Việc khai thác tiềm năng, dư địa nuôi trồng thủy sản trên các hồ chứa thủy lợi, thủy điện đang phát huy hiệu quả góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Là một trong những hộ tiên phong trong phong trào nuôi cá lồng ở hồ thuỷ điện Trung Sơn, gia đình ông Nguyễn Biên Cương, bản Tà Bán, xã Trung Sơn đã có 7 lồng nuôi cá, chủ yếu là các loại cá trắm, chép, lăng đen, lăng hoa… với khối lượng khoảng 4 tấn cá cho thu hoạch rải rác. Nhờ kỹ thuật chăm sóc tốt, mỗi năm thu nhập của gia đình anh Cương từ việc nuôi cá lồng từ đạt từ 150-160 triệu đồng/năm.
Anh Cương cho biết, ban đầu nuôi, gia đình anh cũng gặp không ít khó khăn do đặt sai vị trí lồng nuôi nên vào mùa mưa bão lồng hay bị dính rác, bị trôi… Được sự tư vấn, giúp đỡ của cán bộ xã và nhà máy thuỷ điện Trung Sơn anh đã di chuyển lồng nuôi vào vị trí hợp lý hơn, nhờ đó cá sinh trưởng phát triển tốt và đặc biệt không bị ảnh hưởng bởi yếu tố thời tiết… Giờ đây nuôi cá lồng đã trở thành ngành nghề mang lại thu nhập chính và ổn định cho gia đình anh.
Cũng như gia đình ông Cương, nhận thấy được tiềm năng, lợi thế trong phát triển nghề nuôi cá lồng, gia đình anh Đinh Công Chức, bản Tà Bán đã bắt tay vào việc đầu tư lồng để nuôi cá. Thay vì dùng luồng, tre như trước kia, gia đình anh đã mạnh dạn đầu tư lồng bằng khung sắt để nuôi cá, vừa chắc chắn, tạo độ thoáng giúp cá sinh trưởng, phát triển tốt.
Với ưu thế dòng nước sạch, thức ăn chủ yếu tận dụng các sản phẩm từ nông nghiệp như cám, ngô, lá chuối, lá mía, cá con… nên cá nuôi ở lòng hồ thủy điện Trung Sơn được đánh giá cao về chất lượng, có đầu ra ổn định. Theo tính toán, bình quân 1 hộ chăn nuôi cá lồng cho thu nhập trung bình khoảng 100 triệu đồng/năm, khiến người nuôi cá rất phấn khởi.
Để góp phần liên kết các hộ nuôi cá, tạo đầu ra ổn định, tháng 3/2023, xã Trung Sơn đã thành lập Hợp tác xã Dịch vụ nuôi trồng thủy sản cựu chiến binh Trung Sơn với 15 thành viên.
Để người dân có vốn đầu tư, xã đã tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Quan Hóa cho các hộ dân vay 800 triệu đồng để đầu tư nuôi cá lồng. Cùng đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện đã tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho người dân, như: Ứng phó với biến đổi khí hậu; kỹ thuật đóng lồng nuôi bằng lưới quây thay cho cách đóng lồng bằng tre, luồng truyền thống; cách chăm sóc, thu hoạch cá...
Ông Phạm Văn Cường, Phó Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên Thủy điện Trung Sơn cho biết, tạo điều kiện sinh kế cho người dân phát triển nuôi cá trên lòng hồ, công ty tạo mọi điều kiện cho người dân khai thác diện tích mặt nước; thường xuyên thông báo cho người dân lịch xả nước, tích nước và các cảnh báo trong quá trình vận hành liên hồ chứa, giúp người dân chủ động trong quá trình nuôi.
Theo bà Hà Thị Nga, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quan Hoá, mô hình nuôi cá lồng ở lòng hồ thuỷ điện là hướng đi mới của bà con huyện miền núi Quan Hoá, góp phần xóa đói, giảm nghèo, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Hiện toàn huyện có gần 50 hộ dân phát triển nghề nuôi cá lồng, với hơn 100 lồng nuôi, tập trung chủ yếu ở lòng hồ thuỷ điện Trung Sơn. Huyện đang lên kế hoạch thu hút các doanh nghiệp, cá nhân đầu tư, hướng tới thả nuôi các loại cá đặc sản có giá trị kinh tế cao. Đồng thời, huyện xây dựng kế hoạch phát triển thành các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; hạn chế tình trạng nuôi tự phát khó kiểm soát, ô nhiễm môi trường.
Tận dụng lợi thế mặt nước lòng hồ Thủy điện Bá Thước 2, hàng chục hội viên Hội Nông dân xã Điền Lư, huyện Bá Thước đã đầu tư phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng hàng hóa, từ đó mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại địa phương.
Theo đó, trên địa bàn xã hiện có 74 hộ tham gia nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện Bá Thước 1,2 với hàng trăm lồng nuôi. Để góp phần tăng năng suất, sản lượng địa phương đã tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ người nuôi kỹ thuật chọn cá giống, mật độ thả cá, quy trình chăm sóc, thường xuyên làm vệ sinh lồng nuôi để bảo đảm nước lưu thông tốt, cung cấp đủ oxy cho cá và cách phòng trừ dịch bệnh…
Nhờ đó, nuôi cá lồng trên lòng hồ thuỷ điện trên đã trở thành nghề chính mang lại thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân trên địa bàn xã.
Ông Nguyễn Văn Huy, Chủ tịch UBND xã Điền Lư (Bá Thước) cho biết, nghề nuôi cá trên lòng hồ thuỷ điện là hướng phát triển kinh tế mới cho người dân ở các xã ven lòng hồ Thủy điện Bá Thước 1 và 2.
Thời gian tới, địa phương hướng đến thành lập Tổ hợp tác để hỗ trợ người dân vay vốn, mở rộng quy mô sản xuất, áp dụng khoa học, kỹ thuật vào nuôi trồng, ổn định đầu ra của sản phẩm; thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm an toàn, nhất là trong mùa mưa lũ, để giảm tổn thất do thiên tai gây ra.
Tuy nhiên, việc nhân rộng mô hình nuôi các lồng còn gặp nhiều khó khăn, như: vốn đầu tư, tập quán sản xuất của người dân còn lạc hậu dẫn đến hạn chế trong việc áp dụng khoa học, kỹ thuật. Do vậy, cần có sự quan tâm hơn nữa của các cấp, các ngành liên quan, tạo điều kiện cho người dân phát triển nghề nuôi cá lồng theo hướng bền vững, mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Bà Hà Thị Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nông dân tỉnh Thanh Hoá cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 610 hồ chứa nước lớn nhỏ và 11 dự án thủy điện đã vận hành phát điện.
Các công trình thủy lợi, thủy điện được đầu tư và đưa vào sử dụng đã tạo ra diện tích mặt hồ lớn là điều kiện thuận lợi để người dân sống ven các lòng hồ phát triển nghề nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa. Qua đó, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của người dân…