Là những tổ chức chính trị-xã hội được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ đồng hành, sát cánh cùng Ngân hàng Chính sách xã hội những năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ và Hội Nông dân thành phố luôn nỗ lực, phát huy vai trò, trách nhiệm của tổ chức hội góp phần phát huy hiệu quả kênh dẫn vốn chính sách tới hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Nhờ đó, nhiều mô hình hay, hiệu quả được hình thành với sự “trợ lực” từ nguồn tín dụng chính sách xã hội.
Đơn vị ủy thác có nợ quá hạn thấp nhất
Chung tay với Ngân hàng Chính sách xã hội 10 năm qua, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ luôn là một trong những tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ ủy thác với 42.906 hộ vay vốn; số dư nợ cao nhất gần 1.940 tỷ đồng, chiếm gần 46% tổng dư nợ ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội.
Là chủ hộ kinh doanh nhỏ các mặt hàng hộp quà tặng được làm thủ công, chị Đặng Phương Diễm Chi, phường An Hòa, quận Ninh Kiều cho biết, chị làm hộp quà tặng được hơn 10 năm nhưng trước đây chỉ làm nhỏ lẻ, mỗi tháng chỉ làm khoảng vài trăm sản phẩm. Gần 3 năm nay, nhờ Hội Phụ nữ phường An Hòa giới thiệu, chị Diễm Chi tiếp cận được vốn vay từ chương trình giải quyết việc làm của Ngân hàng Chính sách xã hội, mở rộng quy mô sản xuất đáp ứng các đơn hàng sỉ với số lượng lớn từ 1.000 - 2.000 sản phẩm. Công việc ổn định, nguồn thu nhập của chị Diễm Chi cũng tăng lên; đồng thời, giúp tạo việc làm thêm cho nhiều phụ nữ nhàn rỗi ở địa phương.
Nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội ngày càng đi vào thực chất đã hỗ trợ cho các mô hình của phụ nữ phát triển kinh tế thành công; giúp hàng nghìn phụ nữ có cơ hội thể hiện khả năng sáng tạo, làm giàu cho bản thân, giúp ích cho cộng đồng, xã hội, tạo hiệu ứng, lan tỏa trong hội viên phụ nữ toàn thành phố. Một số mô hình tiêu biểu do phụ nữ làm chủ sản xuất, kinh doanh hiệu quả, thu hút đông lao động, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương như: Mô hình Phụ nữ sản xuất sạch - an toàn, Hợp tác xã vườn cây ăn trái, Hợp tác xã nông sản Trung Nhứt, Hợp tác xã nông nghiệp Nam Vy, Tổ hợp tác may gia công tại Bình Thủy…
Để có được kết quả trên, theo bà Lê Thị Thúy Hằng, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố, các cấp Hội trên địa bàn đã tập trung triển khai Chỉ thị 40-CT/TW, tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của thành viên vay vốn, hạn chế tư tưởng trông chờ, ỷ lại của hội viên, phụ nữ nghèo. Nhờ vậy, so với các đơn vị nhận ủy thác, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố là tổ chức hội nhận ủy thác có nợ quá hạn thấp nhất.
Hằng năm, các cấp Hội xây dựng kế hoạch cụ thể hóa các chương trình của Thành ủy, UBND thành phố về công tác tín dụng chính sách xã hội, tổ chức quán triệt nội dung kế hoạch sâu rộng tới 100% cơ sở hội, thông qua các buổi giao ban định kỳ và sinh hoạt chi, tổ hội, lồng ghép, gắn kết chặt chẽ với nhiệm vụ hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế và phong trào thi đua phù hợp ở từng nhiệm kỳ.
Bên cạnh đó, các cấp Hội cũng gắn hoạt động vay vốn với vận động tiết kiệm tự nguyện. Hiện nay, số dư tiết kiệm của Hội đạt gần 199 tỷ đồng; có 42.096 hộ gửi tiết kiệm, đạt 100% số hộ, 100% tổ tiết kiệm và vay vốn tham gia.
"Hoạt động tiết kiệm là giải pháp căn cơ không chỉ giáo dục ý thức, thói quen tốt mà còn giảm gánh nặng trả nợ gốc, hạn chế nguy cơ mất khả năng thanh toán nợ, tăng thêm nguồn vốn cho vay tại cộng đồng. Thông qua mô hình tổ nhóm vay vốn, các cấp hội đã lồng ghép các hoạt động phong trào hội tại địa phương, đưa những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, của Hội để lồng ghép vào nội dung sinh hoạt của các tổ vay vốn", Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố Cần Thơ cho biết.
Sử dụng hiệu quả vốn vay
Thời gian qua, dư nợ do Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh Cần Thơ ủy thác cho Hội Nông dân thành phố quản lý không ngừng tăng lên: Năm 2014, số dư nợ là 521 tỷ đồng, đến nay là gần 1.490 tỷ đồng, tăng 186%. Ngoài ra, năm 2014, số dư tiết kiệm trên 16 tỷ đồng, đến năm 2024 tăng lên 130 tỷ đồng. Trong khi đó, nợ quá hạn giảm qua các năm. Năm 2014 số tiền nợ quá hạn khoảng 3,9 tỷ đồng, đến năm 2024, số nợ quá hạn chỉ còn 3,3 tỷ đồng.
Nguồn vốn tín dụng chính sách được ủy thác qua Hội Nông dân đã giúp cho hàng chục nghìn lượt hộ vay vốn là hội viên nông dân nghèo, cận nghèo, các đối tượng chính sách có vốn đầu tư phát triển sản xuất - kinh doanh; xây dựng nhà ở; xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh; trang trải chi phí học tập cho học sinh - sinh viên,…
Theo ông Nguyễn Hoàng Vũ, Chủ tịch Hội Nông dân xã Thới Đông (huyện Cờ Đỏ), địa phương thường xuyên phối hợp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện rà soát, đánh giá và lập hồ sơ đề nghị xử lý nợ rủi ro kịp thời đối với các trường hợp bị rủi ro do nguyên nhân khách quan đủ điều kiện xử lý. Hiện, dư nợ do Hội Nông dân xã Thới Đông quản lý trên 23,6 tỷ đồng, tăng gần 12,4 tỷ đồng so với cuối năm 2014; không có nợ quá hạn.
Qua nhiều năm gắn bó với công tác ủy thác, Hội Nông dân xã Thới Đông nhận thấy, việc củng cố và nâng cao chất lượng hoạt động ủy thác là rất quan trọng và cần thiết. Chất lượng hoạt động ủy thác tốt thể hiện sự hiệu quả của nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội mang lại.
Từ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, nhiều hội viên nông dân ở Cần Thơ tập trung sản xuất, phát triển kinh tế. Trong các cấp Hội đã xuất hiện nhiều mô hình sản xuất có hiệu quả. Điển hình như: chị Nguyễn Thị Nhung (ấp Nhơn Lộc 2, thị trấn Phong Điền) vay 50 triệu làm mô hình trồng sầu riêng, diện tích 4.000m2 cho thu nhập 150 triệu đồng/năm; anh Huỳnh Văn Tuấn, phường Ba Láng, quận Cái Răng vay 45 triệu đồng, hiện bán tạp hóa, thu nhập 100 triệu đồng/năm; chị Nguyễn Thị Lệ, phường Thuận Hưng, quận Thốt Nốt vay 50 triệu đồng chăm sóc vườn nhãn cho thu nhập trên 120 triệu đồng/năm;…
Sau 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW, bà Trần Thị Thiên Thư, Phó Chủ tịch Hội Nông dân thành phố cho biết, các cấp Hội đã thực hiện đầy đủ nội dung ủy thác, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Cần Thơ làm tốt việc tư vấn, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng các mô hình sản, xuất kinh doanh hiệu quả; đồng thời, phối hợp cơ quan chức năng trong thực hiện chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp hộ vay vốn sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.
Tuy số vốn hội viên vay không lớn (từ 20 - 100 triệu đồng/hộ) nhưng qua thời gian sản xuất, kinh doanh đã giải quyết được việc làm tại địa phương, hỗ trợ một phần khó khăn về tài chính cho nông dân, phụ nữ. Từ đó tạo giá trị gia tăng của đồng vốn vay, giảm được tình trạng “tín dụng đen”, góp phần tăng trưởng kinh tế, giảm số hộ nghèo, đảm bảo an sinh xã hội. Qua đó thể hiện tính nhân văn của Đảng và Nhà nước cũng như nâng cao năng lực quản lý tài chính tín dụng của cán bộ Hội Nông dân.
Từ những việc làm thiết thực, các cấp Hội Nông dân, Phụ nữ tại thành phố Cần Thơ đã góp phần thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội theo Chỉ thị số 40-CT/TW, giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo, đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.