Đoàn công tác của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh đã đến xã biên giới Ia Mơ (huyện Chư Prông) thăm em Siu Nhăm (học sinh lớp 8, Trường Trung học Cơ sở Nguyễn Văn Trỗi). Siu Nhăm mồ côi cả cha mẹ và đang sống cùng chị gái ở làng Klăh. Đây là năm thứ 2, Nhăm được nhận hỗ trợ từ dự án “Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường”. Nhờ đó, năm học mới này, em đã có đầy đủ sách vở, dụng cụ học tập. Siu Nhăm cho biết, đầu năm học, các chú bộ đội đã đến nhà tặng em sách vở và tiền để mua thêm quần áo, giày dép đến trường. Biết ơn các chú bộ đội, em sẽ cố gắng học thật tốt để không phụ lòng các chú.
Đoàn công tác đã về xã biên giới Ia Nan, huyện Đức Cơ để thăm em Ksor H’Viên (học sinh lớp 9, Trường Trung học Cơ sở Phan Bội Châu). Do điều kiện gia đình khó khăn, không có đất canh tác, bố mẹ phải đi làm thuê theo thời vụ. Nhiều lần, Ksor H’Viên có ý định bỏ học ở nhà phụ giúp gia đình. Được sự quan tâm, động viên của cấp ủy, chính quyền, nhà trường, đặc biệt là sự hỗ trợ của cán bộ, chiến sỹ Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai, H’Viên đã tiếp tục đến trường.
Dự án “Cán bộ, chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, được lực lượng vũ trang Quân khu 5 triển khai trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Đối tượng được hỗ trợ là các học sinh trong độ tuổi đi học (từ lớp 1 - 12), là người dân tộc thiểu số đang sinh sống ở khu vực 7 xã biên giới có hoàn cảnh khó khăn, là con của người có uy tín, người tích cực tham gia bảo vệ biên giới trong đồng bào dân tộc thiểu số.
Năm học 2023 - 2024, các đơn vị lực lượng vũ trang tỉnh đã hỗ trợ kinh phí cho 13 học sinh; trong đó 7 em ở xã Ia Mơr, Ia Púch (huyện Chư Prông), ba em ở xã Ia Pnôn, Ia Nan, Ia Dom (huyện Đức Cơ) và ba em ở xã Ia Chiă, Ia O (huyện Ia Grai) với tổng trị giá hơn 96 triệu đồng (mỗi em được hỗ trợ 7.400.000 đồng/9 tháng của năm học).
Để dự án mang lại hiệu quả, ngoài trao tận tay nguồn hỗ trợ, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh còn chỉ đạo Ban Chỉ huy Quân sự các huyện phối hợp cùng gia đình, nhà trường, địa phương nắm tình hình học tập, đời sống mọi mặt của các em. Đồng thời, đơn vị làm sổ nhật ký ghi chép, theo dõi các hoạt động hỗ trợ và kết quả học tập của từng em, nhằm bảo đảm sự công khai, minh bạch cũng như có cơ sở để tiếp tục đề nghị hỗ trợ các em trong những năm tiếp theo.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Púch, huyện Chư Prông cho biết, địa phương sẽ phân công cán bộ phụ trách phối hợp với giáo viên của trường để vừa giám sát, kiểm tra, vừa vận động để các em có động lực học tập trong thời gian tới. Trên cơ sở đó, địa phương sẽ đánh giá kết quả một năm học của học sinh và tìm ra phương án tối ưu nhất giúp các em tự tin trong học tập.
Với ý nghĩa nhân văn của dự án, từ nay, con đường đến trường của các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn ở địa bàn biên giới còn có sự đồng hành của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang tỉnh cùng nâng bước các em trên con đường chinh phục tri thức, góp phần vào sự nghiệp trồng người, nâng cao dân trí trên địa bàn biên giới.