Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, vụ lúa Mùa 2022 - 2023, tỉnh gieo trồng 68.500 ha, vượt kế hoạch, với 100% diện tích trồng lúa chất lượng cao; trong đó, lúa ST24 và ST25 chiếm hơn 50% diện tích xuống giống. Tỉnh đã thu hoạch xong diện tích vụ lúa Mùa này, năng suất bình quân 5,35 tấn/ha.
Tiếp đến, lúa vụ Đông Xuân 2022 - 2023, tỉnh gieo trồng hơn 281.000 ha, vượt kế hoạch, với tỷ lệ trồng lúa chất lượng cao chiếm trên 98% diện tích. Đến nay, đã thu hoạch hơn 167.000 ha, đạt gần 60% diện tích, năng suất bình quân 7,3 tấn/ha.
Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết, vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2022 - 2023, tỉnh có 27.187 ha đạt chuẩn sản xuất lúa gạo bền vững (SRP), hữu cơ, GloabalGAP, VietGAP, kiểm soát dư lượng, đang thời kỳ chuyển đổi sản xuất hữu cơ phục vụ xuất khẩu sang các thị trường châu Âu (EU), Mỹ, Nhật… Các giống lúa gieo trồng phổ biến trong cánh đồng lớn như: ĐS1, Jasmin85, ST24, ST25, RVT, Đài thơm 8, OM5451, OM18…
Ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức sản xuất gắn liên kết tiêu thụ với Công ty cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, Công ty cổ phần Nông nghiệp công nghệ cao Trung An hơn 30.520 ha và cùng nhiều doanh nghiệp, công ty khác. Đến nay, trên địa bàn 12 huyện, thành phố của tỉnh đã được cấp 113 mã vùng trồng lúa, với hơn 5.695 ha cho các vùng trồng lúa phục vụ xuất khẩu vào các thị trường EU, Trung Quốc, Malaysia, Singapore, Canada…
Nhìn chung, giá lúa tiêu thụ trong liên kết cánh đồng lớn thuận lợi, doanh nghiệp thu mua lúa của nông dân cao hơn giá thị trường do có kiểm soát dư lượng, sản xuất an toàn thực phẩm và đạt tiêu chuẩn xuất khẩu. Tuy nhiên, việc mở rộng quy mô diện tích liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ theo mô hình cánh đồng lớn còn hạn chế so với tiềm năng phát triển sản xuất của tỉnh.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang, tỉnh sản xuất vụ lúa Mùa và Đông Xuân 2022 - 2023 đối mặt với nhiều khó khăn, trở ngại như thời tiết diễn biến phức tạp, nắng nóng, khô hạn, xâm nhập mặn, sâu bệnh gây hại…; giá xăng dầu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp ở mức cao làm giảm lợi nhuận trong sản xuất lúa. Việc triển khai nhân rộng các mô hình sản xuất đạt chuẩn VietGAP, GlobalGAP, SRP, hữu cơ… gắn với mã vùng trồng và truy xuất nguồn gốc sản phẩm chưa theo kịp nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước.