Sơn La đổi thay không ngừng nhờ vốn tín dụng chính sách

Tỉnh Sơn La đã có những đổi thay tích cực và không ngừng biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, đạt được những thành quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bên vững, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.

Cách đây 20 năm, tỉnh Sơn La là 1 trong 7 tỉnh nghèo nhất cả nước. Toàn tỉnh có đến 88 xã vùng ba, 76 vùng hai thuộc diện đặc biệt khó khăn. Sơn La còn là địa bàn miền núi biên giới phức tạp, có đông đồng bào dân tộc thiểu số cùng chung sống và tỷ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo cao...

Giờ đây, tỉnh Sơn La đã có những đổi thay tích cực và không ngừng biến khó khăn, thách thức thành cơ hội, đạt được những thành quả to lớn trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có việc thực hiện hiệu quả chương trình giảm nghèo bên vững, góp phần cải thiện, nâng cao đời sống của người dân.

Phát huy hiệu quả các chương trình tín dụng chính sách

Xác định nguồn lực lực từ các chương trình tín dụng chính sách giữ vai trò động lực, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương, tỉnh Sơn La đã huy động cả hệ thống chính trị, các cơ quan, ban ngành triển khai thực hiện nhiều biện pháp phù hợp với từng cơ sở, ưu tiên đầu tư vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách phát triển sản xuất, tăng thu nhập, nâng cao đời sống. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh đã giảm từ 21,66% năm 2021 xuống còn 11,11% vào năm 2024, đạt chỉ tiêu đề ra, tỷ lệ hộ nghèo DTTS giảm từ 21,34% năm 2021 xuống còn 10,9% vào cuối năm 2024.

Chú thích ảnh
Cán bộ TDCS ở Sơn La thường xuyên bám địa bàn, hướng dẫn đồng bào dân tộc sử dụng vốn hiệu quả.

Cùng với việc giảm tỷ lệ hộ nghèo xuống còn 11,11%, ba năm qua (2021-2024) dòng vốn tín dụng chính sách ở tỉnh Sơn La đã cho hơn 141.000 lượt khách hàng vay vốn, với tổng số tiền hơn 6.700 tỷ đồng. Trong đó, tập trung vào các chương trình cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, hỗ trợ tạo việc làm và hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn.

Điển hình là vốn tín dụng đã hỗ trợ các huyện nghèo Thuận Châu, Sốp Cộp triển khai đầu tư xây dựng 55 công trình hạ tầng các loại; thực hiện duy tu, bảo dưỡng 85 công trình hạ tầng giao thông, nước sinh hoạt, thủy lợi, nhà văn hóa, cầu treo…Nhờ đó, cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các huyện nghèo ngày càng được củng cố, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.

Chú thích ảnh
Cán bộ TDCS ở Sơn La thường xuyên bám địa bàn, hướng dẫn đồng bào dân tộc sử dụng vốn hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND huyện Thuận Châu, ông Lê Hồng Phong, cho biết: Từ nguồn vốn chính sách, huyện đã tập trung trọng tâm, trọng điểm đầu tư công trình đường giao thông liên xã Long Hẹ - Phổng Lập với chiều dài 13,72km, nhằm kết nối đồng bộ hạ tầng giao thông giữa các xã trên địa bàn, bảo đảm giao thông thông suốt, phục vụ việc đi lại của nhân dân, tạo động lực phát triển vùng sản xuất nông nghiệp; đồng thời tạo thuận lợi cho việc thông thương hàng hóa từ miền núi về đồng bằng, thành phố, qua đó khơi dậy ý chí vươn lên thoát nghèo, dựng xây cuộc sống no đủ, tươi sáng trong đồng bào DTTS.

Nhờ sự triển khai quyết liệt, đồng bộ các chương trình chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững, trong đó có Nghị định 78/2002/NĐC-CP về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác, đặc biệt có chỉ thị số 40-CT/TW của Ban Bí thư “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội”, đã tạo bước chuyển biến mới cho toàn bộ hoạt động tín dụng chính sách.

Bí thư chi bộ Đảng kiêm Giám đốc Ngân hàng chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh Sơn La, ông Hoàng Xuân Trường, cho biết: Từ năm đầu thành lập (2003) đến nay, toàn đơn vị luôn đồng tâm, nhất trí cao tham gia thực hiện công cuộc giảm nghèo nhanh bền vững của địa phương, thông qua những việc làm đồng bộ, cụ thể như: Tập trung huy động mọi nguồn lực, tổ chức chuyển tải kịp thời, an toàn các nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước tới đúng đối tượng được vay vốn.

Đơn vị cũng luôn nhận được sự quan tâm, chỉ đạo sát sao của lãnh đạo tại địa bàn cho toàn bộ hoạt động của tín dụng chính sách, nổi bật là cùng với việc phổ biến, quán triệt sâu rộng Chỉ thị số 40-CT/TW đến các tầng lớp cán bộ, đảng viên trong tỉnh; chính quyền từ tỉnh đến huyện, xã đã ưu tiên bổ sung nguồn vốn ngân sách chuyển sang NHCSXH để cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác có điều kiện phát triển sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm, tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Hàng năm, căn cứ vào tình hình thực tế và khả năng cân đối ngân sách của địa phương, UBND tỉnh và các huyện thị xã, thành phố đã dành một phần ngân sách từ nguồn chi thường xuyên để ủy thác cho NHCSXH bổ sung nguồn vốn cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Đến nay, tổng nguồn vốn ủy thác đạt hơn 280 tỷ đồng; nâng nguồn vốn của NHCSXH tại địa bàn lên 7.246 tỷ đồng, tăng 427 tỷ đồng so với 31/12/2024.

Liên tục 22 năm qua, nhất là sau hơn 10 năm thực hiện Chỉ thị 40, những cán bộ tín dụng chính sách miền núi Sơn La đã tạo điều kiện cho người dân vay được vốn dễ dàng, nhanh chóng. NHCSXH cũng đã tập trung xây dựng, củng cố nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống Điểm giao dịch xã và mạng lưới 3.769 Tổ Tiết kiệm và vay vốn tại các bản làng, tổ dân phố. 

Đồng bào dân tộc ngày càng tin yêu NHCSXH

Tính đến 31/5/2025, nguồn vốn tín dụng chính sách đã cho vay được 13.691 lượt khách hàng, trong đó tập trung cho vay các chương trình như: Hộ nghèo được 2.825 lượt khách hàng, hộ cận nghèo 1.475 lượt khách hàng, hộ mới thoát nghèo 757 lượt khách hàng, cho vay hộ gia đình sản xuất kinh doanh tại vùng khó khăn 3.858 lượt khách hàng, chương trình cấp nước sạch và vệ sinh môi tường nông thôn 3.032; 2 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn, số lao động được tạo việc làm 1.649 lao động, 6.060 công trình nước sạch và vệ sinh được xây dựng, 36 người lao động đi xuất khẩu lao động nước ngoài…

Đầu tư phát triển chăn nuôi được 26.524 con trâu, bò; hơn 12.000 con lợn sinh sản và lợn thịt, đầu tư trên 7.000 triệu đồng chăn nuôi gia súc, gia cầm, chăn nuôi thủy sản; trồng cây ăn quả và cải tạo vườn tạp trên 35.000 ha; mua máy móc và công cụ lao động đầu tư cho sản xuất kinh doanh, hoạt động dịch vụ, buôn bán khác…. 22.364 triệu đồng. Qua đó, đã tiếp tục góp phần hiệu quả trong công cuộc giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới và bảo đảm an sinh xã hội tại địa phương.

Chú thích ảnh
Người dân Sơn La sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế.

Cán bộ tín dụng NHCSXH huyện Thuận Châu đã phối hợp với chính quyền, đoàn thể địa phương triển khai nhiều chương trình tín dụng ưu đãi, giúp người dân tiếp cận vốn, thay đổi phương thức sản xuất. Nhờ sự triển khai hiệu quả các dòng vốn chính sách, nhiều hộ nghèo phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống .

Năm 2024, toàn huyện có 38 dự án được vốn ưu đãi nuôi bò sinh sản, với tổng số bò dự kiến hỗ trợ là 3.800 con. Trong đó, có 24 dự án, triển khai ở 13 xã và số bò dự tính hỗ trợ 2.000.

Ông Cà Văn Tương, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Song, xã Chiềng La, cho biết: Bản có 93 hộ, chủ yếu là người dân tộc Thái và  dân tộc La Ha. Tháng 2/2025, 50 hộ dân tộc La Hacủa bản đã được vay vốn ưu đãi, đầu tư nuôi 50 con bò giống, bà con rất phấn khởi, tích cực chăm sóc vật nuôi để tăng thu nhập, cải thiện cuộc sống.

Chú thích ảnh
Người dân Sơn La sử dụng hiệu quả vốn tín dụng chính sách để phát triển kinh tế.

Tại huyện Quỳnh Nhai, từ năm 2021 đến nay, huyện đã động viên đồng bào các dân tộc mạnh dạn vay vốn ưu đãi, sử dụng vốn vay đầu tư nuôi gia súc, cá lồng, trồng cây ăn quả và dược liệu. Gia đình anh Toàng Văn Thần, bản Khang, xã Ma Pha Khinh, trước đây thuộc diện hộ nghèo. Năm 2021, gia đình anh được vay vốn từ NHCSXH mua 4 con bò sinh sản. Cùng với đó, gia đình trồng gần 1 ha ngô lấy nguồn thức ăn nuôi 6 con dê, 2 con lợn nái.

“Sau 3 năm, đàn bò đã tăng lên 8 con. Nhờ có nguồn vốn vay, năm 2024 gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo có nhà ở khang trang và có tiền chăm lo cho hai con ăn học”, anh Thần chia sẻ.

Nguồn vốn tín dụng chính sách của NHCSXH đã và đang là “trụ cột” trong thực hiện các Chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế xã hội, giảm nghèo bền vững của tỉnh Sơn La. Đồng bào các dân tộc ngày càng tin tưởng vào chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đồng thời thêm tin yêu đội ngũ cán bộ tín dụng chính sách.

NHCSXH Sơn La đang tiếp tục thực hiện Chỉ thị 39-CT/TW ngày 30/10/2024 của Ban Bí thư về nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách trong giai đoạn mới, góp phần thiết thực đưa tỉnh vùng núi cao phát triển toàn diện, mạnh mẽ giữa miền Tây Bắc bao la phồn vinh.

Minh Uyên
Tân Sơn đổi thay tích cực nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách
Tân Sơn đổi thay tích cực nhờ nguồn vốn tín dụng chính sách

Ngày mới thành lập, cơ sở vật chất của huyện Tân Sơn còn rất tạm bợ, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Ấy vậy mà chưa đến hai thập niên, Tân Sơn đã có những đổi thay tích cực, từ một huyện nghèo, sinh sau đẻ muộn đã phát triển nhanh, mạnh và bền vững. Diện mạo làng quê khởi sắc, đời sống người dân được nâng lên rõ rệt, đặc biệt ở những xã, xóm vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ

Các đơn vị thông tin của TTXVN