặt với sạt lở, sụt lún đất - Bài cuối: Nhận diện nguy cơ, sẵn sàng ứng phó

Sạt lở, sụt lún đất ở Tây Nguyên có thể tạm dừng khi mùa mưa năm nay đi qua. Thế nhưng về lâu dài, Tây Nguyên vẫn phải đối mặt với các nguy cơ trượt lở đất đá trong những năm tiếp theo. Vậy đâu là giải pháp vừa phòng, chống, vừa đảm bảo an toàn cho cả vùng trong mối ẩn họa của thiên nhiên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN