Theo đó, sự cố sạt lở bờ sông tại vị trí K49+300 đê hữu Cầu với chiều dài sạt trượt 75 m, chiều rộng 2,5 đến 3,5 m tạo thành các vết nứt rộng từ 5 đến 30 cm sát với tường nhà dân, gây nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến 17 hộ dân khu dân cư Vạn Phúc, phường Vạn An; vị trí bị lún sâu nhất so với mặt đất hiện trạng từ 0,5 - 1,2 m (ban đầu khoảng 30 đến 70 cm), cách chân đê phía sông 70 m và có xu hướng tiếp tục phát triển.
Để đảm bảo an toàn về người và tài sản của nhân dân, UBND tỉnh Bắc Ninh giao UBND thành phố Bắc Ninh tổ chức di dời các hộ dân ra khỏi khu vực sự cố khi sự cố tiếp tục phát triển; tiến hành cắm biển cảnh báo các khu vực sạt lở bờ bãi sông; chuẩn bị đầy đủ vật tư, nhân lực, trang thiết bị cần thiết để có thể huy động xử lý nếu sự cố phát triển thêm ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn của khu dân cư và đê điều; đồng thời, tổ chức cắm cọc tiêu, mốc để quan trắc, lập sổ theo dõi chặt chẽ diến biến sạt trượt.
Cùng với đó, UBND tỉnh Bắc Ninh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh tổ chức khoanh vùng phạm vi có nguy cơ sạt lở, thường xuyên cập nhật, báo cáo tình hình diễn biến sạt lở và tiến độ khắc phục sự cố; chỉ đạo Chi cục Thủy lợi phối hợp với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn Bắc Ninh, UBND thành phố Bắc Ninh trong việc theo dõi diễn biến sự cố, tổ chức xử lý giờ đầu theo phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; phương tiện, vật tư tại chỗ; hậu cần tại chỗ).
Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Công an tỉnh, các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường theo chức năng, nhiệm vụ phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND thành phố Bắc Ninh để tham mưu Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo đơn vị quản lý, thực hiện xử lý sự cố đảm bảo an toàn, hiệu quả, tiết kiệm.
Cùng với đó, UBND tỉnh ban hành lệnh xây dựng công trình khẩn cấp đối với công trình xử lý khẩn cấp sự cố sạt lở bờ, bãi sông đoạn từ K49+190 ÷ K49+430 đê hữu Cầu, phường Vạn An, thành phố Bắc Ninh.