Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình thời gian qua đã từng bước sắp xếp tinh gọn đầu mối các đơn vị trực thuộc. Thực hiện tinh giản 10% biên chế các đơn vị sự nghiệp trực thuộc; đối với 2 trường cao đẳng tỷ lệ tinh giản gần 20% biên chế so với năm 2025. Tuy nhiên, hiện nay cơ sở vật chất của một số đơn vị trực thuộc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu thực tế, chưa đồng bộ. Cùng với đó định mức thu nhập đối với các ngành như nuôi dưỡng đối tượng bảo trợ xã hội, người nghiện ma tuý còn thiếu. Chế độ trực của viên chức các cơ sở cai nghiện, công tác xã hội còn thấp.
Theo Sở Giáo dục và đạo tạo tỉnh Hòa Bình, tính hết năm 2023, toàn ngành Giáo dục tỉnh có 50 đơn vị sự nghiệp công lập. Sau sắp xếp, toàn ngành có 518 đơn vị sự nghiệp giáo dục, giảm được 234 biên chế viên chức sự nghiệp; giảm 104 cán bộ cấp phó các đơn vị trực thuộc Sở, tương đương 12%. Giám đốc sở Giáo dục đào tại tỉnh Hòa Bình, bà Bùi Thị Kim Tuyến cho biết, trong quá trình thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018 - 2023, ngành còn gặp một hạn chế; việc giao tỷ lệ 10% tinh giản biên chế trong ngành chưa hợp lý. Hiện toàn tỉnh Hòa Bình thiếu 872 giáo viên.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, Giám đốc Bác sĩ Nguyễn Hoàng Diệu cho biết, hiện nay có 44 khoa, phòng với tổng số 903 viên chức và người lao động, trong đó 842 viên chức và 61 hợp đồng lao động.
Trong các buổi giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2018-2023, bên cạnh kết quả đạt được, các đại biểu tại bốn đơn vị nêu những tồn tại, hạn chế và nêu kiến nghị với đoàn đại biểu Quốc hội.
Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Hòa Bình kiến nghị cần bố trí đủ biên chế cho các đơn vị trợ giúp xã hội, cai nghiện ma tuý; đề nghị không giảm biên chế hưởng lương từ ngân sách sang biên chế hưởng lương từ nguồn thu sự nghiệp của các đơn vị cơ sở giáo dục nghề nghiệp...
Đối với ngành giáo dục tỉnh Hòa Bình cũng kiến nghị Chính phủ sửa đổi quy định tuổi nghỉ hưu đối với giáo viên mần non để phù hợp với đặc thù công việc; cải thiện chính sách lương đối với nhân viên. Ưu tiên bố trí ngân sách cho các tỉnh miền núi để tăng cường cơ sở vật chất; mở rộng chính sách khuyến khích xã hội hóa cho giáo dục…
Cùng với đó, tình trạng chảy máu chất xám, đặc biệt là nguồn nhân lực có trình độ cao vẫn đang diễn ra tại Bệnh viên Đa khoa tỉnh Hòa Bình. Cơ chế tự chủ cho phép bệnh viện được quyết định việc chi tiêu của đơn vị, nhưng lại phải tuân thủ các định mức được ban hành trong rất nhiều văn bản của Nhà nước trong bối cảnh giá cả thị trường luôn biến động…
Những vấn đề tồn đọng, hạn chế tại Sở Y tế Hòa Bình cũng được các đại biểu tham gia góp ý như: Các đơn vị trực thuộc được giao tự chủ tài chính nhưng không được giao quyền tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân lực tương ứng, nên chưa được chủ động trong việc sắp xếp bộ máy, nhân lực để thực hiện nhiệm vụ cho phù hợp và hiệu quả. Đối với khối Trung tâm y tế đa chức năng, Chính phủ chưa ban hành Nghị định quy định về cơ chế tài chính nên trong việc lập dự toán, chi tiêu tại các đơn vị còn nhiều lúng túng…
Kết luận qua các buổi khảo sát, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc đề nghị thời gian tới Sở Lao động - Thương binh và Xã hội; Sở Giáo dục và đào tạo, Bệnh viện đa khoa và Sở y tế tiếp tục tuyên truyền các chính sách, pháp luật, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; bám sát các chỉ tiêu, giải pháp thực hiện đảm bảo theo lộ trình đã đề ra.
Qua hai buổi giám sát Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất, kiến nghị về đầu tư cơ sở vật chất, tổ chức, bộ máy. Đối với những đề xuất, kiến nghị, đoàn tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, nghiên cứu giải quyết theo quy định.