Ninh Bình: Xây dựng chuỗi cơ giới hóa trong sản xuất lúa

Nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, đặc biệt là thực hiện cơ giới hóa đồng bộ đã giúp nhiều địa phương tại tỉnh Ninh Bình hình thành các vùng sản xuất lúa hàng hóa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình ngày càng phát triển và nhân rộng qua đó không chỉ góp phần giảm thiểu sức lao động cho người nông dân mà còn thúc đẩy dịch vụ nông nghiệp đóng góp quan trọng vào tăng trưởng của ngành nông nghiệp.

Chú thích ảnh
ùng máy bay rải phân bón trên đồng lúa xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập

Huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình hiện có gần 8 nghìn ha đất trồng lúa. Để thúc đẩy cơ giới hoá trong sản xuất lúa, huyện Yên Khánh đã xây dựng vùng sản xuất tập trung theo hướng hữu cơ, công nghệ cao nhằm từng bước phát triển đồng bộ từ khâu đầu tư cơ sở hạ tầng, giao thông nội đồng, kênh mương, từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

Trong đó, việc đầu tư hỗ trợ cơ giới hoá trong sản xuất được chú trọng để chuyển phương thức sản xuất từ gieo sạ sang máy cấy góp phần hạn chế thuốc trừ cỏ, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, giảm chi phí trong sản xuất, nâng cao thu nhập cho người dân.

Ông Nguyễn Mạnh Toàn, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Yên Khánh cho biết, để thúc đẩy cơ giới hoá trong sản xuất lúa, những năm qua, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022-2025. HĐND huyện ban hành nghị quyết số 74/NQ-HĐND ngày 10/11/2022 phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu huyện Yên Khánh giai đoạn 2021- 2025.

Từ những nghị quyết này, người nông dân huyện Yên Khánh đã được hỗ trợ trên 200 máy các loại như máy cấy lớn, máy cấy dắt tay, máy gieo hạt, máy sấy, máy cuốn rơm, máy gặt, máy bơm vô ống… Nhờ có các chính sách hỗ trợ máy móc trong sản xuất lúa, hiện nay huyện đã chuyển đổi từ gieo sạ sang cấy được trên 50% diện tích và đã hạn chế thuốc trừ cỏ, hạn chế việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gây ô nhiễm môi trường, nâng cao hiệu quả sản xuất/ha canh tác từ 10-15%.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, với diện tích gieo cấy hàng năm gần 80.000 ha toàn tỉnh, cây lúa là cây trồng chủ lực trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh Ninh Bình. Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh, người dân cơ bản vẫn duy trì việc sản xuất lúa theo phương pháp truyền thống, tỷ lệ gieo sạ còn cao.

Cùng với đó, việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và phân bón không cân đối đã làm chi phí sản xuất tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới lợi nhuận của người trồng lúa. Vì vậy, việc hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo, đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ là hết sức cần thiết nhằm phát huy tối đa lợi thế, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Ông Bùi Hữu Ngọc, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến lâm - Khuyến ngư Ninh Bình chia sẻ, việc đẩy mạnh áp dụng cơ giới hóa đồng bộ vào sản xuất lúa góp phần bảo đảm thời vụ, tăng hệ số sử dụng đất, nâng cao năng suất, giảm thiểu sức lao động, làm thay đổi tư duy, phương thức canh tác thủ công của người dân.

Ông Ngọc phân tích, khâu gieo mạ, sử dụng giàn máy gieo tự động giúp đơn giản hóa hoạt động, dễ chăm sóc, thuận tiện cho việc quản lý, bảo vệ mạ khi thời tiết bất thuận so với gieo mạ truyền thống. Bên cạnh đó, phương pháp này giúp tiết kiệm tối đa lượng giống cần gieo (giảm 25 - 30% so với gieo mạ truyền thống), tiết kiệm tối đa thời gian và công lao động.

Đối với khâu cấy và chăm sóc lúa: Máy cấy có thể cấy cùng lúc được 6 hàng có thể điều chỉnh khoảng cách cấy, điều chỉnh mật độ từ 16 - 33 khóm/m2; số dảnh/khóm điều chỉnh theo nhu cầu canh tác từng giống. Ưu điểm vượt trội của máy cấy là nâng cao hiệu quả, rút ngắn thời gian, giảm chi phí nhân công lao động.

Với diện tích cùng 1ha, nếu cấy bằng máy chỉ cần 2 người, cấy xong trong vòng 2 giờ, trong khi cấy bằng tay phải sử dụng tới 20 người, trong 8 giờ mới hoàn thành. Mô hình ứng dụng đồng bộ cơ giới hóa từ khâu gieo mạ khay, cấy máy đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt, góp phần tăng thêm 15% giá trị so với sản xuất truyền thống.

Hỗ trợ cơ giới hóa

Chú thích ảnh
Máy cấy không người lái trên đồng lúa xã Khánh Nhạc, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: Thùy Dung/TTXVN

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình, thời gian qua, tỉnh Ninh Bình đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ nông dân đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng như hỗ trợ 1 lần 50% kinh phí mua sắm máy móc, thiết bị (mức hỗ trợ tối đa không quá 200 triệu đồng/máy, thiết bị, công nghệ) và hỗ trợ tối đa không quá 600 triệu đồng/đối tượng.

Các huyện trong tỉnh tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa; trọng tâm là ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch, công nghệ sinh học, hình thức sản xuất tiên tiến, bền vững, gắn với phát triển công nghiệp, dịch vụ du lịch.

Nhờ hàng loạt các chính sách hỗ trợ cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo các Nghị quyết của HĐND tỉnh đã góp phần tăng mạnh số lượng máy móc trên đồng ruộng, nâng tỷ lệ cơ giới hóa trong khâu làm đất đạt trên 98%; khâu chăm sóc, tưới hơn 95%; phun thuốc bảo vệ thực vật gần 80%; khâu thu hoạch trên 93%; khâu gieo cấy gần 30%...

Chuỗi liên kết trong sản xuất lúa gạo đã được thực hiện thành công ở một số địa phương trong tỉnh, nhờ đó phát huy tối đa lợi thế, tiết kiệm chi phí, nâng cao thu nhập cho nông dân, đặc biệt năng cao chất lượng sản phẩm, tăng sức cạnh tranh.

Ông Đinh Văn Khiêm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Bình cho biết, hiện nay, HĐND tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết số 32/2022/NQ-HĐND ngày 15/7/2022 quy định chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh Ninh Bình giai đoạn 2022- 2025; trong đó, có nhiều chính sách hỗ trợ nhằm tăng cường cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp, nhất là ở 2 khâu còn yếu là gieo cấy và chế biến sau thu hoạch.

Việc các địa phương cần làm hiện nay là đẩy mạnh tích tụ, tập trung đất đai, tạo thuận lợi cho việc đưa máy móc hiện đại vào sản xuất; tăng cường kết nối các tổ chức, cá nhân, hợp tác xã làm dịch vụ nông nghiệp trên địa bàn tỉnh để xây dựng chuỗi cơ giới hóa nhằm tối ưu hóa công suất máy.

Giai đoạn 2022-2025, Ninh Bình phấn đấu có 5.000ha được hỗ trợ trong việc sử dụng giống mới, tiến bộ khoa học kỹ thuật mới, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, theo chuỗi giá trị đồng bộ và cơ giới hóa; trong đó, hết năm 2023, sẽ có khoảng 15 - 20% diện tích lúa sử dụng phân bón hữu cơ và áp dụng hệ thống cơ giới hóa đồng bộ; phấn đấu đến năm 2030, giá trị sản xuất nông nghiệp đạt hơn 200 triệu đồng/ha canh tác.

Hải Yến (TTXVN)
Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị - hướng đi bền vững
Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị - hướng đi bền vững

Liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị là hướng đi bền vững của nền nông nghiệp Đồng bằng sông Cửu Long trong giai đoạn hiện nay.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN