Trong đêm 14 rạng sáng ngày 15/11, mực nước sông Hàn đã dâng cao, tràn lên bờ. Trên đường Như Nguyệt, đoạn gần cầu Thuận Phước, khoảng 800m vỉa hè bị sóng đánh gây hư hỏng, vỡ nát nhiều mảng gạch lát, đá sàn cảnh quan và sạt lở đoạn lan can dài 48m. Tại các tuyến đường ven biển quận Sơn Trà, sóng gió đánh bật nhiều rác, đất cát lên mặt đường, một số pano, đèn trang trí, biển báo bị gãy đổ. Theo ghi nhận của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam, trong sáng 15/11, lực lượng chức năng đã khẩn trương dọn dẹp, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện qua lại các tuyến đường trên.
Tính đến 8 giờ ngày 15/11 tại thành phố Đà Nẵng, có 6 ngôi nhà bị hư hại do mưa bão (sập mái hiên, tốc mái một phần); 1 ghe nhỏ bị chìm (công suất 16 cv của ông Đặng Văn Cu bị chìm tại địa điểm sau nhà thờ Lăng Ông, đường Hồ Hán Thương); 3 ha rau màu mới xuống giống bị hư hại; 300m2 nhà màng sản xuất rau tại xã Hòa Phú bị tốc mái hoàn toàn; 414 trạm còn mất điện, hiện 32.563 khách hàng bị mất điện.
Mực nước lúc 7 giờ ngày 15/11 trên các sông như sau: Sông Vu Gia tại Ái Nghĩa là 7.11m (trên báo động 1: 0.61m); Sông Cẩm Lệ tại Cẩm Lệ 0.82m (dưới báo động 1: 0.18m). Từ nay đến ngày 16/11, trên sông Vu Gia và các sông thành phố Đà Nẵng khả năng xuất hiện một đợt lũ. Đỉnh lũ trên sông Vu Gia ở mức báo động 2- báo động 3, các sông thuộc Đà Nẵng ở mức báo động 1- báo động 2. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét ở miền núi, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối, vùng núi huyện Hòa Vang, quận Liên Chiểu, Sơn Trà. Nguy cơ cao xảy ra ngập lụt khu vực ven sông, ngập úng vùng trũng thấp và khu đô thị, đặc biệt là huyện Hòa Vang, quận Cẩm Lệ, Liên Chiểu, Hải Châu, Thanh Khê, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn.