Ninh Thuận thống nhất đầu tư hạ tầng thiết yếu tại khu vực dừng dự án xây dựng nhà máy điện hạt nhân

Sáng 26/9, tại thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận khóa XI, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã tổ chức Kỳ họp thứ mười bốn để thảo luận, biểu quyết và thống nhất thông qua các Nghị quyết triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh; trong đó có Nghị quyết về đầu tư xây dựng hạ tầng thiết yếu khu vực dự án dừng chủ trương xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2 tại hai xã Vĩnh Hải (huyện Ninh Hải) và Phước Dinh (huyện Thuận Nam).

Chú thích ảnh
Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, phát biểu tại kỳ họp. 

Tại Kỳ họp, ông Phạm Văn Hậu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Ninh Thuận cho biết, để đảm bảo các thủ tục và phù hợp với căn cứ pháp lý về quy hoạch, thời gian thực hiện, việc ban hành Nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu trên địa bàn xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải (Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2) là cần thiết để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính tổng hợp trình Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến trước khi Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn theo Nghị quyết số 93/2023/QH15 của Quốc hội.

Ông Trần Quốc Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận nêu rõ, việc đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu tại hai địa phương trên là rất cần thiết nhằm khắc phục khó khăn, ổn định sản xuất, từng bước nâng cao đời sống nhân dân khu vực trước đây được quy hoạch thực hiện Dự án nhà máy điện hạt nhân; qua đó góp phần hoàn thành mục tiêu của Đề án ổn định sản xuất, đời sống nhân dân và phát triển khu dân cư đối với các vị trí quy hoạch xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2.

Theo đó, hai địa phương trên sẽ được đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu với 6 dự án thành phần. Cụ thể, đối với xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam sẽ thực hiện nâng cấp mở rộng tuyến đường quốc phòng cũ (đường 701); xây dựng mới 3 tuyến kết nối đường 701 với đường ven biển có chiều dài khoảng 2,7 km. Đối với xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải sẽ triển khai nâng cấp đường tỉnh lộ 702 cũ; xây dựng mới 3 tuyến đường kết nối trong khu vực sản xuất với chiều dài hơn 3.600m; xây dựng mới kè chắn sóng và kè chắn lũ ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải với chiều dài trên 2.100m; đồng thời nâng cấp ao Bầu Tró, xây dựng hệ thống dẫn nước từ suối Hố Quạt về ao Bầu Tró với nhiều hạng mục để phục vụ sản xuất và đời sống của người dân.

Chú thích ảnh
Quang cảnh kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh Ninh Thuận khóa XI.

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Ninh Thuận Lê Kim Hoàng, các dự án được thực hiện đều là công trình giao thông cấp IV, với tổng mức đầu tư dự kiến 296 tỷ đồng. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội là 273 tỷ đồng, vốn ngân sách địa phương 23 tỷ đồng. Được thực hiện từ nay đến năm 2025, Dự án khi được đầu tư sẽ đảm bảo giao thông thông suốt; tạo thuận lợi trong xử lý các tình huống cứu hộ, cứu nạn và ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu và tăng cường củng cố quốc phòng, an ninh tại hai địa phương trên; đặc biệt tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư phát triển kinh tế, khai thác hiệu quả tiềm năng quỹ đất chưa sử dụng trong khu vực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Dự án xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 có diện tích 440 ha, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 có diện tích 380 ha, với tổng công suất 4.000 MW, được Quốc hội thông qua năm 2009. Đến tháng 11/2016, Quốc hội quyết định dừng dự án.

Sau nhiều năm dừng dự án, đến tháng 7/2023, UBND tỉnh Ninh Thuận đã ban hành thông báo về việc hủy các thông báo thu hồi đất để bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện dự án Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2; đồng thời triển khai các giải pháp để ổn định sản xuất, đời sống nhân dân ở khu vực này.

Tin, ảnh: Công Thử (TTXVN)
Vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông
Vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng đầu tư hạ tầng giao thông

Theo Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng, đến năm 2030, tổng nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng giao thông vùng Đông Nam Bộ cần khoảng 738.500 tỷ đồng.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN