Tranh thủ ngày biển êm, chị Võ Thị Liễu, thôn Phước Thiện, đi tìm thợ máy đào tới giúp gia đình khắc phục hậu quả sóng đánh vào nhà lộ cả phần móng âm, trống hoác. Chị Liễu cho biết, gia đình chị đã bỏ ra 40 triệu đồng để sửa nhà nhưng sóng dữ tiếp tục phá. Vợ chồng chị phải dựng kè tre và đổ cát vào trong, lấp lại khoảng trống lớn để giữ ngôi nhà. “Hai vợ chồng tôi phải tiết kiệm nhiều khoản chi tiêu trong gia đình để có thể trả tiền công thợ bởi chi phí này khá tốn kém”, chị Liễu chia sẻ.
Ngoài việc gia cố bằng cách kè cát, nhiều hộ dân khác còn tính đến phương án bất đắc dĩ là đục, cưa đôi ngôi nhà để phòng khi sóng biển đánh vào chỉ bị mất một nửa.
“Cả đời tằn tiện mới xây được ngôi nhà nên việc phá bỏ như vậy đau lòng lắm. Giờ chỉ mong sao cấp trên xem xét hỗ trợ tái định cư để người dân yên tâm ổn định cuộc sống”, anh Phạm Tri bộc bạch.
Trao đổi về vấn đề này, ông Đỗ Thiết Khiêm, Chủ tịch UBND huyện Bình Sơn cho biết, qua khảo sát, thống kê, có khoảng 15 ngôi nhà ở thôn An Cường và hơn 10 ngôi nhà ở thôn Phước Thiện bị ảnh hưởng nặng do triều cường xâm thực. Trước mắt, UBND huyện đã kiến nghị tỉnh quan tâm, tạo điều kiện bố trí quỹ đất tái định cư để di dời các hộ dân trong vùng sạt lở. Về lâu dài, huyện đề xuất tỉnh, Trung ương cho chủ trương, hỗ trợ nguồn kinh phí xây dựng công trình kè chống sạt lở bờ biển tại khu vực trên.