Tham dự đại diện Tổng Cục du lịch, các doanh nghiệp du lịch và đại diện các tỉnh: Hà Nam, Hải Dương, Hải Phòng, Ninh Bình, Bắc Ninh, Sơn La...
Vừa thiếu vừa yếu
Các doanh nghiệp đã thẳng thắn đưa ra những yếu kém, hạn chế của du lịch Hưng Yên. Dù là địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế như hệ thống di tích cổ, làng nghề, có vị trí nằm gần Thủ đô Hà Nội, có tuyến giao thông Hà Nội - Hải Phòng, tuyến sông Hồng... nhưng các tiềm năng này vẫn còn bỏ ngỏ. Tỉnh vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu để du lịch phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thương mại và du lịch Tầm nhìn Việt cho rằng: Du lịch Hưng Yên dù có tiềm năng, nhưng vừa thiếu vừa yếu. Việc xúc tiến không có sự tham gia của các doanh nghiệp du lịch để chào hàng các sản phẩm mang tính đặc thù của vùng đất Phố Hiến, chưa tạo ra các trải nghiệm du lịch để thu hút, hấp dẫn khách du lịch; hạ tầng du lịch chưa được đầu tư, chưa có các dịch vụ phụ trợ như nhà hàng ăn uống, khu giải trí.
Bà Nguyễn Hằng đại diện Công ty du lịch SilkStar nhận định, Hưng Yên có các làng nghề khá đặc biệt, thu hút hấp dẫn khách như làng nghề đúc đồng Lộng Thượng, tương Bần, hương xạ Cao Thôn, đan đó Thủ Sỹ... Tuy các làng nghề có sản phẩm tốt nhưng không đọng lại ấn tượng đẹp đối với khách tham quan. Cụ thể như hình ảnh đàn gà Đông Tảo bị nhốt trong cũi sắt, người dân làng đan đó Thủ Sỹ ứng xử chưa văn minh khi xin tiền du khách nước ngoài.
Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc công ty Travelogy Vietnam bày tỏ thất vọng khi các điểm du lịch chưa cung cấp thông tin hay, đẹp nhất về Hưng Yên. Các điểm tham quan chưa có các dịch vụ đi kèm, cơ sở hạ tầng chỉ có ít khách sạn đáp ứng tiêu chuẩn 3 sao, 4 sao; nhiều khách sạn đạt dưới mức trung bình. Hưng Yên có các điểm du lịch về nông nghiệp rất tốt, nhưng khách đến chỉ đơn thuần hái quả ăn mà chưa có sự thưởng thức, trải nghiệm các sản phẩm phụ trợ đi kèm giống như các điểm du lịch miệt vườn ở miền Tây Nam Bộ.
Với những hạn chế nói trên, du lịch Hưng Yên chưa tạo ra những điểm đến hấp dẫn, giữ chân du khách. Khách đến Hưng Yên chỉ tham quan mà không được trải nghiệm, nghỉ dưỡng nên chỉ "đến rồi đi". Do vậy nguồn thu từ du lịch không cao, do không có các sản phẩm để bán, không "moi" được tiền từ túi du khách.
Đánh thức tiềm năng du lịch Phố Hiến
Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Giám đốc điều hành Công ty cổ phần thương mại và du lịch Tầm nhìn Việt mong muốn có thêm sự xuất hiện của các doanh nghiệp du lịch tại Hưng Yên. Để các doanh nghiệp lữ hành từ Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh thành trong cả nước giới thiệu thêm điểm đến là Hưng Yên. Các doanh nghiệp cần hấp dẫn du khách bằng các vườn cam, vườn nhãn, khai thác các sản phẩm đặc trưng của Phố Hiến.
Tạo ra các tua du lịch về nông nghiệp ruộng đồng dù rất đơn giản nhưng ý nghĩa. Cần nhìn rõ thế mạnh du lịch Hưng Yên, ngoài du lịch tâm linh nêu khai thác sâu, cung cấp sản phẩm về nông nghiệp để phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng.
Ông Vũ Văn Tuyên, Giám đốc công ty Travelogy Vietnam đề xuất, có thể phát triển 3 mô hình du lịch: xanh, sinh thái, nông nghiệp dựa vào người dân tạo ra du lịch cộng đồng. Cần quy hoạch, xây dựng các khu nghỉ dưỡng du lịch cộng đồng, tạo ra các tua, tuyến du lịch kết nối với các vùng lân cận như Tam Chúc (Hà Nam), Tràng An (Ninh Bình), để Hưng Yên trở thành điểm đến nghỉ chân trước khi đến Hạ Long, Cát Bà...
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hạnh, Liên hiệp khoa học phát triển Du lịch bền vững: cần khai thác các di sản từ quần thể Phố Hiến, Đa Hòa - Dạ Trạch, làng Nôm... không để di sản thành di sản chết như các hiện vật trong bảo tàng. Nhất là việc thổi hồn để các di sản sống lại với giá trị lớn như làng nghề đúc đồng Lộng Thượng gắn với kiến trúc cổ làng Nôm, làng nghề nông nghiệp phát triển thành làng du lịch sinh thái, quần thể Phố Hiến gắn với vùng nhãn lồng đặc sản... Theo đó, cần có chiến lược dài hơi để đầu tư cho các sản phẩm du lịch mang bản sắc đặc trưng của từng vùng.
Ông Hà Văn Sơn, Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch khẳng định, Hưng Yên có nhiều tài nguyên về du lịch, nếu biết khai thác sẽ phát triển tốt. Cần kích cầu để tăng cả về số lượng và chất lượng, có nhiều sản phẩm mới, điểm đến mới đặc sắc hấp dẫn hơn; việc tổ chức các tour du lịch thí điểm mới, liên kết giữa Hưng Yên với các tỉnh trong vùng là rất cần thiết. Cần có chiến lược kinh doanh du lịch mới, tạo chuỗi liên kết, tạo cảm hứng cho du khách.
Theo ông Sơn, Hưng Yên nên đẩy mạnh thu hút doanh nghiệp đầu tư vào du lịch, tạo ra những sản phẩm nổi trội phát triển bền vững. Tổng cục Du lịch sẽ hỗ trợ địa phương về kinh nghiệm quản lý, phát triển sản phẩm du lịch phù hợp với thị hiếu của du khách, giúp địa phương phát huy hết tiềm năng, thế mạnh của vùng đất Phố Hiến để phục hồi khách du lịch nội địa trong giai đoạn hiện nay.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Duy Hưng cho biết, những năm gần đây lượng du khách đến Hưng Yên tăng đều qua các năm, tốc độ tăng trưởng bình quân từ 10 - 15%. Năm 2019, Hưng Yên đón khoảng 1 triệu lượt khách, doanh thu từ du lịch đạt trên 220 tỷ đồng. Tuy nhiên tiềm năng du lịch Hưng Yên vẫn chưa được khai thác hiệu quả.
Tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chuyên môn đây mạnh các hoạt động xúc tiến, quảng bá, giới thiệu về điểm đến du lịch Hưng Yên an toàn, thân thiện để thu hút khách du lịch; tham gia các sự kiện văn hóa du lịch, liên kết tour tại các tỉnh Đồng bằng sông Hồng.