Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới

Đó là chủ đề hội thảo khoa học do UBND tỉnh Ninh Bình phối hợp với Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam tổ chức ngày 23/3.

Chú thích ảnh
Quang cảnh Hội thảo. 

Hội thảo có sự tham gia của các chuyên gia, các nhà khoa học Trung ương và địa phương nhằm làm rõ truyền thống văn hiến của nhân dân Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử, các di sản và giá trị vật chất, tinh thần cần được bảo tồn, tôn tạo và phát huy, phục vụ sự nghiệp xây dựng, phát triển.

Ông Tống Quang Thìn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình cho biết, Ninh Bình là vùng đất cổ, nơi có con người cư trú từ thời tiền sử cách đây 30 ngàn năm, dấu tích còn lưu lại ở nhiều di chỉ. Trong suốt chiều dài của lịch sử, đất và người Ninh Bình đã đi vào lịch sử với những chiến công oai hùng và oanh liệt. Vùng đất lịch sử này đã qua nhiều tên gọi. Năm Minh Mạng thứ 3 (năm 1822), đổi đạo Thanh Bình thành đạo Ninh Bình; danh xưng Ninh Bình có từ đây, với ý nghĩa là một vùng đất vững chãi, bình yên. Tròn 200 năm kể từ khi danh xưng Ninh Bình được chính thức đi vào lịch sử, trải qua hàng trăm năm dài dưới ách đô hộ của thực dân Pháp nhưng truyền thống lịch sử, ý chí quật cường truyền lại của cha ông luôn là động lực cho sự phát triển và trường tồn của vùng đất linh thiêng này.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, với vị trí chiến lược trọng yếu, Ninh Bình luôn là tâm điểm trong các cuộc hành quân đánh chiếm và ném bom phá hoại của kẻ thù. Mặc dù chịu những tổn thất hy sinh chưa từng có nhưng Đảng bộ, chính quyền, quân và dân trong tỉnh luôn nêu cao tinh thần yêu nước, bất khuất, kiên cường, dành nhiều chiến công hiển hách. Ngày 11/4/1992, tỉnh Ninh Bình chính thức được tái lập và đi vào hoạt động. Chặng đường 30 năm, quãng thời gian gần 3 thế kỷ không phải là dài so với lịch sử phát triển của vùng đất từng là kinh đô đất nước nhưng người dân Ninh Bình cảm thấy rất đỗi tự hào về thành tựu đã đạt được trong thời gian qua. Thực hiện đường lối đổi mới do Đảng khởi xướng và lãnh đạo, Đảng bộ, quân và dân Ninh Bình luôn nêu cao tinh thần đoàn kết, chủ động sáng tạo, phát huy các tiềm năng lợi thế, phấn đấu vượt qua khó khăn thách thức, làm biến đổi toàn diện vùng đất Cố đô, đưa Ninh Bình vững bước phát triển đột phá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. 

Theo ông Tống Quang Thìn, Hội thảo khoa học "Ninh Bình trong tiến trình lịch sử và sự nghiệp đổi mới" được tổ chức có ý nghĩa quan trọng, làm rõ lịch sử hình thành, phát triển của địa phương trong tiến trình lịch sử dân tộc Việt Nam, đặc biệt là từ thời điểm vùng đất được đặt tên Ninh Bình cách đây 200 năm với hàm ý về sự bình yên. Hội thảo có sự tham gia và đồng hành của đông đảo các chuyên gia, các nhà khoa học Trung ương và địa phương, là cơ hội để Ninh Bình được nghe các ý kiến khách quan, đa chiều về lịch sử, văn hóa vùng đất cũng như quá trình thực hiện công cuộc đổi mới phát triển toàn diện trên các mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng sau 30 năm tái lập. 

Tại hội thảo, các đại biểu đã tham luận và thảo luận tập trung vào các vấn đề: Ninh Bình trong lịch sử; Ninh Bình trong sự nghiệp đổi mới; Danh nhân Ninh Bình và bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của nhân dân Ninh Bình như quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích khảo cổ học ở Ninh Bình - 30 năm nhìn lại; Thân thế, sự nghiệp Đinh Bộ Lĩnh và sự thành lập Nhà nước Đại Cồ Việt; Vị trí di tích Mán Bạc trong giai đoạn Tiền sơ sử Việt Nam...

Chú thích ảnh
Các đại biểu tham luận tại Hội thảo. 

Phát biểu tại Hội thảo, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam cho biết, Ninh Bình là một vùng đất cổ xưa của đất nước. Đã có không ít công trình nhắc đến vùng đất Ninh Bình trong lịch sử như Việt sử lược, An Nam chí lược, Dư địa chí... nhưng chủ yếu đề cập đến Ninh Bình khi vùng đất này có Kinh đô Hoa Lư sau khi Đinh Bộ Lĩnh xóa bỏ được nạn cát cứ của các Sứ quân vào giữa thế kỷ X, lập nên Nhà nước Đại Cồ Việt. Vào năm 2018, tại Hội thảo cấp quốc gia về "Vai trò của Nhà nước Đại Cồ Việt trong tiến trình lịch sử Việt Nam", các đại biểu tham gia hội thảo đã thống nhất đánh giá: Trong cả quá trình lịch sử dân tộc, vua Đinh Tiên Hoàng với Nhà nước Đại Cồ Việt không những có công thống nhất sơn hà mà còn đặt nền tảng xây dựng một quốc gia thực sự độc lập, một nhà nước tập quyền đầu tiên trong lịch sử. Đó là một thành tựu lớn trên con đường xây dựng và bảo vệ đất nước, một cột mốc trọng đại trong lịch sử dân tộc. Trên vùng đất Ninh Bình hiện lưu lại nhiều di sản quý báu của dân tộc. Nhiều di sản được công nhận là di tích cấp tỉnh, quốc gia, cấp quốc gia đặc biệt và cao hơn là UNESCO công nhận là Di sản thế giới đã và đang được bảo tồn và phát huy các giá trị nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt vật chất, tinh thần của nhân dân trong tỉnh, của bạn bè, khách du lịch trong và ngoài nước. 

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Trần Đức Cường hy vọng qua hội thảo sẽ nêu rõ hơn nữa truyền thống văn hiến của nhân dân Ninh Bình qua các thời kỳ lịch sử, các di sản và giá trị vật chất và tinh thần cần được bảo tồn, tôn tạo, phát huy, phục vụ sự nghiệp xây dựng và phát triển để vùng đất Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, phồn vinh.

Tin, ảnh: Hải Yến (TTXVN)
Hội thảo khoa học 'Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên'
Hội thảo khoa học 'Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên'

Sáng 6/3, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Hưng Yên tổ chức Hội thảo khoa học: “Đồng chí Tô Hiệu với cách mạng Việt Nam và quê hương Hưng Yên” với hình thức trực tuyến tại điểm cầu Hà Nội và tỉnh Hưng Yên.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN