Tạo động lực thoát nghèo
Nhôn Mai là một trong những xã biên giới, khó khăn của huyện Tương Dương, tỉnh Nghệ An. Nhằm giúp đồng bào phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, cuối năm 2022, Đồn Biên phòng Nhôn Mai phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc huyện triển khai xây dựng mô hình sinh kế quân dân kết hợp.
Bên cạnh việc hỗ trợ con giống, đơn vị cắt cử cán bộ, chiến sỹ giúp đỡ, hỗ trợ người dân xây dựng chuồng, trại, bám sát hướng dẫn kỹ thuật. Các hộ khi được lựa chọn tham gia sẽ ký cam kết để phát huy tinh thần trách nhiệm lao động sản xuất và đảm bảo quyền lợi chính đáng. Theo thống nhất, hộ gia đình trực tiếp tham gia sẽ được hưởng 50% lợi nhuận từ việc bán sản phẩm chăn nuôi, số tiền còn lại sẽ được Đồn thu lại để tái đầu tư và hỗ trợ các hộ dân khác.
Là một trong những gia đình được hưởng lợi từ mô hình, chị Vi Thị Nhung ( xã Mai Sơn, huyện Tương Dương) cho biết, cách đây một năm gia đình chị được Đồn biên phòng Nhôn Mai hỗ trợ 12 con dê giống thực hiện mô hình quân dân kết hợp. Được bộ đội tận tình giúp đỡ, cộng với sự chăm sóc, bảo vệ tốt, đàn dê của gia đình phát triển rất tốt. Đến nay, số lượng dê tăng lên gấp đôi. Theo cam kết, chị được một nửa số dê con mới sinh. Đây sẽ là tài sản lớn nhất của gia đình. Hy vọng rằng, mô hình chăn nuôi, kết hợp này sẽ được nhân rộng, để những gia đình nghèo có nguồn lực phát triển kinh tế, tăng thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Một hộ nghèo khác ở xã ven biển Diễn Hải (huyện Diễn Châu) cũng tìm được hướng đi mới thoát nghèo là gia đình bà Nguyễn Thị Nhậm. Là hộ đơn thân, phải chăm sóc bố mẹ già, cuộc sống của chị Nhậm gặp rất nhiều khó khăn. Trước hoàn cảnh đó, đầu năm 2023, Đồn Biên phòng Diễn Thành quyết định hỗ trợ gia đình chị hai con lợn nái, đồng thời cắt cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc.
Chị Nhậm cho biết, bản thân may mắn được Bộ đội Biên phòng hỗ trợ 2 con lợn nái. Sau thời gian chăm sóc, hai con lợn nái sinh được 15 lợn con. Vừa qua, chị xuất bán lứa lợn đầu tiên thu về hơn 10 triệu đồng. Đây là số tiền lớn giúp chị trang trải cuộc sống cho gia đình đỡ khó khăn hơn.
Thắt chặt tình đoàn kết quân dân
Theo Thiếu tá Nguyễn Cảnh Sỹ, Chính trị viên Đồn Biên phòng Diễn Thành (huyện Diễn Châu), trong những năm qua, ngoài nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vững chắc chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, Đồn Biên phòng Diễn Thành còn triển khai nhiều hoạt động về xây dựng địa bàn, trong đó trọng tâm là giúp người dân 8 xã vùng ven biển phát triển kinh tế - xã hội.
Để triển khai xây dựng các mô hình có hiệu quả, Đồn phối hợp với cấp ủy, chính quyền địa phương khảo sát lựa chọn hộ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; trực tiếp cùng các hộ đi tham quan các mô hình về chăn nuôi, trồng trọt trên địa bàn để lựa chọn mô hình thích hợp. Khi triển khai, đơn vị tiếp tục cắt cử cán bộ, chiến sỹ xuống cơ sở hỗ trợ xây dựng chuồng trại, làm đất và hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc. Nhờ vậy, năm 2023, mô hình chăn nuôi lợn nái đen sinh sản và mô hình trồng rau quả sạch trong nhà kính được triển khai thành công.
Đại tá Dương Hồng Hải, Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An cho biết, thời gian qua Bộ Chỉ huy đã phân công gần 800 cán bộ, chiến sỹ tham gia giúp dân phát triển các mô hình kinh tế ở khu vực biên giới. Các mô hình kinh tế phát huy hiệu quả không chỉ giúp đồng bào nghèo có động lực phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo mà còn góp phần thắt chặt tình đoàn kết quân dân. Đó cũng là cơ sở, nền tảng để Bộ đội Biên phòng đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội vùng biên giới.
Các hoạt động thiết thực của Bộ đội Biên phòng tỉnh Nghệ An thời gian qua đã góp phần thay đổi bộ mặt kinh tế - xã hội vùng biên giới, từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc nơi biên ải. Đặc biệt, việc triển khai có hiệu quả các mô hình giúp nhân dân phát triển kinh tế đã tạo điều kiện hết sức thuận lợi cho việc huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia.