Sức sống mới ở Cù lao Tân Phong

Tân Phong (huyện Cai Lậy) là tên gọi quần thể cù lao nằm phía thượng lưu sông Tiền, có vị trí đắc địa, án ngữ ngã ba đường thủy huyết mạch giao thương giữa ba tỉnh Đồng Tháp, Vĩnh Long và Tiền Giang.

Từ lâu, về Tiền Giang, nhắc đến Tân Phong người ta liên tưởng ngay đến những vườn cây ăn quả bạt ngàn, mang lại cho nông dân miệt vườn sông nước nơi đây nguồn lợi lớn. 

Chú thích ảnh
Đoạn bờ kè đã hoàn thành, tạo diện mạo mới cho vùng đất cù lao sông nước Tân Phong.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Tân Phong Trần Văn Nhịn, xã có gần 1.300 ha vườn trồng cây ăn quả đặc sản chuyên canh, trong đó chủ lực gồm trên 678 ha sầu riêng, 205 ha chôm chôm, gần 150 ha nhãn, hơn 100 ha mít, còn lại là các cây trồng khác. Chôm chôm, sầu riêng, mít… Tân Phong ngon nổi tiếng và luôn được thị trường ưa chuộng. Hàng năm, sản lượng trái cây các loại đạt trên 25.500 tấn quả tham gia thị trường.

Gần đây, cây mít mang lại nguồn thu nhập lớn cho nông dân. Chị Nguyễn Thị Hai có 2.000 m2 mít Thái chuyên canh trên đất cù lao cho biết, sau Tết Nguyên đán, giá mít tăng mạnh, có lúc lên đến 38.000 - 40.000 đồng/kg, người trồng mít lãi cao. Trung bình mỗi năm, vườn mít của gia đình chị cho thu nhập hàng trăm triệu đồng.

Ngoài vườn quả chuyên canh là xương sống của nền sản xuất nông nghiệp địa phương, các tiềm năng về nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… đang được đánh thức giúp người dân tạo dựng cơ nghiệp. Tổng đàn lợn của xã đạt gần 1.000 con, đàn gia cầm gần 14.000 con chưa kể bò, dê, thỏ… Đặc biệt, với lợi thế địa bàn sông nước, nghề nuôi thủy sản nước ngọt phát triển với tổng diện tích mặt nước đưa vào nuôi các loại thủy sản có giá trị kinh tế cao như cá tra, cá ba sa, cá lăng hơ, cá chim trắng… lên đến gần 55 ha. Mỗi năm, Tân Phong đạt sản lượng thủy sản từ nuôi trồng hàng chục ngàn tấn sản phẩm cung ứng thị trường trong nước và phục vụ ngành chế biến xuất khẩu.

Theo lãnh đạo địa phương, kinh tế nông nghiệp góp phần quan trọng, giúp Tân Phong nâng thu nhập bình quân đầu người toàn xã lên trên 50 triệu đồng/người/ năm. Đời sống cải thiện, nhân dân địa phương có điều kiện chung sức xây dựng nông thôn mới. Tân Phong đã huy động nguồn lực trên 166,6 tỷ đồng cho công tác xây dựng nông thôn mới, trong đó riêng nhân dân đóng góp gần 74 tỷ đồng. Nhờ vậy, năm 2019, xã được công nhận đạt chuẩn và ra mắt xã nông thôn mới.

Tuy nhiên, để hội nhập và phát triển một cách bền vững, Tân Phong phải cơ cấu lại nền kinh tế trên cơ sở phát huy thế mạnh nông nghiệp với các vùng chuyên canh cây ăn quả đặc sản vừa chú trọng mở mang ngành nghề, thương mại - dịch vụ, giao thương.

Đón đầu thời cơ và vận hội mới, kinh tế Tân Phong dần chuyển đổi một cách tích cực với sự hình thành hàng trăm cơ sở ngành nghề, thương mại dịch vụ thu hút lao động làm việc vừa góp phần tiêu thụ nông sản cho nông dân. Tân Phong cũng đã đầu tư xây dựng mới chợ trung tâm xã phục vụ buôn bán, giao thương.

Du lịch sinh thái miệt vườn bén rễ trên vùng đất Tân Phong nhờ gắn với các vườn chuyên canh theo hướng khuếch trương thế mạnh du lịch nông nghiệp. Qua đó, cung cấp nhiều dịch vụ đa dạng, phong phú, hấp dẫn du khách chỉ có trên đất cù lao Tân Phong như: Tham quan vườn quả đặc sản, đờn ca tài tử, tát ao bắt cá, thưởng ngoạn đêm trăng miệt vườn sông nước… Theo thống kê, toàn xã hiện có hàng chục điểm du lịch sinh thái, giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động địa phương.

Chị Nguyễn Thị Diễm Phúc, chủ điểm du lịch sinh thái miệt vườn ở ấp Tân Thiện, xã Tân Phong cho biết, những ngày cao điểm, nơi đây đón hàng trăm lượt du khách/ngày. Theo chị Diễm Phúc, du khách rất thích thú khi vãn cảnh cù lao, tham quan vườn cây ăn quả trái, tìm hiểu sinh hoạt người dân sở tại, thưởng thức ẩm thực cồn bãi và tận hưởng những đêm trăng cù lao đầy thi vị… Đó là những yếu tố níu kéo ngày càng nhiều du khách đến với cù lao Tân Phong. 

Nhận thấy tầm quan trọng của du lịch sinh thái đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội xã cù lao, Tiền Giang đang triển khai Đề án phát triển du lịch Tân Phong với tổng kinh phí lên đến 1.160 tỷ đồng cho giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu đề án nhằm kiện toàn cơ sở hạ tầng phát triển du lịch căn cơ, kết nối với các tuyến, điểm du lịch sinh thái trong toàn tỉnh, tạo thêm sự đa dạng và đặc trưng cho diện mạo du lịch Tiền Giang. Dự kiến, đến năm 2025, các cơ sở lưu trú trên đất cù lao đảm bảo tiếp đón, phục vụ 122.000 lượt du khách/năm.

Trước đó, năm 2020, Tân Phong đầu tư 175 tỷ đồng thực hiện công trình kè chống xói lở bờ sông Tiền kết hợp phục vụ phát triển du lịch. Bờ kè dài 2.000 m là điểm nhấn du lịch trên đất cù lao. Sông nước hữu tình gắn kết với các tuyến điểm du lịch nổi tiếng lâu nay ở Tiền Giang như, làng cổ Đông Hòa Hiệp (Cái Bè), cù lao du lịch Thới Sơn (thành phố Mỹ Tho), cù lao du lịch Ngũ Hiệp (Cai Lậy)… mang lại lợi thế lớn cho sự phát triển của Tân Phong hôm nay.

Tương lai, du lịch sinh thái gắn với nền nông nghiệp hàng hóa trên cù lao xanh sẽ là động lực để Tân Phong phát triển, góp phần đổi mới hơn nữa diện mạo nông nghiệp - nông thôn - nông dân miệt vườn sông nước sau 46 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Xã phấn đấu đến năm 2022 đạt xã nông thôn mới nâng cao và đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2025. Đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người của Tân Phong nâng lên mức tối thiểu 75 triệu đồng/ người/ năm trở lên.

Bài, ảnh: Minh Trí (TTXVN)
Đa dạng hóa hoạt động du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng
Đa dạng hóa hoạt động du lịch sinh thái ở Vườn quốc gia U Minh Thượng

Để từng bước đưa du lịch sinh thái tại Vườn Quốc gia U Minh Thượng (Kiên Giang) phát triển tương xứng với tiềm năng lợi thế của địa phương, trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu khối dịch vụ, Vườn Quốc gia U Minh Thượng tập trung nâng cao chất lượng và đa dạng hóa các hoạt động du lịch.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN