Sát thực tiễn
Xã Thạnh Hưng (huyện Giồng Riềng) là một trong những xã sớm đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào đầu năm 2023. Đạt được kết quả này là nhờ sự đồng lòng, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã. Xuất phát từ đặc thù địa phương, Đảng bộ xã đã có nghị quyết về xây dựng nông thôn mới nâng cao; trong đó, xác định tập trung thực hiện chuyển đổi mô hình sản xuất, tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, phát triển kinh tế vườn, chăn nuôi, ưu tiên phát triển sản phẩm OCOP (Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, phát triển kinh tế nông thôn), sản phẩm chủ lực của địa phương, góp phần tăng thu nhập cho nông dân và giảm nghèo bền vững.
Phó Bí thư Đảng ủy xã Thạnh Hưng Mã Văn Vô cho biết, muốn tạo sự đồng thuận cao, khơi dậy được sức dân, nghị quyết của Đảng bộ, Chi bộ phải sát thực tiễn, xuất phát từ điều kiện sản xuất, đặc thù dân cư từng ấp. Do đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng thuận, thống nhất cao cùng xây dựng nông thôn mới nâng cao, để Thạnh Hưng thực sự là miền quê đáng sống, niềm tự hào của mỗi người dân địa phương. Đảng ủy xã đã lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao theo trọng tâm, trọng điểm; tập trung nâng cao thu nhập cho người dân và hoàn thiện các cơ sở hạ tầng. Đến nay, thu nhập bình quân của người dân đã đạt trên 64,5 triệu đồng/người/năm.
Ấp Phạm Đình Nông là một trong ba ấp được UBND xã Thạnh Hưng chọn làm điểm thực hiện mô hình Ấp nông thôn mới kiểu mẫu. Để triển khai hiệu quả, Chi bộ ấp đã có kế hoạch chuyên đề, tập trung thực hiện theo từng quý. Chi bộ ấp trực tiếp nắm bắt tình hình, chỉ đạo các đoàn thể như: Chi hội Phụ nữ, Chi hội Cựu chiến binh hỗ trợ, tạo điều kiện để chủ vườn được vay thêm vốn, phát triển sản xuất phù hợp điều kiện từng hộ dân và nhu cầu thị trường.
Bí thư Chi bộ ấp Phạm Đình Nông Nguyễn Hoàng Sơn cho biết, Chi bộ ấp chính là nơi nắm tình hình phát triển sản xuất, đề xuất, giới thiệu để các tổ chức, đoàn thể hỗ trợ chủ vườn vay vốn, mở rộng quy mô canh tác. Hiện nay, trên địa bàn, mô hình trồng chanh không hạt của bà Nguyễn Thị Quyến (58 tuổi) đang cho hiệu quả kinh tế cao. Với tổng diện tích khoảng 5.200 m2, vườn chanh của gia đình bà Quyến cho thu hoạch quanh năm, ngày nhiều nhất có thể hái tới 100 kg chanh tươi. Giá chanh thời điểm thấp nhất là 5.000 đồng/kg, cao nhất 20.000 đồng/kg, đảm bảo người trồng có lãi. Năng động trong phát triển kinh tế và tích cực tham gia công tác đoàn thể, bà Quyến hiện là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ và Chi hội Cựu chiến binh của ấp. Bà là quần chúng ưu tú, đang được bồi dưỡng để trở thành đảng viên, có nhiều đóng góp hơn trong xây dựng, phát triển quê hương.
Trên địa bàn xã, nhiều hộ dân có nghề làm bánh tráng, tập trung ở ấp Thạnh Trung và Thạnh Tân. Làng nghề sản xuất bánh tráng xã Thạnh Hưng đã được UBND tỉnh Kiên Giang công nhận là làng nghề truyền thống. Ông Nguyễn Như Mạnh, Bí thư Chi bộ ấp Thạnh Trung là chủ cơ sở sản xuất bánh tráng Mạnh Tài - sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu cấp Quốc gia.
Ông Mạnh cho biết, nâng cao thu nhập cho gia đình, tạo việc làm cho người dân địa phương, ông đã mở rộng quy mô sản xuất, chú ý đảm bảo sản phẩm bánh tráng đưa ra thị trường luôn đạt chất lượng cao, vệ sinh an toàn thực phẩm. Hiện nay, mỗi ngày, cơ sở sử dụng khoảng 700 kg gạo để sản xuất bánh tráng, tạo việc làm ổn định cho trên 30 lao động. Ông Mạnh còn cùng các đảng viên trong Chi bộ tích cực đóng góp kinh phí, hỗ trợ đảng viên có hoàn cảnh khó khăn phát triển sinh kế phù hợp, nâng cao thu nhập.
Bí thư Huyện ủy Giồng Riềng Nguyễn Văn Hiền cho rằng, phát huy vai trò gương mẫu của từng đảng viên, tạo sự thống nhất, đồng thuận cao chính là nền tảng để tổ chức cơ sở Đảng trên địa bàn triển khai các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội đạt hiệu quả cao. Đến thời điểm này, huyện đã có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; trong đó có xã Thạnh Hưng.
Chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm hai mươi
Dịp đầu năm mới 2024, về xã Định Hòa (huyện Gò Quao) - xã Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, mọi người đều cảm nhận rõ tinh thần khẩn trương, quyết tâm của Đảng bộ, chính quyền và người dân nơi đây trong giai đoạn “nước rút” đưa địa phương đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao.
Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Định Hòa Phạm Thanh Hải cho biết, trước đây, địa phương là xã nghèo, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Triển khai Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới, xã được Trung ương và địa phương đầu tư nhiều công trình, dự án phát triển sản xuất nông nghiệp, giao thông nông thôn, xây dựng trường học khang trang, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Địa phương đã sớm đạt chuẩn nông thôn mới và đang tiếp tục xây dựng nông thôn mới nâng cao. Trên cơ sở nghị quyết của Huyện ủy, Đảng bộ xã có nghị quyết xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2024, thể hiện sự quyết tâm, nỗ lực nâng cao hơn nữa đời sống người dân. Các ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ bám địa bàn, chỉ đạo đến từng Chi bộ, cụ thể hóa nghị quyết của Đảng bộ xã thành các chỉ tiêu sát với đặc thù của ấp. Ngay trong tháng 1/2024, các Chi bộ đã sớm triển khai, có các giải pháp để cùng nỗ lực hoàn thành các mục tiêu đề ra.
Theo Bí thư Chi bộ ấp Hòa Thanh (xã Định Hòa) Lê Văn Một, Đảng ủy xã đã ban hành nghị quyết về xây dựng nông thôn mới nâng cao năm 2024. Chi bộ ấp Hòa Thanh căn cứ đặc điểm của ấp tập trung đề ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện toàn diện các tiêu chí của nông thôn mới nâng cao; trong đó, tập trung các tiêu chí liên quan đến phát triển giao thông, bảo vệ môi trường. Các đảng viên trong Chi bộ xác định “chủ trương một, biện pháp mười, quyết tâm phải hai mươi” như lời của Bác. Chi bộ ấp trập trung chỉ đạo phát triển nông nghiệp toàn diện, sản xuất 2 vụ lúa, năng suất lúa đạt 12 tấn/ha/năm, phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm theo hướng tập trung an toàn sinh học trên địa bàn ấp. Đồng thời, Chi bộ chú trọng thực hiện vệ sinh môi trường, đảm bảo tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt và chất thải rắn không nguy hại được thu gom xử lý theo quy định đạt trên 95%; tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 95% trở lên, giữ vững danh hiệu ấp văn hóa.
Anh Nguyễn Hoàng An (một người dân xã Định Hòa) là chủ cơ sở sản xuất lò đốt và cột bê tông, nhiều năm liền đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi cấp huyện. Anh An chia sẻ, anh rất phấn khởi và đồng tình khi Định Hòa đang xây dựng xã nông thôn mới nâng cao. Nhờ đó, xóm ấp đẹp hơn, đường được mở rộng, trồng hoa, thắp sáng vào ban đêm. Kinh tế phát triển, người dân được tạo điều kiện hỗ trợ vay vốn, thuận lợi làm các thủ tục về mở rộng mặt bằng để mở rộng sản xuất. Cơ sở sản xuất của anh mỗi năm đưa ra thị trường khoảng 15.000 sản phẩm các loại, tạo việc làm cho 6 lao động thường xuyên và nhiều lao động thời vụ ở địa phương.
Đề cập về phát huy vai trò của tổ chức Đảng ở cơ sở, đóng góp tích cực vào thực hiện các nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới ở địa phương, Bí thư Huyện ủy Gò Quao Trần Thanh Việt khẳng định, huyện tiếp tục coi trọng xây dựng, củng cố và phát huy vai trò tổ chức cơ sở Đảng, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục để thực hiện hiệu quả nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, đưa địa phương phát triển nhanh và bền vững, đời sống người dân ngày càng được nâng lên, góp phần xây dựng Kiên Giang trở thành tỉnh có chất lượng sống cao của vùng Đồng bằng sông Cửu Long.