Việc phát triển sinh kế, cải thiện đời sống người dân cùng với bảo tồn các giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc ở Đồng bằng sông Cửu Long luôn được quan tâm triển khai. Các chính sách dân tộc, trong đó có Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 và nhiều chương trình, dự án, đã phát huy hiệu quả, góp phần phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước nâng cao đời sống đồng bào.
Hiện các xã có đông đồng bào dân tộc thiểu số ở Đồng bằng sông Cửu Long đều có trường Trung học Cơ sở, trạm Y tế và đường ô tô đến trung tâm xã; 100% xã, phường, thị trấn, các khóm (ấp) có điện lưới quốc gia; hộ dân nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 99,6%... Các địa phương có chương trình, đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật truyền thống Khmer, từng bước đưa nghệ thuật truyền thống này thành sản phẩm du lịch đặc trưng.
Tại Sóc Trăng - nơi có đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 35,4% dân số của tỉnh, địa phương luôn quan tâm triển khai các nghị quyết của Đảng, chủ trương, chính sách của Nhà nước về đầu tư phát triển sản xuất, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Các địa phương quan tâm hỗ trợ nhà, đất ở, đất sản xuất, chuyển đổi ngành nghề, cho vay vốn phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đồng bào, đặc biệt là thực hiện các chương trình mục tiêu Quốc gia...
Đến cuối năm 2022, Sóc Trăng đã giảm được 7.270 hộ nghèo (tương đương 2,19%), trong đó có trên 3.000 hộ Khmer.
Ở thành phố Cần Thơ, địa phương có 27 thành phần dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm trên 3% dân số, các chương trình tập huấn, đào tạo nghề cho người lao động dân tộc thiểu số, trong đó có người Khmer, được thành phố thực hiện hiệu quả. Là nơi có tốc độ đô thị hóa nhanh, gặp nhiều khó khăn, song Cần Thơ vẫn quan tâm đầu tư xây dựng 3 khu dân cư, bố trí đất ở cho trên 250 hộ dân tộc thiểu số.
Đời sống ngày càng được nâng cao là điều kiện thuận lợi để đồng bào Khmer thụ hưởng văn hóa tinh thần. Nhiều loại hình văn hóa - nghệ thuật truyền thống trước đây có nguy cơ mai một, nay đã được phục hồi, trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân nơi đây. Nhiều lễ hội văn hóa, nghi thức tôn giáo được gìn giữ, đồng thời trở thành các sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo như: lễ mừng năm mới (Chôl Chnăm Thmây), lễ giỗ ông bà quá cố (Sene Dolta)...
Đồng bằng sông Cửu Long có trên 220 xã thuộc vùng dân tộc thiểu số; trong đó, đồng bào Khmer khoảng 1,2 triệu người, chiếm 6,7% dân số cả nước… Nhờ sự nỗ lực của người dân cùng những quan tâm đầu tư, hỗ trợ của các cấp, ngành, đời sống của bà con vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số đã có nhiều bước tiến đáng kể, hòa nhịp phát triển của toàn vùng.