Sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu quả để nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân

Ngày 29/2, Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng giám sát chuyên đề việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023 tại quận Ngô Quyền và huyện Thủy Nguyên.

Chú thích ảnh
Lãnh đạo UBND quận Ngô Quyền báo cáo tình hình triển khai của địa phương.

Tại buổi giám sát, đại diện lãnh đạo 2 địa phương và các đơn vị liên quan báo cáo đoàn giám sát một số nội dung, tập trung vào việc sắp xếp, tổ chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập, quản lý biên chế và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy mạnh cung ứng dịch vụ sự nghiệp công theo cơ chế thị trường, thực hiện cơ chế tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập và một số nội dung khác.

Đánh giá chung về tình hình triển khai tại quận Ngô Quyền, ông Đặng Văn Khởi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận cho biết, việc thực hiện chính sách pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập tại địa phương được tổ chức triển khai nghiêm túc. Công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện bài bản, sâu rộng, tạo sự đồng thuận trong toàn hệ thống chính trị xã hội. Cán bộ, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc thực hiện đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập.

Trong giai đoạn 2018 - 2023, Ủy ban nhân dân quận đã giảm từ 42 đơn vị sự nghiệp công lập xuống còn 36 đơn vị và dự kiến tiếp tục sắp xếp, giảm đầu mối trong giai đoạn tiếp theo khi thực hiện chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã.

Số lượng người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập đảm bảo theo quy định và cơ bản phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ của quận. Các đơn vị sự nghiệp công lập đã thực hiện sắp xếp theo chủ trương của Trung ương, chỉ đạo của thành phố hoạt động ổn định, bước đầu phát huy lợi thế từ việc sắp xếp.

Chú thích ảnh
Đoàn giám sát tại UBND huyện Thủy Nguyên. 

Đại diện lãnh đạo huyện Thủy Nguyên cũng có những đánh giá tương tự. Theo ông Uông Minh Long, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, Thủy Nguyên đã quán triệt, thực hiện tốt công tác tuyên truyền đến các cấp ủy, cơ quan, địa phương, đơn vị, tạo sự đồng thuận, thống nhất cao trong cán bộ, đảng viên, viên chức và người lao động về quan điểm, chủ trương, mục tiêu và giải pháp về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

Cùng với đó, huyện đã chỉ đạo rà soát, sắp xếp, kiện toàn, tinh gọn đầu mối bên trong các tổ chức gắn với tinh giản biên chế, cơ cấu lại và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, viên chức, xác định vị trí việc làm một cách khoa học, sát thực tế. Huyện thực hiện sáp nhập, giải thể các đơn vị theo đúng chỉ đạo của thành phố và quy định của pháp luật.

Giai đoạn 2018 - 2023, huyện Thủy Nguyên đã sắp xếp, sáp nhập, giảm 13 đơn vị sự nghiệp, giảm được 13 người đứng đầu đơn vị sự nghiệp, số lượng cấp phó giảm 10 người.

Bên cạnh kết quả đạt được, nhiều đại biểu cho rằng việc thực hiện đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả của các đơn vị sự nghiệp công lập cũng có nhiều trở ngại, bởi việc sắp xếp tổ chức bộ máy là vấn đề lớn, vừa khó, vừa phức tạp, nhạy cảm, ảnh hưởng trực tiếp đến viên chức, người lao động. Khi thực hiện sắp xếp, sáp nhập, giảm đầu mối đơn vị, khối lượng công việc ở mỗi cơ quan, đơn vị tăng lên, áp lực công việc cho viên chức, người lao động lớn hơn, trong khi chính sách, chế độ đãi ngộ chưa tương xứng.

Hai địa phương đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội Hải Phòng kiến nghị với Trung ương một số nội dung như: Đề nghị sớm ban hành các văn bản quy định về quản lý các đơn vị sự nghiệp công lập, nhất là các đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ, đồng thời đề nghị cơ quan liên quan sớm xây dựng dự thảo chính thức về hệ thống thang, bảng lương, lấy ý kiến rộng rãi của những trường hợp chịu tác động trực tiếp.

Vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm là xây dựng cơ chế riêng trong thực hiện tinh giản biên chế đối với khối giáo dục, y tế do đặc thù số lượng người làm việc phải tăng theo nhu cầu xã hội, quy mô dân số; thực hiện chính sách cải cách tiền lương đối với giáo viên công tác tại các trường công lập để giáo viên ổn định, làm việc lâu dài.

Chú thích ảnh
Ông Lã Thanh Tân, Phó Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng, phát biểu.

Tiếp thu ý kiến của các đại biểu quận Ngô Quyền, huyện Thủy Nguyên, ông Lã Thanh Tân, Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội chuyên trách thành phố Hải Phòng cho biết, nhiều nội dung đại biểu quan tâm, đặc biệt là vấn đề liên quan đến giáo dục đã được Đoàn báo cáo trước Quốc hội. Những nội dung của ngày làm việc này cũng sẽ được đoàn tiếp thu và gửi báo cáo lên Quốc hội theo quy định.

Ông Lã Thanh Tân đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp, nhiệm vụ trong quá trình đổi mới hệ thống tổ chức, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập, rà soát sắp xếp lại bộ máy hiệu lực, hiệu quả.

Đối với các vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật, các địa phương, đơn vị cần có những kiến nghị cụ thể như vướng mắc ở đâu, cần sửa đổi nội dung gì, trong quy định nào. Trên cơ sở đó, các cơ quan mới có căn cứ để sửa đổi, điều chỉnh quy định phù hợp với thực tiễn.

Tin, ảnh: Minh Thu (TTXVN)
Biên Hòa có 1,3 triệu dân nhưng chưa có nhà tang lễ, không có rạp hát xứng tầm
Biên Hòa có 1,3 triệu dân nhưng chưa có nhà tang lễ, không có rạp hát xứng tầm

Ngày 29/2, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai tiến hành giám sát “việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023”.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN