Phục hưng làng nghề, nghề truyền thống

Thái Bình hiện có 141 làng nghề, tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nhiều làng nghề đang phải hoạt động cầm chừng, có nguy cơ bị mai một. Trước thực trạng trên, tỉnh Thái Bình đang nỗ lực bảo tồn và phát triển làng nghề, nghề truyền thống, qua đó, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân.  

Chú thích ảnh
Các nghệ nhân tại làng nghề thêu Minh Lãng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) cần mẫn tạo ra các sản phẩm tranh thêu truyền thống. 

Trăn trở với nghề truyền thống

Làng nghề thêu Minh Lãng, huyện Vũ Thư có bề dày lịch sử 200 năm đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn và phát triển. Thời kỳ phong kiến, sản phẩm thêu của Minh Lãng chủ yếu là mũ, áo, xiêm y, trang phục của quan lại triều đình. Những năm đất nước có chiến tranh, nghề thêu Minh Lãng vẫn được duy trì. Thập kỷ 70, 80 của thế kỷ XX là thời điểm cực thịnh của làng thêu, thu hút hàng nghìn hộ làm nghề. Người dân từ già đến trẻ đều biết thêu, làng nghề nổi tiếng khắp vùng, hàng thêu ở đây thường được xuất khẩu sang Liên Xô và các nước Đông Âu.  

Từ thập kỷ 90 của thế kỷ XX, chế độ chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ đã ảnh hưởng đến thị trường tiêu thụ sản phẩm, nghề thêu ở Minh Lãng lao đao. Năm 2000, Tỉnh ủy Thái Bình ban hành Nghị quyết số 01-NQ/TU về phát triển nghề và làng nghề đã tạo luồng sinh khí mới để nghề thêu ở Minh Lãng khôi phục và phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, những năm gần đây, do sự cạnh tranh gay gắt lao động với các doanh nghiệp may mặc, nghề thêu ở Minh Lãng gặp nhiều khó khăn.  

Bà Nguyễn Thị Phú – người có hơn 50 năm gắn bó với nghề thêu cho biết, mấy năm nay, một số thị trường tiêu thụ sản phẩm thêu truyền thống của làng nghề như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc giảm hẳn số lượng đơn hàng. Giá trị sản phẩm thêu của địa phương chưa được nâng lên, thu nhập từ nghề thêu chưa hấp dẫn nên nhiều lao động trẻ đã chuyển dịch sang các công ty may mặc.

Các doanh nghiệp, cơ sở, tổ hợp thêu vẫn duy trì hoạt động, tuy nhiên doanh thu, lợi nhuận chỉ đạt 50 - 60% so với trước; thu nhập của lao động nghề thêu hiện ở mức 4 - 6 triệu đồng/người/tháng.  

Cơ sở sản xuất thêu Ninh Nhuần, chuyên thêu tranh nghệ thuật và áo dài truyền thống của gia đình bà Nguyễn Thị Nhuần, xã Minh Lãng hiện có gần 30 thợ thêu, quy mô chỉ bằng 1/3 so với trước, trong đó thợ thêu chủ yếu là phụ nữ trung niên và người cao tuổi. Bà Nhuần chia sẻ, do tác động của thị trường và nhiều yếu tố khác, nghề thêu Minh Lãng hiện gặp rất nhiều khó khăn.

Để giải quyết đầu ra, bà Nhuần đã phải năng động tìm mọi hướng đi để thích ứng với thị trường, cụ thể là sản phẩm áo dài truyền thống để duy trì nghề. Tuy nhiên, bà Nhuần cũng trăn trở, không biết sau này còn ai theo nghề thêu, bởi lớp trẻ đều tìm đến những công việc khác thu nhập cao hơn…

Bảo tồn và phục hồi

Thái Bình hiện có 141 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận; trong đó, có nhiều nghề truyền thống nổi tiếng trong nước và quốc tế. Mặc dù có đóng góp to lớn về giá trị văn hóa, kinh tế - xã hội, song các làng nghề, nghề truyền thống trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn, thách thức trong việc bảo tồn, phục hồi và phát triển.

Trong tổng 141 làng nghề được UBND tỉnh cấp bằng công nhận, có 98 làng nghề còn duy trì hoạt động sản xuất; 21 làng nghề hoạt động cầm chừng, có nguy cơ bị mai một và 22 làng nghề hiện không còn hoạt động.

Ông Lại Văn Hoàn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, để gìn giữ và phát triển các làng nghề, nghề truyền thống tạo việc làm và thu nhập cho người dân, tỉnh đã có Quyết định Phê duyệt Đề án bảo tồn, phục hồi và phát triển làng nghề, nghề truyền thống giai đoạn đến năm 2030.

Theo đó, tỉnh sẽ tăng cường đào tạo, truyền nghề, lan tỏa giá trị của di sản văn hóa nghề truyền thống trong cộng đồng, đặc biệt là đối với thế hệ trẻ; tổ chức phong tặng, tôn vinh các danh hiệu thợ giỏi, nghệ nhân, nghệ nhân ưu tú, nghệ nhân nhân dân, bảng vàng gia tộc nghề truyền thống Việt Nam và các sản phẩm làng nghề tiêu biểu.  

Chú thích ảnh
Các sản phẩm thêu của xã Minh Lãng (huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình) được đánh giá cao về độ tinh xảo, thể hiện sự khéo léo và tài hoa của người thợ. 

Cùng đó, tỉnh tổ chức sản xuất tại các làng nghề theo hướng sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị, hiệu quả kinh tế cao, xây dựng sản phẩm OCOP từ sản phẩm làng nghề góp phần phát triển kinh tế nông thôn và xây dựng nông thôn mới; thúc đẩy phát triển ngành nghề sản xuất mới theo nhu cầu của thị trường, phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương thông qua các hình thức du nhập, học tập, phổ biến, nhân rộng từ các mô hình làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động có hiệu quả.  

Đồng thời, đẩy mạnh khuyến khích liên kết, thu hút các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư cho hoạt động bảo tồn, phát triển làng nghề; điều chỉnh, bổ sung quy hoạch hoặc quy hoạch mới quỹ đất giành cho phát triển làng nghề…

Ngoài ra, địa phương còn hỗ trợ, tạo điều kiện cho các nghệ nhân, thợ giỏi tham gia khóa đào tạo về thiết kế mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại, kỹ năng tập huấn; đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại trong nước và quốc tế, xây dựng và phát triển thương hiệu cho sản phẩm làng nghề theo chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, Chương trình OCOP; hỗ trợ cơ sở sản xuất, doanh nghiệp tại làng nghề xây dựng trang thông tin điện tử giới thiệu, quảng bá sản phẩm, bán hàng trực tuyến, truy xuất nguồn gốc…  

Cùng đó, Thái Bình tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, cá nhân và xã hội về vai trò, tầm quan trọng của việc bảo tồn, phát triển nghề, làng nghề gắn với bảo vệ môi trường trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn bản sắc văn hóa của địa phương.  

Tỉnh Thái Bình phấn đấu đến năm 2030, khôi phục, bảo tồn được ít nhất 3 nghề truyền thống và 3 làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; trên 80% làng nghề, làng nghề truyền thống hoạt động có hiệu quả; có ít nhất 50% số làng nghề có sản phẩm được bảo hộ sở hữu thương hiệu; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường… 

Bài và ảnh: Vũ Quang  (TTXVN)
Hà Nội hỗ trợ các làng nghề truyền thống hội nhập thế giới
Hà Nội hỗ trợ các làng nghề truyền thống hội nhập thế giới

Hà Nội vừa ghi dấu ấn quan trọng khi hai làng nghề Gốm sứ Bát Tràng và Dệt lụa Vạn Phúc chính thức trở thành thành viên của Mạng lưới Thành phố thủ công sáng tạo thế giới. Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Hoa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội về kế hoạch phát triển làng nghề của Thủ đô.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN