Dự án do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Sóc Trăng làm chủ đầu tư và sẽ được triển khai trên 4 địa bàn gồm thị xã Vĩnh Châu, huyện Cù Lao Dung, huyện Mỹ Xuyên và huyện Trần Đề, trong thời gian 4 năm, từ quý II/2023 đến quý II/2027.
Mục tiêu của dự án nhằm tăng cường quản lý ngành thủy sản và gia tăng giá trị sản phẩm thông qua nâng cấp cơ sở hạ tầng thông minh.
Theo đó, mục tiêu cụ thể cho từng hợp phần của dự án là đầu tư, nâng cấp các bến cá để vận hành với điều kiện vệ sinh an toàn; tăng khu tránh trú bão bảo vệ an toàn tàu thuyền trong khai thác thủy sản. Đối với nuôi trồng thủy sản, dự án sẽ tăng diện tích nuôi tôm áp dụng công nghệ cao, tiên tiến; xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị cho vùng nuôi, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số, phục vụ nuôi trồng và khai thác hải sản, bảo vệ nguồn lợi hải sản hiệu quả, bền vững.
Để đạt được các mục tiêu trên, ngành nông nghiệp Sóc Trăng đang tập trung những hộ nuôi tôm nhỏ lẻ thành các hợp tác xã, tổ hợp tác, hợp tác thành các vùng sản xuất nguyên liệu lớn liên kết với doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào gắn với thị trường tiêu thụ theo chuỗi giá trị. Đặc biệt chú trọng phối hợp giữa các bên gồm Nhà nước, người sản xuất, doanh nghiệp, hiệp hội. Đồng thời, tiếp tục hướng tới việc sản xuất an toàn và trách nhiệm theo các quy chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC để nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường tiêu thụ.
Trên thực tế, trong những năm gần đây, nghề khai thác nuôi trồng và chế biến thủy sản ở Sóc Trăng phát triển khá nhanh, nhất là lĩnh vực nuôi trồng đã áp dụng công nghệ kỹ thuật cao, nuôi sinh thái, nuôi tôm ao nổi, bạt đáy đem lại hiệu quả cao cho người nuôi cũng như giá trị gia tăng so với cách nuôi quảng canh, truyền thống trước đây.
Trong nuôi trồng thủy sản, năm 2021, tỉnh Sóc Trăng thành công lớn với sản lượng tôm nuôi nước lợ ước đạt gần 190.000 tấn/năm. Cùng với sự quan tâm chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng, các doanh nghiệp và người nuôi tôm đã chung tay phát huy thế mạnh địa phương, vượt qua những khó khăn trong những năm đầu phát triển “nghề nuôi tôm”. Tỉnh đã từng bước hình thành các vùng nuôi tôm quy mô lớn và chuyển dần hình thức nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao, từ đó sản lượng tôm nuôi tăng vượt trội so với nuôi tôm truyền thống.
Để phát triển thủy sản thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, sản xuất hàng hóa lớn gắn với công nghiệp hóa - hiện đại hóa, phát triển bền vững và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; Ủy ban nhân dân tỉnh Sóc Trăng đã ban hành Kế hoạch số 140/KH-UBND về Thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Theo đó, Sóc Trăng phấn đấu đến năm 2025, tổng sản lượng thủy sản đạt 417.000 tấn; sản lượng thủy sản nuôi đạt 342.300 tấn (tôm nước lợ 233.800 tấn, thủy sản khác 108.500 tấn), sản lượng khai thác thủy sản đạt 74.700 tấn.
Theo ông Vương Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt hơn 1 tỷ USD và trong 9 tháng năm nay, xuất khẩu thủy sản của tỉnh ước đạt trên 800 triệu USD. Đặc biệt, Sóc Trăng đã từng bước hình thành các vùng nuôi tôm quy mô lớn và chuyển dần hình thức nuôi tôm truyền thống sang nuôi tôm công nghệ cao.
Tỉnh Sóc Trăng cũng rất quan tâm đến cơ giới hóa sản xuất nuôi trồng và khai thác thủy sản nhằm phát triển thủy sản một cách bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu.