Ông Đào Anh Tuấn - Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh cho biết: Đến cuối năm 2024, tỉnh phấn đấu duy trì nợ quá hạn ở mức dưới 0,15% tổng dư nợ; mỗi phòng giao dịch cấp huyện có ít nhất một xã không có nợ quá hạn; tỷ lệ thu lãi đạt trên 99,5%; tỷ lệ thu nợ gốc đến hạn đạt trên 96%; chất lượng hoạt động giao dịch xã đạt trên 96 điểm; chất lượng hoạt động Tổ tiết kiệm và vay vốn đạt trên 94 điểm; đưa vào khai thác và sử dụng chương trình quản lý tín dụng chính sách đối với 100% đối tượng người dùng theo quy định.
Đến ngày 30/9/2024, tổng nợ quá hạn và nợ khoanh toàn tỉnh gần 23,5 tỷ đồng (chiếm 0,54%/tổng dư nợ ủy thác), tăng 278 triệu đồng so với đầu năm. Trong số đó, nợ quá hạn 6.978 triệu đồng, chiếm 0,16%/tổng dư nợ, tăng 774 triệu đồng so với đầu năm; nợ khoanh trên 16,5 tỷ đồng (chiếm 0,38%), giảm 495 triệu đồng so với đầu năm.
Toàn tỉnh có 77 đơn vị cấp xã có nợ quá hạn; 492 hộ vay đi khỏi nơi cư trú với tổng số tiền trên 13 tỷ đồng. Số hộ có thông tin địa chỉ cụ thể là 26 với số tiền khoảng 1,1 tỷ đồng; không có thông tin địa chỉ cụ thể là 466 hộ với 11,9 tỷ đồng.
Là địa phương có nợ quá hạn và nợ khoanh cao, bà Đoàn Thị Minh Thanh - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Biên, tỉnh Tây Ninh – Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Biên cho biết, nguyên nhân dẫn đến nợ quá hạn gia tăng tại huyện Tân Biên là do việc thu hồi nợ đến hạn đối với đồng bào dân tộc thiểu số gặp nhiều khó khăn. Nhiều hộ dân sau khi vay vốn từ nguồn chính sách, đã bỏ đi nơi khác.
Tương tự, bà Nguyễn Thị Phượng - Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu - Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Tân Châu cũng cho biết, nhiều hộ dân vay vốn từ nguồn chính sách đã bán nhà đi nơi khác, nên gặp khó khăn trong xác minh, thu hồi nợ. Ban Đại diện đang tập trung rà soát làm rõ đối tượng hiện nay đi khỏi nơi cư trú, để kiểm soát và thu phần nợ đã cho vay; phấn đấu đến cuối năm 2024 sẽ kéo giảm tỷ lệ nợ quá hạn và nợ khoanh trên địa bàn.
Theo ông Đào Anh Tuấn, trong 9 tháng qua, thông qua nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội đã giúp 28.843 lượt hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Qua đó, đã thu hút, tạo việc làm cho 9.752 lao động; tạo điều kiện cho 1.623 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập; xây dựng hơn 32 nghìn công trình cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nông thôn; hỗ trợ xây dựng 17 căn nhà ở xã hội.
Vốn tín dụng chính sách đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân, đặc biệt là tầng lớp dân cư có thu nhập thấp; góp phần tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao sức sản xuất hàng hóa, cải thiện đời sống, ổn định trật tự xã hội tại địa phương; ngăn chặn nạn cho vay lãi nặng, giảm tỷ lệ hộ nghèo, giảm tỷ lệ thất nghiệp; thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững, xây dựng nông thôn mới; bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị, trật tự xã hội, an ninh quốc phòng tại địa phương.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh – Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh, ông Dương Văn Thắng, đề nghị Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh Tây Ninh và Ban đại diện các huyện, thị xã, thành phố, từ nay đến cuối năm 2024, cần tập trung xử lý nợ đến hạn, nợ quá hạn; trong đó trọng tâm là hoạt động thu nợ, thu lãi; tập trung củng cố, nâng cao chất lượng tín dụng, giảm nợ xấu, tích cực huy động, khai thác các nguồn vốn đáp ứng kịp thời nhu cầu vay cho đối tượng thụ hưởng.
Cụ thể, tham mưu cho cấp ủy, chính quyền triển khai hiệu quả chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn; tổ chức điều tra kịp thời đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo làm cơ sở cho Ngân hàng Chính sách xã hội giải ngân, đảm bảo 100% đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo đủ điều kiện và có nhu cầu vay vốn đều được tiếp cận vốn tín dụng chính sách. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chương trình tín dụng chính sách và hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Cùng đó, chỉ đạo thực hiện đầy đủ, hiệu quả phần công việc được ủy thác; tăng cường kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất đối với các đơn vị nhận ủy thác cấp dưới; kiểm tra, nắm chắc tình hình sử dụng vốn của người vay; đôn đốc thu hồi nợ đến hạn, đặc biệt là xử lý nợ quá hạn, lãi tồn đọng.
Đồng thời, các đơn vị chức năng cần làm tốt khâu tư vấn, hướng dẫn sử dụng vốn; xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất, kinh doanh giỏi, đảm bảo việc xử lý nợ đúng đối tượng, công bằng, khách quan theo đúng quy định của pháp luật; theo dõi, nắm bắt tình hình thiên tai xảy ra ở địa phương để kịp thời hỗ trợ hộ nghèo và đối tượng chính sách khác ổn định đời sống và sản xuất kinh doanh.
Trong 9 tháng năm 2024, tổng doanh số cho vay từ các chương trình tín dụng ưu đãi địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt trên 1.030 tỷ đồng; doanh số thu nợ là trên 673 tỷ đồng. Tổng dư nợ các chương trình tín dụng đạt trên 4.353 tỷ đồng, đạt 98,3% kế hoạch năm 2024./.