Cơ hội cho gần 7 triệu tấn gạo
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, kể từ nửa sau năm 2022, ngành lúa gạo có sự khởi sắc đáng kể trên thị trường quốc tế. Giá gạo Việt Nam tăng cao, kéo theo mức tiêu dùng hạt gạo tăng bởi lạm phát, nhiều mặt hàng thực phẩm tăng giá, ảnh hưởng đến chi tiêu của người tiêu dùng thế giới.
Báo cáo của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nêu rõ, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt cho biết, đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng lúa 2023 ước đạt 24 triệu tấn; trong đó, tiêu thụ nội địa cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long và thành phố Hồ Chí Minh khoảng 10,8 triệu tấn. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước khoảng 13,2 triệu tấn, tương đương 6,6 triệu tấn gạo hàng hóa phục vụ cho xuất khẩu. Cơ cấu nhóm gạo xuất khẩu gồm: gạo chất lượng cao đạt 3 triệu tấn, gạo thơm, đặc sản đạt 2,1 triệu tấn, nhóm gạo chất lượng trung bình đạt 0,9 triệu tấn, nếp đạt 0,6 triệu tấn.
Phía Hiệp hội lương thực Việt Nam cũng nhận định, nhìn chung, tình hình xuất khẩu gạo của Việt Nam có nhiều dấu hiệu tích cực trong quý I và quý II/2023. Với nhu cầu tiêu dùng của các thị trường Philippines, Trung Quốc và châu Phi, các quốc gia này đang tăng cường dự trữ lương thực cũng như chuẩn bị cho thời điểm năm mới.
Ông Nguyễn Ngọc Nam, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) chia sẻ, dự báo xuất khẩu gạo vẫn tiếp tục thuận lợi. Trong ngắn hạn, giá gạo vẫn ở mức tốt do những bất ổn về kinh tế, chính trị toàn cầu khiến nhu cầu dự trữ lương thực tăng lên. Đây là yếu tố giúp các doanh nghiệp gạo được hưởng lợi trong thời gian tới.
Thêm vào đó, tại thị trường châu Âu, theo Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – châu Âu (EVFTA), Việt Nam được cấp hạn ngạch 80.000 tấn; trong đó, 30.000 tấn gạo trắng, 30.000 tấn gạo thơm, 20.000 tấn gạo lứt. Do vậy, đơn hàng gạo xuất khẩu nếu nằm trong danh mục trên được miễn thuế 175 ER/tấn. Đây là lợi thế rất lớn cho doanh nghiệp nhập khẩu nên doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo tìm cách gia tăng sản lượng, chủng loại gạo để tận dụng tối đa lợi thế này.
Tháo gỡ về nguồn vốn
Mặc dù ngành lúa gạo Việt Nam đang gặp thuận lợi về giá và các hợp đồng xuất khẩu nhưng doanh nghiệp xuất khẩu gạo muốn thu mua lúa gạo trong dân để dự trữ, vận hành chuỗi xuất khẩu tốt, mang lại lợi thế cho hạt gạo Việt Nam cũng cần nguồn vốn để thực hiện kế hoạch và chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Theo phản ánh, doanh nghiệp ngành gạo lại đang gặp khó khăn về nguồn vốn nên doanh nghiệp kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp khơi thông nguồn vốn, đặc biệt trong giai đoạn thu hoạch vụ Đông Xuân đang đến gần.
Ghi nhận các ý kiến từ doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng, ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường vẫn còn những khó khăn tiềm ẩn liên quan đến giá cước vận tải biển cao, giá cả đầu vào sản xuất lúa gạo cao cũng như tình hình xung đột ở một số khu vực trên thế giới tác động đến giá các mặt hàng lương thực khác.
Do vậy, để đảm bảo an ninh lương thực và xuất khẩu gạo, Bộ Công Thương luôn theo sát tình hình thị trường, đồng thời chủ động trong các hoạt động xúc tiến thương mại và thông báo các diễn biến kịp thời về tình hình thị trường cho hiệp hội ngành hàng và các doanh nghiệp xuất khẩu.
Bên cạnh đó, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cũng đã có đề xuất Chính phủ hỗ trợ nguồn vốn để các doanh nghiệp đủ năng lực thu mua lúa gạo phục vụ cho xuất khẩu trong năm 2023.
Theo đó, hồi cuối tháng 3/2023, Ngân hàng nhà nước cũng đã có văn bản yêu cầu các tổ chức tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long thực hiện một số nội dung đẩy mạnh cho vay thu mua, kinh doanh thóc, gạo...
Cụ thể, các tổ chức tín dụng chủ động cân đối, đảm bảo đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, kinh doanh, xuất khẩu gạo, đặc biệt vụ thu hoạch Đông – Xuân trong những tháng đầu năm 2023.
Theo văn bản, các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cải cách, đơn giản hóa quy trình, thủ tục nội bộ, rút ngắn thời gian xét duyệt cho vay, đa dạng hóa các loại sản phẩm tín dụng phù hợp, nâng cao hiệu quả thẩm định, đánh giá mức độ tín nhiệm khách hàng và đánh giá rủi ro nhằm tăng cường cho vay có bảo đảm bằng tài sản hình thành từ vốn vay hoặc cho vay không có tài sản bảo đảm trên cơ sở quản lý dòng tiền.
Các tổ chức tín dụng cũng chủ động làm việc trực tiếp với các thương nhân, doanh nghiệp, người sản xuất, kinh doanh thóc, gạo để có các giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng tiếp cận vốn phục vụ sản xuất, thu mua, chế biến, tạm trữ thóc, gạo, đặc biệt là cho vay tạm trữ, xuất khẩu gạo.
Bên cạnh đó, tổ chức tín dụng cần tiếp tục đẩy mạnh triển khai các chính sách, gồm: Chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 9/6/2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 7/9/2018 của Chính phủ, Thông tư hướng dẫn số 10/2015/TT-NHNN ngày 22/7/2015, Thông tư 25/2018/TT-NHNN ngày 24/10/2018 và Công văn số 7378/NHNN-TD ngày 01/10/2018 của Ngân hàng nhà nước về cho vay kinh doanh xuất khẩu gạo, trong đó chú trọng cho vay các mô hình chuỗi liên kết thóc, gạo từ khâu sản xuất đến thu mua, chế biến, bảo quản, tiêu thụ sản phẩm, chính sách hỗ trợ lãi suất đối với một số ngành, lĩnh vực, trong đó có ngành lúa gạo theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ, Thông tư 03/2022/TT-NHNN ngày 20/5/2022 của Ngân hàng Nhà nước.
Với sự hỗ trợ này, ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói chung, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu nói riêng có thêm trợ lực để làm tốt nhiệm vụ xuất khẩu gạo trong năm 2023.