Tại huyện Nam Sách, Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương Triệu Thế Hùng yêu cầu chính quyền các địa phương tích cực tuyên truyền, tăng cường kiểm tra, hướng dẫn người dân nuôi cá lồng và sản xuất nông nghiệp ven sông các phương án, cách thức ứng phó khi xảy ra mưa lũ. “Không chỉ đối phó với cơn bão số 4 mà từ nay đến cuối năm thời tiết dự báo còn diễn biến cực đoan nên chính quyền các địa phương nhất là các xã phường ven sông cần có phương án đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, người dân sản xuất ven sông và nhất là người dân nuôi cá lồng”, Chủ tịch Triệu Thế Hùng nhấn mạnh.
Chính quyền các địa phương cần tiếp tục rà soát, chấn chỉnh các hoạt động nuôi cá lồng trên sông nhất là các hộ nuôi cá lồng tự phát theo đúng quy định pháp luật; đảm bảo vệ sinh môi trường và an toàn giao thông đường thủy; không để xảy ra các tai nạn đường thủy đáng tiếc gây thiệt hại cho người dân.
Chia sẻ với những khó khăn của người dân khi giá thức ăn chăn nuôi tăng cao, thời tiết diễn biến phức tạp, Chủ tịch Triệu Thế Hùng đề nghị người dân không chủ quan, chấp hành nghiêm túc các yêu cầu của chính quyền; tập trung theo dõi các diễn biến của thời tiết và chủ động các biện pháp phòng, chống để kịp thời ứng phó khi xảy ra bão, lũ.
Các hộ nuôi cá lồng trên sông khi mở rộng sản xuất phải báo cáo với chính quyền địa phương để có các giải pháp hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo an toàn giao thông đường thủy, tránh việc làm tự phát, không theo quy hoạch, gây ô nhiễm môi trường….
Huyện Nam Sách là huyện có số lượng lồng bè nuôi thủy sản lớn nhất tại Hải Dương. Ông Hồ Ngọc Lâm, Chủ tịch UBND huyện Nam Sách cho biết, đến tháng 9/2022, toàn huyện có khoảng 105 hộ nuôi cá lồng trên sông với tổng số 2.900 lồng nuôi tại 9 xã là Nam Hưng, Nam Tân, Thanh Quang, An Bình, Cộng Hòa, Hiệp Cát, An Sơn, Thái Tân, Minh Tân.
Ước 9 tháng đầu năm 2022, tổng sản lượng cá nuôi trong toàn huyện thu được từ nuôi cá lồng khoảng 7.215 tấn. Trước những diễn biến phức tạp của thời tiết nhất là cơn bão số 4 chuẩn bị đổ bộ vào Việt Nam, bên cạnh việc tăng cường thông tin, tuyên truyền vận động, huyện Nam Sách cử cán bộ, gửi văn bản hướng dẫn đến tận các hộ nuôi cá lồng để tuyên truyền, hướng dẫn cách chằng, chéo lồng bè tránh bị trôi khi có mưa lũ; các cách thức đảm bảo an toàn cho người và phương tiện nuôi trồng thủy sản tại địa phương.
Bà Chu Ngọc Lan, hộ dân nuôi cá lồng tại phường Nam Đồng, thành phố Hải Dương chia sẻ, gia đình có 20 lồng nuôi các loại cá là trắm, chép… Gia đình cũng thường xuyên theo dõi dự báo thời tiết qua các phương tiện thông tin đại chúng cũng như hướng dẫn của chính quyền địa phương để kịp thời có các phương án bảo vệ lồng cá an toàn trong mùa mưa lũ.
Theo Phòng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, tổng diện tích nuôi trồng thủy sản năm 2021 của Hải Dương đạt 12.335ha; trong đó: diện tích nuôi cá truyền thống (trắm, chép, trôi, mè) chiếm 50-60%; diện tích nuôi cá giống mới (cá rô phi, cá nheo Mỹ...) chiếm 30%, diện tích nuôi thuỷ đặc sản (ba ba, ốc, ếch, lươn, chạch) và nuôi tôm chiếm 5%, còn lại là diện tích nuôi các đối tượng khác.
Toàn tỉnh hiện có 214 vùng nuôi trồng tập trung với tổng diện tích 4.889ha; trong đó, có 82 vùng có quy mô từ 5 - 10ha; 54 vùng có quy mô từ 10 - 20ha; 78 vùng có quy mô từ 20ha trở lên.
Đến tháng 6/2022, Hải Dương có 9 huyện, thành phố có nuôi trồng thuỷ sản lồng bè trên sông với tổng số trên 7.222 lồng, 548 hộ tham gia. Tập trung nhiều tại các huyện, thành phố như huyện Nam Sách, thành phố Hải Dương, huyện Tứ Kỳ, thành phố Chí Linh, huyện Thanh Hà…
Sản lượng nuôi năm 2021 đạt 19.006 tấn, năng suất đạt 4-5 tấn/lồng nuôi. Đối tượng nuôi ở lồng bè chủ yếu là: cá diêu hồng, cá rô phi đơn tính, cá nheo mỹ, cá trắm cỏ, cá chép, cá trắm nuôi giòn, chép nuôi giòn…