Phát triển kinh tế gắn với giáo dục tại vùng biên giới

Kon Tum là tỉnh có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm hơn 55%. Thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TU ngày 06/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “nâng cao chất lượng giáo dục đối với học sinh dân tộc thiểu số tính đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, ngành Giáo dục và chính quyền địa phương đã đầu tư mạnh mẽ về cơ sở vật chất, nâng cao chất lượng giáo dục nhằm đáp ứng đủ điều kiện học tập, giúp học sinh vùng dân tộc thiểu số, biên giới tiếp thu kiến thức hiệu quả.

Phát triển kinh tế gắn với giáo dục

Chú thích ảnh
Trường Mầm non MB-716 tại xã biên giới Ia Đal (Ia H'Drai, Kon Tum) đã được đầu tư đầy đủ thiết bị dạy và học. 

Chi nhánh 716 (Binh đoàn 15) được thành lập vào năm 2014, hoạt động trên địa bàn huyện biên giới Ia H’Drai với nhiệm vụ hỗ trợ người dân nơi đây phát triển kinh tế. Đơn vị hiện tập trung chăm sóc và khai thác hơn 3.100 ha cao su với hàng trăm lao động là đồng bào dân tộc thiểu số.

Với đặc thù là vùng biên giới, khu vực cao su của người dân chủ yếu nằm giáp biên, để đáp ứng đủ điều kiện làm việc của công nhân, Chi Nhánh 716 đã đầu tư xây dựng Trường Mầm non MB-716 với tổng kinh phí 14 tỷ đồng. Trường học gồm đầy đủ các trang thiết bị, cơ sở vật chất đảm bảo tốt công tác chăm sóc và nuôi dạy các cháu.

Anh Hà Văn Dần (thôn 6, xã Ia Dal, huyện Ia H’Drai) cho biết, hai vợ chồng anh đều là công nhân cạo mủ cao su của Chi nhánh 716. Với thời gian làm việc từ 12 giờ đêm, vợ chồng anh phải gửi con đến trường vào thời điểm này để đi làm. Nhờ vào việc xây dựng Trường Mầm non MB-716, gia đình anh đã có thể gửi con cái để tập trung lao động sản xuất.

Chú thích ảnh
Giờ vui chơi của học sinh trường Mầm non MB-716 tại xã biên giới Ia Đal (Ia H'Drai, Kon Tum).

Cô Bùi Thị Ánh (giáo viên Trường Mầm non MB-716) chia sẻ, đa phần giáo viên tại đây đều đến trường từ 12 giờ đêm để chăm các cháu cho cha mẹ đi làm. Bản thân cô Ánh phải sắp xếp thời gian hợp lý giữa gia đình và công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Trường Mầm non MB-716 đã nuôi dạy gần 3.000 lượt cháu tại các điểm trường mầm non. Nhà trường còn bố trí nhân viên y tế, cô nuôi để quản lý, chăm sóc, bảo đảm việc ăn, nghỉ, sinh hoạt và học tập cho các cháu học bán trú là con của người lao động và người dân trên địa bàn.

Thiếu tá Lã Hồng Công (Phó Giám đốc Chi nhánh 716, Binh đoàn 15) cho biết, trong năm học 2023-2024, được sự quan tâm, tạo điều kiện từ nguồn vốn Bộ Quốc phòng, Binh đoàn, Chi nhánh 716 đã đầu tư cấp đồ dùng đồ chơi, trang thiết bị phục vụ công tác giảng dạy cho trường trung tâm và 10 điểm nhà trẻ với tổng kinh phí hơn 550 triệu đồng. Ban phụ nữ Quân đội trao tặng bộ đồ dùng, đồ chơi thông minh trị giá 50 triệu đồng; chi trả lương cho cán bộ, giáo viên trong toàn Chi nhánh với số tiền gần 4,5 tỷ đồng. Đây là minh chứng cho thấy bên cạnh việc phát triển kinh tế, đơn vị luôn quan tâm, chú trọng đến công tác giáo dục, đảm bảo chế độ đầy đủ cho người lao động và gia đình.  

Đầu tư có hiệu quả cho giáo dục

Chú thích ảnh
Giờ học của học sinh trường Trung học Cơ sở Hùng Vương tại xã biên giới Ia Đal (Ia H'Drai, Kon Tum). 

Huyện biên giới Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) có 7 trường với hơn 3.400 học sinh, số học sinh người dân tộc thiểu số chiếm hơn 2.300 học sinh, tỷ lệ 68%. Thời gian đầu thành lập huyện vào năm 2015, cơ sở vật chất cho giáo dục tại đây còn đơn điệu, không đáp ứng đủ điều kiện học tập cho các em. Do đó, Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai tập trung sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn từ Chương trình mục tiêu Quốc gia để đầu tư cho giáo dục, hướng đến hình thành trường học đạt chuẩn Quốc gia trên địa bàn.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai Võ Anh Tuấn khẳng định, nhiệm kỳ 2020-2025, huyện đã đầu tư, xây dựng toàn bộ trường công lập trên địa bàn. Hiệu quả cho thấy, tất cả các cơ sở đều khang trang, bảo đảm đủ điều kiện để giảng dạy và học tập cho các em học sinh. Huyện còn sửa chữa, hoàn thiện các công trình phục vụ việc chăm sóc, giáo dục học sinh như nhà vệ sinh, hệ thống nước sạch, cơ sở vật chất cho học sinh bán trú để các em học tập thoải mái, đạt nhiều kết quả cao.

Để bảo đảm chất lượng dạy và học trên địa bàn, Ủy ban nhân dân huyện Ia H’Drai thường xuyên phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum đi thực tế cơ sở, kiểm tra về chất lượng đội ngũ giáo viên và học sinh. Từ đầu năm học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh tổ chức Đoàn công tác gồm các giáo viên gạo cội ở các địa phương khác đi kiểm tra từng trường, từng cơ sở giáo dục, từng lớp để hướng dẫn giáo viên tại huyện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Chú thích ảnh
Trường Mầm non MB-716 được Chi Nhánh 716 (Binh đoàn 15) đầu tư xây dựng với tổng kinh phí 14 tỷ đồng phục vụ con em của các công nhân cao su tại xã biên giới Ia Đal (Ia H'Drai, Kon Tum). 

Nhờ đầu tư có trọng tâm, trọng điểm cho công tác giáo dục, số học sinh trên địa bàn huyện Ia H’Drai gia tăng cơ học nhanh theo từng năm học. Đội ngũ giáo viên được nâng cao cả về số lượng và chất lượng. Giáo viên người dân tộc thiểu số được ưu tiên tuyển dụng và bố trí phù hợp nhằm từng bước ổn định các cơ sở giáo dục vùng dân tộc thiểu số. Ý thức học tập của học sinh dân tộc thiểu số có những chuyển biến tích cực; kết quả phổ cập giáo dục Mầm non, Tiểu học và Trung học Cơ sở tại các xã được duy trì và nâng cao. Chế độ, chính sách cho học sinh dân tộc và nhà giáo được thực hiện đầy đủ, kịp thời, đúng đối tượng.

Kết quả cho thấy, tỷ lệ trẻ em dân tộc thiểu số từ 3-5 tuổi đi học mẫu giáo và tiếng Việt để chuẩn bị vào học lớp 1 đạt 100%; học sinh dân tộc thiểu số cấp tiểu học được đánh giá hoàn thành chương trình giáo dục đạt hơn 97%; học sinh dân tộc thiểu số cấp Trung học Cơ sở có học lực từ trung bình trở lên đạt gần 97%.

Chú thích ảnh
Giờ học của học sinh trường Mầm non MB-716 tại xã biên giới Ia Đal (Ia H'Drai, Kon Tum).

Theo Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ia H’Drai Thạch Xuân Hào, thời gian tới, ngành Giáo dục tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt được; phấn đấu 100% học sinh dân tộc thiểu số được học ngoại ngữ, tin học từ lớp 3 trở lên; 99% học sinh dân tộc thiểu số cấp Tiểu học hoàn thành chương trình lớp học và 100% học sinh dân tộc thiểu số cấp Trung học Cơ sở có học lực từ trung bình trở lên. Trong đó, tiếp tục đầu tư, xây dựng các trường học bậc giáo dục Mầm non, Tiểu học, Trung học Cơ sở theo hướng đạt chuẩn Quốc gia.

Với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, công tác giáo dục tại huyện biên giới Ia H’Drai nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung đã không ngừng chuyển biến tích cực. Qua đó, con em người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới đã có nhiều điều kiện thuận lợi để học tập và nuôi dưỡng ước mơ cho tương lai.

Bài và ảnh: Khoa Chương (TTXVN)
Bình Thuận tiếp bước cho học sinh dân tộc thiểu số đến trường
Bình Thuận tiếp bước cho học sinh dân tộc thiểu số đến trường

Chiều 10/5, tại thành phố Phan Thiết, Quỹ học bổng “Vừ A Dính” và Câu lạc bộ “Vì Hoàng Sa - Trường Sa thân yêu” phối hợp Tỉnh đoàn, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Thuận tổ chức trao học bổng năm học 2023 - 2024 cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh vùng biên giới biển, đảo trên địa bàn tỉnh.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN