Hồ Thuỷ điện Tuyên Quang nằm trên địa phận của 2 huyện Na Hang và Lâm Bình của tỉnh Tuyên Quang, có tổng diện tích mặt nước tự nhiên trên 8.000 ha; trong đó, huyện Lâm Bình có diện tích trên 3.500 ha, hiện các hộ dân ở đây đang nuôi 280 lồng nuôi cá, trong đó có 40 lồng cá đặc sản chủ yếu là cá lăng, cá chiên, cá bỗng…
Gia đình anh Nguyễn Văn Tùng, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang đã có hơn 10 năm kinh nghiệm nuôi cá lồng. Hiện gia đình anh đang nuôi 40 lồng cá, chủ yếu là các loại các đặc sản như cá lăng đen, cá nheo, cá lăng chấm… Mỗi năm gia đình anh xuất bán hơn 30 tấn cá các loại, mang lại thu nhập hơn 300 triệu đồng mỗi năm.
Cũng nhờ nuôi cá lồng đã giúp gia đình anh có của ăn của để, xây được nhà, mua sắm ti vi, tủ lạnh, xe máy… phục vụ nhu cầu cuộc sống và cho các con ăn học đầy đủ. Anh Nguyễn Văn Tùng, xã Thượng Lâm, huyện Lâm Bình, tỉnh Tuyên Quang chia sẻ, nhờ áp dụng tốt các biện pháp kỹ thuật phù hợp với đặc tính của từng loại cá, cộng với nguồn nước từ các con suối trên rừng nguyên sinh chảy xuống hồ thủy điện chưa có bất kỳ nhà máy, xí nghiệp, mỏ khai khoáng nào ở gần nên rất sạch, giúp cho cá nuôi ít bị bệnh, thịt lại săn chắc, thơm ngon. Trung bình mỗi lứa nuôi từ một năm rưỡi đến hai năm, khi cá đạt trọng lượng từ 1,5 đến 2 kg thì có thể xuất bán.
Công ty TNHH Một thanh viên Thủy sản Nhật Nam là một trong những đơn vị tiêu biểu của huyện Na Hang, về nuôi thủy sản áp dụng công nghệ cao. Được thành lập từ năm 2016, đơn vị hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thủy sản, trọng tâm là nuôi cá lồng. Được biết, để xây dựng thương hiệu Cá sạch Na Hang, công ty đã xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng nuôi trồng thủy sản trên hồ thủy điện tại khu vực Thác Mơ, hồ Thủy điện Tuyên Quang, địa phận thị trấn Na Hang, với quy mô 50 lồng nuôi hiện đại, thể tích mỗi lồng 108 m³, nuôi các loại cá như: cá lăng, cá quả, cá ché...
Ông Vi Anh Đức, Phó giám đốc Công ty TNHH MTV Thủy Sản Nhật Nam, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang, cho biết: Trang trại cá sạch Na Hang hiện đang có 4 sản phẩm OCOP; trong đó có 2 sản phẩm OCOP 3 sao là cá lăng phi lê và cá lăng cắt khúc và 2 sản phẩm 4 sao là chả cá lăng và cá lăng chiên xù.
Công ty cũng đã được Bộ nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một trong những địa chỉ cung cấp thực phẩm sạch trên toàn quốc. Trung bình mỗi năm công ty xuất bán khoảng hơn 100 tấn cá các loại. Việc tiêu thụ sản phẩm đã được Công ty kết nối, cung cấp đến các thị trường trong và ngoài tỉnh như: Chợ đầu mối Long Biên, chợ Yên Sở, chợ La Khê và chuỗi nhà hàng, thực phẩm sạch tại thành phố Hà Nội... Thời gian tới, để đáp ứng nhu cầu của thị trường và các đơn đặt hàng, chúng tôi sẽ mở rộng quy mô nuôi nhất là đối với một số loài cá đặc sản như cá lăng, cá chiên, cá chép giòn và cá chình…
Hiện nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 2.255 lồng cá, trong đó, trên hồ thủy điện 1.700 lồng, trên sông 555 lồng, với tổng sản lượng cá thu hoạch khoảng 2.000 tấn cá/năm. Toàn tỉnh có 10 cơ sở nuôi trồng thủy sản được cấp chứng nhận VietGAP, 15 sản phẩm được công nhận, xếp hạng OCOP; có 2 cơ sở nuôi cá lồng được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh sách địa chỉ xanh cung cấp thực phẩm sạch.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Trung Tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang, cho biết, những năm qua, việc đẩy mạnh phát triển thủy sản nói chung và nuôi cá lồng trên sông, hồ nói riêng, đã mở hướng đi mới và mang lại thu nhập cao cho người dân, nên được các ngành chức năng tạo điều kiện phát triển, đặc biệt là các loại cá có giá trị kinh tế cao, nhằm đẩy mạnh, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, nâng cao giá trị sản phẩm và phát triển bền vững ngành nuôi trồng thủy sản ở Tuyên Quang.
Cũng theo ông Tuấn, trong thời gian tới, để tiếp tục phát triển nuôi trồng thủy sản nói chung và nuôi cá trên sông, hồ trên địa bàn tỉnh nói riêng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Tuyên Quang sẽ tiếp tục tổ chức các lớp hướng dẫn kỹ thuật về nuôi trồng thủy sản, theo hướng thâm canh, bán thâm canh, tập trung vào một số giống cá đặc sản và cá có giá trị kinh tế cao, đồng thời, hướng dẫn cho các hộ thành lập các hợp tác xã, tổ hợp tác để sản xuất theo chuỗi liên kết, giúp các hộ trao đổi kinh nghiệm trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản, xây dựng mô hình và phối hợp với các đơn vị thực hiện các mô hình nuôi trồng thủy sản theo hướng tiêu chuẩn mang lại giá trị kinh tế cao.
Trung tâm tăng cường phối hợp giữa 5 nhà: quản lý, khoa học, nông dân, doanh nghiệp và ngân hàng để có được sự liên kết trong việc phát triển sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Tiếp tục xây dựng nhân rộng các mô hình dự án ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nuôi trồng thủy sản...
Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, có trên 2.700 lồng nuôi cá, với tổng sản lượng đạt trên 3.000 tấn cá/năm, trong đó, đặc biệt, chú trọng khuyến khích người dân tăng thể tích và tỷ lệ lồng nuôi các loài cá bản địa quý hiếm (rầm xanh, anh vũ, chiên, lăng chấm, bỗng…) và các loại cá có giá trị kinh tế cao (cá tầm, nheo Mỹ…) đang được thị trường ưa chuộng…