Ông Phan Văn Chinh, Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương cho biết: Năm 2022, tình hình thương mại hàng hóa toàn cầu nói chung và mặt hàng gạo nói riêng được kỳ vọng sẽ phục hồi trở lại sau tác động của dịch COVID-19 nhưng vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn do biến đổi khí hậu, biến động địa - chính trị giữa các nước hay lạm phát của các nước gia tăng theo báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế.
Tuy nhiên, với các chính sách hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ cùng các giải pháp khơi thông thị trường, lưu thông hàng hóa, việc thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu đối với mặt hàng gạo đã ghi nhận được một số kết quả đáng khích lệ, góp phần tiêu thụ thóc, gạo hàng hóa với giá có lợi cho người nông dân. Xuất khẩu gạo năm 2022 đạt 7,13 triệu tấn, mang lại kim ngạch 3,45 tỷ USD; tăng 13,8% về số lượng và tăng 5,1% về kim ngạch so với cùng kỳ; Việt Nam nằm trong Top 3 nước xuất khẩu gạo lớn thế giới.
Dự báo hoạt động xuất khẩu gạo năm 2023 của Việt Nam có nhiều thuận lợi về bối cảnh; trong đó, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, tình trạng hạn hán tại các nước Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đang đặt nguồn cung gạo vào tình trạng thiếu hụt. Ấn Độ áp dụng lệnh cấm xuất khẩu gạo tấm và áp dụng thuế 20% với chủng loại gạo trắng.
Nhu cầu tại các thị trường truyền thống như Indonesia, Bangladesh… tăng trở lại, cộng thêm Trung Quốc mở cửa thị trường sau dịch COVID-19, nhu cầu nhập khẩu dự báo quay trở lại như các năm. Cùng với đó, chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam ngày càng được nâng cao, các nước đều có nhu cầu nhập khẩu từ Việt Nam. Do vậy, dự báo xuất khẩu gạo của Việt Nam trong năm 2023 khoảng 6,5 - 7 triệu tấn gạo.
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục giữ đà tăng trưởng trong 2 tháng đầu năm 2023, nhiều thời điểm trong các tháng, giá gạo xuất khẩu 5% tấm đứng đầu thế giới, cao hơn giá gạo cùng chủng loại của Thái Lan và Ấn Độ.
Tính đến ngày 15/2, giá gạo 5% tấm xuất khẩu của Việt Nam đạt 463 USD/tấn (FOB), tăng 16,3% so với cùng kỳ năm 2022, tương đương với giá gạo của Thái Lan cùng chủng loại, cao hơn 20 - 23 USD/tấn so với gạo 5% tấm của Ấn Độ, Pakistan.
Về nguồn cung gạo, theo Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng gạo hàng hóa xuất khẩu chủ yếu tập trung ở các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long, các vùng khác chủ yếu phục vụ cho tiêu dùng nội địa. Diện tích gieo trồng của Đồng bằng sông Cửu Long năm 2023 ước khoảng 3,83 triệu ha, năng suất bình quân khoảng 6,27 tấn/ha, sản lượng ước đạt 24 triệu tấn lúa. Lúa hàng hóa dùng cho xuất khẩu năm 2023 ước khoảng 13,2 triệu tấn, tương đương 6,6 triệu tấn gạo.
Ông Trần Minh Kiệt, Phó Giám đốc Sở Công Thương thành phố Cần Thơ thông tin: trong những tháng đầu năm, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo tập trung thực hiện các hợp đồng phải giao và ký kết thêm các hợp đồng mới chủ yếu là gạo thơm và đi các thị trường thường xuyên là Philipines, Ghana, Cameroon, Bờ Biển Ngà và đặc biệt là Hàn Quốc.
Thành phố Cần Thơ duy trì sản lượng, giá trị xuất khẩu do tập trung gạo chất lượng cao, cơ cấu các mặt hàng gạo xuất khẩu có sự thay đổi, chủ yếu gạo thơm chiếm sản lượng lớn. Một số doanh nghiệp đầu tư vùng lúa nguyên liệu với các giống lúa chất lượng cao đáp ứng theo yêu cầu của khách hàng, đầu tư vật tư đầu vào cho nông dân đảm bảo chất lượng, giá cả, đồng thời thu mua lúa hàng hóa với giá tương đối có lợi cho nông dân tham gia liên kết sản xuất.
Tuy nhiên, theo ông Trần Minh Kiệt, mặc dù tín hiệu xuất khẩu thuận lợi nhưng nông dân và doanh nghiệp vẫn gặp nhiều thách thức. Giá cả thị trường nội địa trong thời gian qua biến động thất thường, có thời điểm tăng đột biến nên ảnh hưởng đến giá cạnh tranh xuất khẩu. Một số doanh nghiệp ký hợp đồng xuất khẩu với giá thấp không thu mua đủ nguyên liệu dẫn đến kinh doanh kém hiệu quả.
Việc xây dựng vùng nguyên liệu là thật sự cần thiết, tạo ra sản phẩm lúa hàng hóa chất lượng cao, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước xuất khẩu khác. Tuy nhiên, năng lực về vốn của hầu hết các doanh nghiệp còn hạn chế, chưa mạnh dạn mở rộng diện tích liên kết bao tiêu, đầu tư kho chứa, máy sấy,... để phục vụ xây dựng vùng nguyên liệu hiệu quả.
Ông Nguyễn Thành Huân, Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh An Giang kiến nghị, Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ các địa phương trong công tác thông tin thị trường, đặc biệt là mặt hàng gạo để cung cấp thông tin đến các đơn vị có liên quan và doanh nghiệp chủ động trong sản xuất, chế biến xuất khẩu. Đồng thời, mời đoàn doanh nghiệp nhập khẩu nông, thủy sản trong và ngoài nước đến kết nối thu mua nông, thủy sản địa phương.
Đối với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục phối hợp với các cơ quan liên quan chỉ đạo các doanh nghiệp sản xuất phân bón trong nước tiếp tục duy trì, tối đa hóa công suất sản xuất, cung ứng kịp thời và dành tối đa lượng phân bón sản xuất ra để phục vụ nhu cầu trong nước.
Bên cạnh đó, các Bộ Công Thương và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất phía Trung Quốc tổ chức thêm đoàn để đánh giá, cấp phép cho thêm cho các doanh nghiệp đạt chuẩn xuất khẩu gạo vào Trung Quốc vì đây là thị trường còn nhiều dư địa tăng trưởng.