Tái thiết, hợp tác cùng phát triển ở nơi biên cương Tổ quốc

Trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc, Cao Bằng là một địa phương bị tàn phá nặng nề nhất. Tất cả những công trình giao thông, cây cầu, nhà máy, công trình quan trọng và rất nhiều trụ sở cơ quan nhà nước, nhà dân bị phá hủy khiến cho việc tái thiết kinh tế ở tỉnh miền biên giới gặp rất nhiều khó khăn.

Chú thích ảnh
Du khách hào hứng chụp ảnh lưu niệm với cảnh quan thác Bản Giốc. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Ông Nông Văn Bảo, 71 tuổi, cán bộ nghỉ hưu ở phường Hợp Giang, thành phố Cao Bằng nhớ lại: Khi chiến sự nổ ra, tất cả người dân ở thị xã Cao Bằng, trong đó có gia đình ông đều đi sơ tán. Ban đầu, mọi người đều nghĩ đơn giản sơ tán vài ngày rồi trở về, thế nhưng phải hơn 1 tháng sau, tất cả mới có thể về lại nhà. Khi đó, quang cảnh hết sức đau lòng bởi thị xã chỉ còn là một đống hoang tàn, đổ nát. Tất cả các cây cầu vào thị xã đều bị đánh sập, các trụ sở cơ quan, công sở, nhà xưởng, công trình… đều bị phá hủy.

Khi đó, ông Bảo công tác ở ngành Điện lực Cao Bằng. Ngành điện bị thiệt hại nặng nề. Nhà máy thủy điện, hệ thống đường dây, nhà xưởng, máy móc đều bị hư hại. Các ngôi nhà dân to đẹp cũng đều bị đốt, phá. Nhiều hộ sơ tán đến mấy năm sau mới trở về, thậm chí nhiều gia đình không trở về, nhà cửa bỏ hoang. Những tổn thất kinh tế to lớn đó khiến Cao Bằng vốn đã khó khăn lại càng khó khăn hơn. Phải tới hơn 10 năm sau, những cây cầu, nhà xưởng, công trình của Cao Bằng mới được khôi phục hoàn toàn.

Năm 1991, Việt Nam và Trung Quốc bình thường hóa quan hệ và hai bên bắt đầu những bước đi đầu tiên cho việc hợp tác phát triển kinh tế, giao lưu văn hóa. Từ sau năm 2000, giao thương bắt đầu khởi động, nhiều chương trình hợp tác giữa Cao Bằng và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) được thúc đẩy.

Sau khi Việt Nam và Trung Quốc hoàn thành phân giới cắm mốc năm 2008, hợp tác, giao lưu kinh tế giữa hai bên bước vào giai đoạn tăng tốc. Hai bên cùng đầu tư nâng cấp các cặp cửa khẩu, lối mở ở khu vực biên giới. Ngoài hợp tác về kinh tế, Cao Bằng và Quảng Tây đẩy mạnh các hoạt động giao lưu, hợp tác về văn hóa, giáo dục, đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới, du lịch…

Ông Phạm Văn Cao, Giám đốc Sở Ngoại vụ Cao Bằng cho biết: Tỉnh có đường biên giới hơn 333 km tiếp giáp với Khu tự trị dân tộc Choang, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc. Với vị trí địa lý này, tỉnh có lợi thế đẩy mạnh phát triển giao thương.

Chú thích ảnh
Đoàn khách Việt Nam nhập cảnh vào Trung Quốc. Ảnh: Chu Hiệu/TTXVN

Những năm qua, Cao Bằng đã duy trì tốt việc mở rộng và củng cố quan hệ hợp tác hữu nghị với Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây về kinh tế, thương mại, đầu tư, du lịch, giáo dục… Các hoạt động đối ngoại của tỉnh luôn có sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với các nội dung đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân, phù hợp với quy chế đối ngoại của Trung ương và của tỉnh, góp phần phát triển quan hệ đối ngoại với các địa phương một số nước trên thế giới.

Tỉnh chỉ đạo nhân dân biên giới đẩy mạnh giao lưu, trao đổi giữa các cấp. Nhiều xóm, xã, thôn, bản biên giới của hai bên thiết lập được cơ chế liên lạc gặp gỡ. Nhiều địa phương tổ chức kết nghĩa cấp huyện (thành phố), xã (trấn), thôn bản biên giới, qua đó thắt chặt tình hữu nghị giữa hai bên. Từ năm 2015 đến nay, tỉnh Cao Bằng ký kết 246 văn bản, thỏa thuận quốc tế với các địa phương, đối tác Trung Quốc.

Về hợp tác kinh tế, đến nay, Khu kinh tế cửa khẩu của tỉnh Cao Bằng thu hút được 76 dự án đầu tư, trong đó 67 dự án đầu tư trong nước với tổng số vốn đăng ký đầu tư trên 14.000 tỷ đồng và 9 dự án đầu tư nước ngoài với số vốn đăng ký là 36,8 triệu USD. Năm 2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ Cao Bằng đi Trung Quốc đạt trên 900 triệu USD.

Hai bên đang thúc đẩy kết nối giao thông vận tải đường bộ quốc tế từ các tỉnh Tây Nam của Trung Quốc như Trùng Khánh, Tứ Xuyên, Quý Châu qua Bách Sắc (Trung Quốc) kết nối với Cao Bằng - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng (Việt Nam).

Về du lịch, Cao Bằng và Quảng Tây kết nối nhiều tour, tuyến du lịch giữa hai bên. Đặc biệt, hai bên đã chính thức đưa vào vận hành khai thác chung Khu cảnh quan thác Bản Giốc (Việt Nam) - Đức Thiên (Trung Quốc), trở thành một hình mẫu về hợp tác khai thác du lịch ở vùng biên giới.

Từ năm 2015 đến nay, Cao Bằng đã cử 152 cán bộ, công chức, viên chức, học sinh của tỉnh sang học tại các trường đại học tại Quảng Tây theo chương trình học bổng; cử 260 cán bộ, đảng viên của các sở, ban, ngành, đoàn thể đến bồi dưỡng tại Học viện cán bộ Bách Sắc. Đồng thời cử 88 học viên sang học nghề, 2 giảng viên sang làm công tác quản lý và hỗ trợ giảng dạy tiếng Việt tại Trường Kỹ thuật dạy nghề thành phố Tịnh Tây, tỉnh Quảng Tây theo “Thỏa thuận hợp tác giáo dục giữa tỉnh Cao Bằng (Việt Nam) và thành phố Tịnh Tây (Quảng Tây, Trung Quốc)”...

Hai bên cũng thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ biên giới, cửa khẩu theo đúng 3 văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và các thỏa thuận liên quan mà hai bên đã ký kết; phối hợp hiệu quả trong các hoạt động đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên biên giới...  

Cùng với việc xây dựng biên giới hòa bình, ổn định, hợp tác phát triển, Cao Bằng đã có nhiều tiến bộ về kinh tế, xã hội, nâng cao đời sống người dân. Năm 2024, tốc độ tăng trưởng 6,74%, tổng thu ngân sách nhà nước đạt trên 2.500 tỷ đồng, thu nhập bình quân trên 45 triệu đồng, bộ mặt nông thôn và các đô thị ngày càng đổi mới, phát triển.

Quốc Đạt (TTXVN)
Xây dựng giao thông kết nối các cao tốc tại Cao Bằng, Lạng Sơn
Xây dựng giao thông kết nối các cao tốc tại Cao Bằng, Lạng Sơn

Sau khi thị sát công trường thi công các dự án cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh và cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng, trên địa bàn hai tỉnh Cao Bằng và Lạng Sơn, chiều tối cùng ngày, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã làm việc với lãnh đạo các bộ, ngành, và hai tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng cùng các nhà đầu tư, nhà thầu thi công để tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy triển khai các dự án.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN